Lượt xem: 1175

Vang mãi những giai điệu cách mạng mùa Thu năm 1945

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trải qua muôn vàn thử thách trong máu lửa đấu tranh, với các cao trào cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, cao trào mặt trận dân chủ 1936 - 1939 và cao trào chống phát xít đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Đảng và Nhân dân ta đã có nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, chuẩn bị cho cuộc cách mạng giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

 

    Với những diễn biến của cách mạng trong nước và thế giới, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã quyết định “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, phải “Kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập uỷ ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu “Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng Khởi nghĩa, giành chính quyền. Ngày 02/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đây là thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và ngày 02-9-1945 trở thành mốc lịch sử trọng đại của đất nước, mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, dựng nên một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

    Cảm thức chung mùa Thu cách mạng tháng Tám năm 1945, vừa là sự ngưỡng vọng về giá trị thiêng liêng của những ngày cả dân tộc hòa mình vào khí thế cách mạng sục sôi - một miền ký ức không thể lãng quên, đánh đổi bằng tuổi trẻ, máu xương và hạnh phúc của thế hệ cha anh vừa chứa đựng ước vọng về hành trình vươn mình, đổi thay của đất nước. Cách mạng tháng Tám cũng chính là nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nghệ thuật, làm thay đổi số phận của nhiều văn nghệ sĩ, hướng họ đến với những giai điệu khúc ca hùng tráng phục vụ dân tộc, phục vụ nhân dân.

    Những ca khúc viết về mùa Thu cách mạng mang đến cả niềm tự hào và nỗi khắc khoải cho cả những người từng bước qua cuộc chiến và lớp hậu sinh, như: “Tiến quân ca” ra đời vào năm 1944. Ngay từ khi mới ra đời, “Tiến quân ca” được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Ngày 19/8/1945, bản hành khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sỹ Văn Cao đã vang lên khắp mọi ngả đường của Thủ đô Hà Nội. Sau cách mạng tháng Tám, ca khúc này được chọn làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc “Tiến quân ca” tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong 77 năm qua, “Tiến quân ca” đã khẳng định sức sống mãnh liệt, đồng hành cùng lịch sử dân tộc qua bao thăng trầm, trở thành bài ca của cả dân tộc. Quốc ca như biểu tượng thiêng liêng về Tổ quốc Việt Nam và tiếp tục vang mãi như lời hiệu triệu non sông.

    “Lên đàng” (nhạc: Lưu Hữu Phước, lời: Huỳnh Văn Tiểng) bài hát cũng ra đời vào năm 1944 như là lời kêu gọi, cổ vũ quần chúng hòa vào làn sóng đấu tranh cách mạng. “Lên đàng” mang âm hưởng dân gian truyền thống của những điệu lý, nhịp điệu hành khúc, tiết tấu nhanh, mạnh theo nhịp bước đi nên dễ phổ biến, tạo ra không khí sục sôi, thúc giục thanh niên “cùng nhau xông pha, lên đàng/ kiếm nguồn tươi sáng”… Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết trong cuốn sách “Lưu Hữu Phước - Con người và sự nghiệp”: “Những năm trước cách mạng, trong phong trào thanh niên và sinh viên yêu nước, tôi đã được biết những bài hát của Lưu Hữu Phước, nhất là “Tiếng gọi thanh niên” và “Lên đàng” - những bài hát thể hiện khí phách hào hùng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ. Nét nhạc của Lưu Hữu Phước vừa khỏe vừa tươi tắn, mang đậm chất dân tộc và màu sắc Nam Bộ, không thể lẫn. Những bài hát ấy đã vang vọng trên các đường phố Sài Gòn cuồn cuộn hàng chục vạn người khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.”

    Ngày 19/8/1945, hòa vào dòng người tham gia cuộc cách mạng ở Hà Nội. Khí thế sục sôi của dòng người đã tác động trực tiếp đến nhạc sỹ, thôi thúc ông sáng tác nên bài hùng ca lịch sử. Với giai điệu giản dị, dễ hát, lời ca dễ nhớ, thể hiện tinh thần lạc quan, khí thế đấu tranh sục sôi, truyền đi nhiệt huyết và niềm tin vào cách mạng, ca khúc “19 tháng Tám” nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong công chúng cả nước. Mỗi dịp Thu về, ca khúc “19 tháng Tám” của cố nhạc sỹ Xuân Oanh lại vang lên trên những ngả đường, như gợi nhắc về những trang sử hào hùng của dân tộc.

    Dù năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân xâm lược mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc. Mỗi dịp Thu về vừa là niềm tự hào về giá trị thiêng liêng của những ngày cả dân tộc hòa mình vào khí thế cách mạng kiên cường vừa tràn đầy niềm tin kỳ vọng về hành trình phát triển, đổi thay của đất nước.

    Vinh quang này mãi mãi thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lực lượng vũ trang nhân dân trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. 77 năm trôi qua những giai điệu của khúc ca hùng tráng về cách mạng mùa Thu tháng Tám năm 1945 vẫn mãi mãi vang lên trong tâm hồn và trái tim của người dân Việt Nam./.

Sơn Lương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 926
  • Trong tuần: 82,530
  • Tất cả: 11,467,982