Lượt xem: 3129

Cô Bảy Huệ - Trọn đời theo Đảng, một đời vì nước, vì dân

Đồng chí Ngô Thị Huệ - người đảng viên 85 năm tuổi Đảng, đã về cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Đồng chí Ngô Thị Huệ là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, người đã trọn một đời theo Đảng, một đời vì nước, vì dân.

 


Cô Bảy Huệ phát biểu tại lễ khánh thành Cơ sở cách mạng xã Mỹ Qưới - nhà lưu niệm Ngô Thị Huệ năm 2017. Ảnh: Quốc Kiên.

 

    Đồng chí Ngô Thị Huệ (mọi người thường gọi bằng cái tên thân quen - cô Bảy Huệ) sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Qưới, thị xã Ngã Năm. Vùng đất anh hùng không chỉ là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng mà còn là nơi sản sinh ra những người con ưu tú cho cách mạng. Cùng với những đảng viên cộng sản trung kiên như: Trần Văn Bảy, Lê Hoàng Chu..., Cô Bảy Huệ đã tham gia cách mạng và cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

    Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nông thôn nghèo khó, sớm chứng kiến những cảnh đời bất công của xã hội thời loạn lạc, người nông dân phải chịu nhiều cảnh lầm than dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân xâm lược, cô Bảy Huệ đã sớm giác ngộ, thoát ly gia đình tham gia cách mạng vào tháng 01 năm 1936. Do hoạt động rất tích cực nên tháng 4 năm 1936, cô Bảy Huệ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại chi bộ xã Mỹ Qưới. Sau đó, cô Bảy Huệ lần lượt hoạt động ở nhiều địa phương Tây Nam bộ. Cô được phân công làm Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Trà Vinh, Cần Thơ rồi Ủy viên Liên Tỉnh ủy Hậu Giang gồm 6 tỉnh miền Tây vào năm 1940, khi ấy đồng chí Ngô Thị Huệ vừa tròn 21 tuổi. Trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, cô Bảy Huệ đã cùng các đồng chí lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa tại Vĩnh Long, sau đó bị địch bắt giam và quản thúc tại quê nhà xã Mỹ Qưới. Tháng 8 năm 1942, cô Bảy Huệ lại bị địch bắt giam lần thứ hai và kết án tù chung thân khổ sai. Khi Nhật đảo chính Pháp, cô Bảy đã vận động một số anh em tiến bộ giúp thoát khỏi nhà tù đế quốc và trở về tỉnh Bạc Liêu, cùng các đồng chí của mình tham gia tổng khởi nghĩa tháng tám 1945.

    Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cô Bảy Huệ trúng cử đại biểu Quốc hội, là một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và đã tham gia liên tục Quốc hội 4 khóa liền. Sau đó, cô Bảy được điều trở lại Sài Gòn, tham gia Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách công tác phụ vận. Năm 1948, cô Bảy Huệ thành hôn với đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh). Đến 1954 đình chiến, nhiều đồng chí tập kết ra Bắc nhưng vợ chồng cô Bảy Huệ - Mười Cúc vẫn ở lại Sài Gòn gây dựng cơ sở, nuôi dưỡng phong trào cách mạng. Cô Bảy Huệ là một người hoạt động cách mạng ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng. Lúc ra Bắc công tác, cô Bảy Huệ làm Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, lo công tác cán bộ, chuẩn bị lực lượng cán bộ chi viện cho miền Nam. Đối với gia đình, cô cũng là chỗ dựa, là điểm tựa tinh thần của chồng - cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh lo những công việc lớn lao của đất nước. Sau khi được nghỉ hưu, cô Bảy Huệ còn là một trong những người có công lớn trong việc sáng lập và xây dựng nên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ; tham gia Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Kỳ khởi nghĩa, Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh... Cuộc đời của cô Bảy Huệ gắn liền với những sự kiện lớn lao của đất nước như Khởi nghĩa Nam kỳ, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu tiên, 02 cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc…

    Dù trong hoàn cảnh nào, công tác ở đâu thì người đảng viên cao niên tuổi Đảng Ngô Thị Huệ vẫn luôn nặng tình với quê hương xứ sở. Còn nhớ trong những năm 90, đặc biệt là ngay sau khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập, khi ấy sức khỏe còn tốt, cô Bảy Huệ thường xuyên về thăm quê hương, theo dõi từng bước phát triển của tỉnh nhà và có nhiều ý kiến đóng góp quý báu cho Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đối với quê hương Mỹ Qưới, cô Bảy cùng gia đình đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp làm đường, xây cầu giao thông nông thôn để tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho bà con cùng nhiều hoạt động thiết thực khác với mong muốn quê hương ngày càng phát triển hơn, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Sau này, khi tuổi đã cao nhưng trong các cuộc họp đồng hương Sóc Trăng hay trong những chuyến thăm viếng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cô Bảy Huệ vẫn luôn quan tâm, theo dõi từng bước phát triển của quê hương xứ sở. Với uy tín của mình, cô Bảy Huệ đã tích cực vận động các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ vì người nghèo của tỉnh, chăm lo cho người già, trẻ tàn tật, nhiễm chất độc hóa học....  Trong tập hồi ức “Tiếng sóng bủa ghềnh” của cô Bảy Huệ, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết lời giới thiệu: “Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, chị Bảy Huệ giữ nhiều trọng trách khác nhau, nhưng không ai thấy chị so đo hơn thiệt. Chị đã dành hết tâm sức của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho phúc lợi cộng đồng, không biết mệt mỏi. Ý chí và nghị lực của chị Bảy thể hiện đúng nghĩa là một chiến sỹ cách mạng kiên trung. Trong gia đình, chị là người mẹ, người chị tuyệt vời; đối với bạn bè, đồng chí, chị nhất mực quý mến. Chị Bảy Huệ là một biểu tượng rất đẹp của người phụ nữ Nam bộ, người phụ nữ Việt Nam”.


Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành công trình Cơ sở cách mạng xã Mỹ Quới - Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ (năm 2017). Ảnh: Quốc Kiên.

 

    Đầu xuân năm 2017, khi cô Bảy Huệ đã 100 tuổi đời, trên 80 năm tuổi Đảng, trở về thăm lại quê hương với bao niềm xúc động. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng đã xây dựng hoàn thành công trình Cơ sở cách mạng xã Mỹ Quới, Nhà lưu niệm đồng chí Ngô Thị Huệ và tổ chức mừng đại thọ của cô Bảy. Nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh, thành nơi trước đây cô công tác, gia đình, con cháu đến mừng đại thọ của cô với niềm kính yêu người chị, người mẹ, người cô, người dì rất đỗi yêu thương của mình. Phát biểu tại  buổi lễ mừng đại thọ của cô Bảy Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ lòng biết ơn, trân quý đối với người cán bộ lão thành cách mạng đã trọn một đời theo Đảng, vì nước, vì dân. Đồng thời khẳng định cô Bảy Huệ là biểu tượng của một thế hệ dấn thân, biểu tượng đẹp của Phụ nữ Việt Nam, gần gũi, thân thương, bình dị mà cao quý.

    Tấm gương sáng - một đời theo Đảng, một đời vì nước, vì dân của cô Ngô Thị Huệ mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Mỹ Quới anh hùng, của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng.

QUỐC KIÊN



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 156
  • Hôm nay: 7687
  • Trong tuần: 89,227
  • Tất cả: 11,533,783