Lượt xem: 926

Vang vọng nghìn đời Ngày Quốc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Lịch sử như một dòng chảy liên tục. Trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Dân tộc có chung một vị Quốc Tổ. Tất cả người Việt Nam đều hướng về Ngày 10-3 âm lịch hằng năm là Ngày Quốc Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

 


Giỗ Tổ Hùng Vương. Nguồn baochinhphu.vn

 

    Hùng Vương là tên gọi chung của các đời Vua Hùng ở nước ta thuộc thời đại kim khí, cách đây đã mấy ngàn năm. Do nhu cầu trị thủy và chống giặc ngoại xâm, do việc trao đổi kinh tế và văn hóa ngày được đẩy mạnh, nên các bộ lạc do thủ lĩnh bộ lạc Văn Lang đứng đầu có xu hướng tập hợp, thống nhất, đoàn kết với nhau và dựng lên nước Văn Lang, mở ra thời đại các Vua Hùng.

    Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam, là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm.

    Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng đã thể hiện tình cảm sâu đậm, máu thịt đối với Tổ tiên, nòi giống, trở thành biểu tượng cao đẹp trong cộng đồng, của mỗi người Việt Nam. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dầu ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng - Đền Hùng. Đây là dịp khắc sâu thêm vào tâm khảm mỗi chúng ta sự nghiệp to lớn và truyền thống tốt đẹp, quý báu của Tổ tiên, của thời đại các Vua Hùng đã có công dựng nước. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, ông cha ta luôn luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; chấp nhận đương đầu và vượt qua mọi gian lao, thách thức để lao động, sáng tạo, xây dựng đất nước giàu mạnh, hạnh phúc, đồng thời luôn dũng cảm, đấu tranh ngoan cường chống lại mọi kẻ thù xâm lược, giữ gìn và bảo vệ giang sơn, nòi giống.

    Mọi người dân Việt dù đang sinh sống nơi đâu, miền xuôi hay miền ngược, nông thôn hay thành thị, trong nước hay nước ngoài đều nêu cao đạo lý “lá rụng về cội”, tưởng nhớ đến ngày Giỗ Tổ, nhớ về cội nguồn:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”

    Câu ca đã được lưu truyền bao đời nay chính là lời nhắc nhở để “Con Lạc Cháu Hồng” đất Việt luôn luôn nhớ rằng, chúng ta cùng một Tổ tiên, cùng chung một cội nguồn.

    Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) đã trở thành ngày hội lớn ở khắp mọi miền đất nước, ngày hội tinh thần trong lòng mỗi người dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu, theo bất cứ tôn giáo nào. Hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, mỗi người con đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng luôn tự nhủ và mong ước làm sao để xứng đáng với Tổ tiên, với công lao của các Vua Hùng. Ngày này, cả nước cùng hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội Đền Hùng. Tổ tiên người Việt luôn muốn nhắc nhở con cháu: Ai ai cũng nên làm tròn bổn phận, nhiệm vụ và chức năng của mình, giữ đúng kỷ cương vua ra vua, cha ra cha, con ra con thì gia đình sẽ yên ổn, xã hội được an cư lạc nghiệp phồn vinh, phát triển. Lời di huấn này không chỉ được nhắc nhở hằng năm thông qua ngày hội giỗ mà còn được khắc ghi trên trống đồng Đông Sơn, trống thiêng của dân tộc, gửi gắm trong biểu tượng mặt trời nằm rạng rỡ giữa trống đồng.

    Từ thời đại Hùng Vương, trải qua hàng ngàn năm, dân tộc ta vượt qua bao thăng trầm lịch sử với nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng đầy khí phách anh hùng; có những lúc bị nô dịch, lầm than tủi cực, nhưng cuối cùng đã giành được vinh quang chói lọi, với những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử.

    Ngày 2/9/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nên Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946 - sau khi Chính phủ mới được thành lập, là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần đến thăm Đền Hùng. Lần thứ nhất sau chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi với thiên sử vàng Điện Biên Phủ (7/5/1954), dù đang bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành tình cảm, thời gian và sự quan tâm đến việc giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc. Năm 1954, Đoàn quân Nam tiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đã về tuyên thệ tại Đền Hùng; ngày 19/9/1954, Bác đã gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội với lời căn dặn của Người:

“Các vua Hùng đã có công dựng nước,

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”

    Lần thứ hai đến thăm Đền Hùng vào ngày 19/8/1962, Người đã nhắc nhở các cơ quan lãnh đạo địa phương là phải trồng thêm nhiều hoa cây cảnh, tạo cho Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành một công viên lịch sử quốc gia để cho con cháu sau này đến tham quan.

    Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ủy quyền cho ông Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ để làm lễ trước miếu thờ các Vua Hùng thời bây giờ.

    Thực hiện lời dạy của Người, nửa thế kỷ đã trôi qua, cùng với sự thay đổi của đất nước, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng không ngừng phát triển và lớn mạnh. Ngay từ năm 1962, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng Đền Hùng là Khu di tích đặc biệt của Quốc gia. Năm 1967, Chính phủ đã quyết định khoanh vùng xây dựng khu rừng cấm Đền Hùng.

    Ngày nay, chúng ta đang sống trong giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta thật sự phấn khởi, tự hào và đang thực hiện trọn lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

    “Giữ nước” là bảo vệ toàn vẹn giang sơn, bờ cỏi, biển trời, nòi giống. Đồng thời, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thế giới trong quá trình hội nhập; là kiên trì chống lại yếu tố lai căng, xa lạ với truyền thống dân tộc; là giữ lấy và vun bồi kho tàng tri thức, tâm hồn, đạo lý, cốt cách của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

    Thời gian qua, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực thi đua, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu làm theo lời dạy của Người “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Chúng ta nguyện luôn hướng về cội nguồn với sự trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc, lòng tự hào và niềm hãnh diện về Tổ tiên, nòi giống của mình, từ đó ra sức kế thừa, đóng góp công sức, trí tuệ cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với truyền thống Lạc Hồng.

    Tình cảm hướng cội, nhớ nguồn của con cháu Lạc Hồng đất Việt trên khắp năm châu bốn biển ngày càng tha thiết, sâu đậm. Hằng năm, cứ đến ngày Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, đông đảo người Việt Nam và cả kiều bào nước ngoài lại một lòng hướng về cội nguồn, để cùng ghi nhớ và tự hào về lịch sử, văn hóa nghìn năm của dân tộc. Đây không chỉ là ý thức tâm linh sâu xa, mà còn là niềm thương nỗi nhớ da diết. Niềm tự hào này sẽ mãi luôn được gìn giữ và tiếp nối, giúp người Việt chung tay vượt qua khó khăn và cùng góp phần phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Ths. Nguyễn Thanh Hoàng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 156
  • Hôm nay: 11928
  • Trong tuần: 93,468
  • Tất cả: 11,538,024