Lượt xem: 2520

Phùng Lục Xinh - Nhân vật anh hùng gắn với sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975

Phùng Lục Xinh, người con ưu tú của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói chung, của lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng nói riêng, đã thực hiện lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Anh hy sinh khi chưa tròn 20 tuổi và hy sinh vào ngày 30/4/1975, ngày mà quân dân miền Nam nhất tề đứng lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh” để giải phóng hoàn toàn miền Nam. Phùng Lục Xinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, là một trong những anh hùng liệt sĩ trẻ tuổi của tỉnh Sóc Trăng.

 


Phùng Lục Xinh. Ảnh Tư Liệu

 

    Phùng Lục Xinh sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước ở ấp Thạnh Đức, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Lên 8 tuổi, gia đình Phùng Lục Xinh xảy ra một biến cố lớn: Ông Phùng Văn Hoa, cha của Phùng Lục Xinh bị biệt kích bắt và bắn chết khi trên đường đi công tác. Từ đó đã thôi thúc, hun đúc trong lòng cậu bé Xinh chí căm thù giặc sâu sắc và mong muốn khi lớn lên được cầm súng chiến đấu với địch để trả thù cho cha và những người dân trong vùng.

    Năm 17 tuổi, Phùng Lục Xinh tham gia Đội Du kích xã Long Đức, làm du kích mật, hoạt động trong lòng địch. Do bị địch nghi ngờ, theo dõi nên các đồng chí ở Xã Đội Long Đức tổ chức đưa Phùng Lục Xinh vào vùng căn cứ lõm. Từ đó Phùng Lục Xinh chính thức trở thành du kích, được trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu của mình.

    Thời gian làm du kích xã Long Đức, Phùng Lục Xinh tham gia nhiều trận đánh, trong đó có những trận đánh tiêu biểu như:

    - Trận đánh tiêu tiêu diệt tên Tỷ tại ấp Thạnh Đức vào tháng 10/1972.

    Là một thanh niên sinh ra và lớn lên tại ấp Thạnh Đức, Phùng Lục Xinh rất quen thuộc địa hình, thông thuộc đường đi lối về trong xã. Nhờ liên hệ trước với lực lượng du kích mật để làm nội ứng, Phùng Lục Xinh cùng 7 chiến sĩ du kích được trang bị vũ khí đơn sơ nhưng với một quyết tâm sắt đá là kiên quyết phải thắng trận. Đội du kích đã tiến công táo bạo làm tan rã phòng vệ dân sự tại chỗ, bắt sống 2 tên sĩ quan chuẩn uý và tên Tỷ ngay trên lầu nhà hắn, thu 4 carbin, 1 colt 12 ly....

    - Trận đánh Phân Chi khu Long Đức vào cuối tháng 4/1973.

    Xã Đội Long Đức được giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn Phú Lợi III vừa mới thành lập tiến công Phân Chi khu Long Đức. Sau khi áp sát phân chi khu, lực lượng cách mạng nổ súng tấn công. Trận địa diễn ra không theo kế hoạch ban đầu. Trong lúc hai bên đang giằng co quyết liệt, thì Phùng Lục Xinh xách khẩu AR15 xông xáo trong trận địa tìm và diệt gọn tên cảnh sát trưởng Sáu Lưỡi Mèo, thu được nhiều vũ khí, đạn dược.

    “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong mọi tình huống hiểm nguy, khốn khó, du kích Phùng Lục Xinh càng thể hiện rõ bản lĩnh vững vàng, dũng cảm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phùng Lục Xinh được đơn vị bầu là chiến sĩ thi đua của xã Long Đức đi dự đại hội mừng công của huyện Long Phú và được bổ nhiệm chức Xã Đội phó Xã Đội Long Đức.

    Ngày 19/7/1973, Phùng Lục Xinh vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó không bao lâu Phùng Lục Xinh được điều động lên Tiểu đoàn Phú Lợi III (thuộc Tỉnh Đội Sóc Trăng) giữ nhiệm vụ Đại đội phó Đại đội 1, đến tháng 10/1974 làm Chính trị viên Đại đội 3 và đến đầu tháng 4/1975 được đề bạt làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Phú Lợi III.

    Trong thời gian công tác ở Tiểu đoàn Phú Lợi III, đồng chí Phùng Lục Xinh cùng đơn vị của mình tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ, trong đó có những trận tiêu biểu như:

    - Trận đánh tiêu diệt đồn tứ giác Đại Ân 2 vào tháng 1/1974: Phùng Lục Xinh chỉ huy Đại đội 1 xuất phát từ căn cứ Cù Lao Dung ở xã An Thạnh Nhất, vượt sông, chia làm 3 mũi tiếp cận đồn tứ giác Đại Ân 2. Chưa đầy 20 phút chiến đấu ác liệt, Phùng Lục Xinh và các chiến sĩ Đại đội 1 đã san bằng đồn, diệt và làm bị thương 1 trung đội địch.

    - Chỉ trong 2 tháng (tháng 12/1974 và tháng 1/1975) Phùng Lục Xinh chỉ huy Đại đội 3 đánh tiêu diệt đồn Hoà Nhờ, xã Hoà Tú; đồn Kinh Ngang, xã Gia Hòa; đồn Hòa Quới A, xã Ngọc Tố.

    Những chiến công của Phùng Lục Xinh cùng đồng đội ngày càng vang xa, nhân dân thường truyền miệng với nhau: “Có Phùng Lục Xinh thì đánh đâu thắng đó”...

    Đầu tháng 4/1975, đồng chí Phùng Lục Xinh được đề bạt làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Phú Lợi III. Trong thời gian này, quân dân miền Nam khẩn trương chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa với khí thế “thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và toàn miền Nam” theo Nghị quyết 15 của Trung ương Cục miền Nam.

    Trong trận tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng thị xã Sóc Trăng, theo kế hoạch Tiểu đoàn Phú Lợi III được phân công đánh chiếm Sở Chỉ huy Liên đoàn 953 tại Sân bay Sóc Trăng, cắt đứt mọi sự chỉ huy của Liên đoàn 953 với Tiểu đoàn 486 và Tiểu đoàn 408, không để địch điều động các tiểu đoàn này để đối phó với lực lượng cách mạng. Đồng chí Phùng Lục Xinh được giao chỉ huy Đại đội 1 (mũi 1) tiến vào sân bay, diệt cho được Sở Chỉ huy Liên đoàn 953, sau đó trụ lại chờ 2 đơn vị bạn (mũi 2 và mũi 3) từ phía Bắc sân bay đánh xuống, từ phía Nam sân bay đánh lên, hợp điểm nhau làm chủ hoàn toàn trận địa.

    Lúc 4 giờ 15 phút ngày 30/4/1975, toàn bộ mặt trận tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng thị xã Sóc Trăng đều nổ súng tiến công địch. Đồng chí Phùng Lục Xinh dẫn 20 cán bộ, chiến sĩ bọc sườn yểm trợ, đồng thời lệnh cho các mũi của Đại đội 1 nhanh chóng vượt lên. Các ổ đề kháng của địch chống trả quyết liệt, làm cho lực lượng cách mạng bị thương và hy sinh khá nhiều. Phùng Lục Xinh xác định phải phá vỡ tình thế quá bất lợi cho cách mạng, anh bồng khẩu B40 xông lên bắn thẳng vào kho xăng, kho xăng nổ tung và bốc cháy mù mịt. Sau tiếng hô xung phong của Phùng Lục Xinh, cả đơn vị ào lên tiếng công vào hang ổ cuối cùng của địch. Mặc dù bị thương nặng nhưng đồng chí Phùng Lục Xinh vẫn tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu ngoan cường, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Khi cách Sở Chỉ huy Liên đoàn 953 khoảng 100 mét thì Phùng Lục Sinh nằm bất động, vì xương chân bị gãy, máu ra nhiều đọng thành vũng. Hai mũi còn lại của Tiểu đoàn Phú Lợi III từ phía Nam sân bay đánh lên, từ phía Bắc sân bay đánh xuống đã hợp điểm theo kế hoạch. Khoảng 14 giờ ngày 30/4/1975, toàn bộ quân địch ở Sân bay Sóc Trăng đã kéo cờ trắng ra hàng. Phùng Lục Xinh được đồng đội chuyển về Trạm Quân y tỉnh nhưng trên đường đi anh đã trút hơi thở cuối cùng. Trước lúc hy sinh, Phùng Lục Xinh thều thào bên đồng đội: “Mình chỉ mong vậy thôi, làm hạt phân bón cho cây lúa tốt tươi”.

    Phùng Lục Xinh đã nêu cao tấm gương hy sinh anh dũng, sống oanh liệt, chết vẻ vang. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người Tiểu đoàn phó Phùng Lục Xinh là tấm gương sáng cho tuổi trẻ noi theo.

    Phùng Lục Xinh hai lần được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được chọn đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua miền Tây Nam bộ, được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, 10 lần được tặng Bằng khen của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Phú Lợi III và Quân khu 9. Ngày 5/1/1976, Chủ tịch nước truy tặng liệt sĩ Phùng Lục Xinh nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 141
  • Hôm nay: 8311
  • Trong tuần: 89,356
  • Tất cả: 11,464,104