Lượt xem: 674

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với 29 tuổi đời, trong đó có 13 năm hoạt động cách mạng, 7 năm bị thực dân, đế quốc giam cầm, hơn 2 năm giữ chức vụ cao nhất trong Đảng - Tổng Bí thư đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của cả dân tộc Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ mãi mãi là niềm tự hào của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam.

 


Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ  (1912 - 1941)

    Cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng

    Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 tại một vùng quê văn hiến, làng Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng, là hậu duệ đời thứ 17 của đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Từ một học sinh đang học trung học Trường Bưởi, với lòng yêu nước, sự nhạy cảm chính trị và nhiệt huyết cách mạng, đồng chí đã tiếp cận và giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, năm 15 tuổi trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên do Bác Hồ sáng lập. Tháng 6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí trở thành đảng viên của Đảng và được phân công phụ trách các chi bộ ở Cẩm Phả, Cửa Ông. Đến tháng 2/1930, đồng chí là Bí thư đặc khu Hòn Gai - Uông Bí, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo công nhân toàn vùng mỏ đấu tranh nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5. Tháng 3/1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, giam ở nhà tù Hỏa Lò, bị kết án tù khổ sai và bị đày đi Côn Đảo. 5 năm sau, trước áp lực các cuộc đấu tranh của nhân dân ta và phong trào Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng một số đồng chí khác được trả tự do. Sau khi được tự do, đồng chí về Hà Nội và liên lạc với tổ chức đảng, lập ra Ủy ban sáng kiến, có vai trò như Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ.

    Tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 9/1937, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3/1938, lúc mới 26 tuổi, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng; tháng 7/1939, viết tác phẩm “Tự chỉ trích” nhằm đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, chấn chỉnh những tư tưởng lệch lạc, sai trái, thực hiện đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng và tiếp tục hoạt động cách mạng trong hoàn cảnh, điều kiện rất khó khăn, gian khổ.

    Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào thời kỳ mới, ngày 18/1/1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại Sài Gòn. Ngày 23/11/1940, thực dân Pháp khép đồng chí vào tội đã thảo ra “Nghị quyết thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, “chủ trương bạo động”, là người có trách nhiệm trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình. Vào rạng sáng ngày 28/8/1941, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã anh dũng hy sinh tại Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, thành phố Sài Gòn, nay thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

    Với 29 tuổi đời, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị thực dân đế quốc giam cầm; hơn 2 năm giữ chức vụ cao nhất trong Đảng - Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của cả dân tộc Việt Nam.

    Những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

    Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với sự thay đổi chiến lược, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đầu tháng 4/1938, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Với những bài viết đăng trên báo Dân Chúng như: “Chung quanh vấn đề Nhật chiếm Hải Nam”, “Cùng ông Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Tự do”…, đồng chí đã phân tích tình hình, vạch rõ nguy cơ chiến tranh phát xít ở Châu Á và Đông Dương, kêu gọi nhân dân đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa chống chiến tranh phát xít. Chuẩn bị để Đảng rút vào hoạt động bí mật, chủ động ứng phó với tình hình diễn biến mau lẹ, đồng chí đã cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng” gửi đến đảng bộ các cấp. Đầu tháng 9/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút số cán bộ hoạt động công khai vào hoạt động bí mật, phân công một số đồng chí cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở những địa bàn chiến lược, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.

    Hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 6/11/1939, thực dân Pháp tăng cường khủng bố cách mạng nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1939) tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Tại hội nghị này, Trung ương đã phân tích thấu đáo tính chất cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai; vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh; những chính sách của đế quốc Pháp; thái độ của các giai cấp, tầng lớp xã hội; từ đó, vạch ra đường lối chính trị của cách mạng trong tình hình mới. Hội nghị đã thống nhất chủ trương tập trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị phát xít thuộc địa, xác định giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc là nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu trước mắt của cách mạng Việt Nam; đồng thời, quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Đông Dương. Phương pháp cách mạng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Quyết định của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hết sức sáng suốt, thể hiện sự nhạy bén chính trị, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tính kịp thời và đúng đắn về chủ trương của Hội nghị Trung ương 6 đã được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 7 (tháng 11/1940) và bổ sung hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941). Từ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ tiến tới thắng lợi vẻ vang của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

    Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là nhà lý luận xuất sắc của Đảng. Sáng kiến thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất Đông Dương đã cho thấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người nghiên cứu, nắm vững chủ nghĩa Mác-Lênin và quan điểm chỉ đạo của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản. Tác phẩm “Các quyền tự do dân chủ với nhân dân Đông Dương”, đồng chí đã đưa ra những vấn đề mang tính lý luận sắc bén. Bên cạnh đó, tác phẩm còn luận giải được những vấn đề lý luận cơ bản, trên cơ sở đó, Đảng ta đã đưa ra những quyết sách chiến lược, sách lược trong phong trào cách mạng dân chủ.

    Ở phương diện đấu tranh, củng cố nội bộ, với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết cuốn sách “Tự chỉ trích”. Đây là cuốn sách có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng đảng về tư tưởng chính trị và tổ chức. Trong tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh, dù có sai lầm, có thất bại cũng “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật” và yêu cầu Đảng phải “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình mà tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”. Đây là sự đóng góp vô cùng to lớn của Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong việc làm giàu kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin từ sự đúc kết thực tế của phong trào cách mạng Việt Nam. Tư tưởng này của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay.

    Học tập về tấm gương đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

    Trong bối cảnh toàn Đảng ta đã và đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cùng với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 110 Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó là không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.

    Các đây 10 năm, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912 – 9/7/2012), trong bài diễn văn quan trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Học tập tấm gương đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tư duy sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta nguyện nêu cao ý chí cách mạng, tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người cộng sản, kiên trì học tập, nâng cao nhận thức, trình độ mọi mặt, tích cực hoạt động thực tiễn, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và nhân dân lên trên hết, trước hết, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

    Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, chúng ta đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu; xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, lãnh đạo toàn dân ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới... xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa”.

TRỌNG NHÂN



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 7018
  • Trong tuần: 88,622
  • Tất cả: 11,474,074