Lượt xem: 684

Muôn vàn tình thương yêu Bác Hồ dành cho thiếu niên và nhi đồng

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dành trái tim mình cho thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và các cháu nhỏ trên toàn thế giới. Tình thương yêu bao la của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng được thể hiện sâu sắc, phong phú, sinh động từ lời nói đến việc làm, nhất là ở những câu chuyện đầy cảm động, những lá thư Bác gửi cho các cháu vào dịp Tết Trung Thu và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hằng năm.

    1. Câu chuyện Bài học về chữ “Tín”

    Hồi ở Pác Bó, Bác Hồ sống rất chan hòa với mọi người. Một hôm được tin Bác đi công tác xa, một trong những em bé thường ngày quấn quýt bên Bác chạy đến cầm tay Bác thưa:

    - Bác ơi, Bác đi công tác về nhớ mua cho cháu một chiếc vòng bạc nhé!

    Bác cúi xuống nhìn em bé âu yếm, xoa đầu em khẽ nói:

    - Cháu ở nhà nhớ ngoan ngoãn, khi nào Bác về Bác sẽ mua tặng cháu.

    Nói xong Bác vẫy chào mọi người ra đi. Hơn hai năm sau Bác quay trở về, mọi người mừng rỡ ra đón Bác. Ai cũng vui mừng xúm xít hỏi thăm sức khỏe Bác, không một ai còn nhớ đến chuyện năm xưa. Bỗng Bác mở túi lấy ra một chiếc vòng bạc mới tinh trao tận tay em bé - bây giờ đã là một cô bé. Cô bé và mọi người cảm động đến rơi nước mắt. Bác nói:

    - Cháu nó nhờ mua tức là nó thích lắm, mình là người lớn đã hứa thì phải làm được, đó là “chữ tín”. Chúng ta mỗi người đều phải giữ “chữ tín”, đó chính là nhân cách, là phẩm giá của một con người; cho nên cần phải giữ trọn niềm tin với mọi người thì mọi người sẽ tin tưởng và tôn trọng mình…

    2. Ân tình sâu nặng của Bác qua những lá thư, lời dạy

    Chúng ta ai cũng qua tuổi thiếu niên, hẳn không bao giờ quên tình cảm yêu thương, những lời ân tình của Bác Hồ. Trong muôn vàn tình thương yêu dành cho thiếu niên, nhi đồng, Người từng nói: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của Người qua những bức thư, lời dạy, bài viết gửi đến thiếu niên, nhi đồng cả nước nhân dịp Tết Thiếu nhi, Ngày khai trường, Tết Trung thu… mãi mãi khắc sâu, trở thành tài sản vô giá đối với các thế hệ măng non Việt Nam.


Bác Hồ dành nhiều tình cảm cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

 

    Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, chí tình. Bác luôn nhắc thiếu niên, nhi đồng phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khoẻ. Người luôn nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu qua những vần thơ:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”...

    Từ tình thương yêu và ân cần dạy bảo thiếu niên, nhi đồng Bác Hồ rất tin tưởng xác định trách nhiệm trọng đại của thiếu niên, nhi đồng đối với tương lai đất nước. Đặc biệt, trong thư gửi học sinh vào tháng 9 năm 1945, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

    Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên Tiền Phong (tháng 5 năm 1961), Bác gửi đến thiếu nhi cả nước 5 lời dạy thiêng liêng:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

Học tập tốt, lao động tốt

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt

Giữ gìn vệ sinh thật tốt

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

    Và đến tận ngày hôm nay, thiếu nhi cả nước vẫn khắc ghi 05 điều dạy của Bác là mục tiêu phấn đấu, là tiêu chuẩn đánh giá đội viên tiêu biểu của Đội Thiếu niên Tiền phong. Cũng ngay trong thư gửi Đội Thiếu niên Tiền phong, Bác Hồ đã ân cần nhắc nhở thiếu niên nhi đồng rằng: “Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

    Không chỉ yêu thương thiếu niên, nhi đồng, Bác Hồ còn khẳng định vai trò quan trọng của thiếu nhi đối với tương lai mai sau của đất nước và xác định trách nhiệm chăm sóc giáo dục các em không phải của riêng ngành nào, tổ chức nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Người luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc giáo dục thiếu niên nhi đồng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ phụ trách nhi đồng toàn quốc, ngày 25.8.1950, Bác Hồ viết: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học. Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc,thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra già cả…”.

    Với Người, “trẻ em như búp trên cành” cần được chăm sóc tận tình, chu đáo về mọi mặt. Tình yêu thương của Bác Hồ dành cho thiếu niên, nhi đồng là tình cảm yêu thương vô bờ bến, là một tình cảm sâu sắc, rộng lớn xuất phát từ niềm tin rằng các cháu sẽ trở thành lớp người tiếp tục sự nghiệp của cha ông, trong tầm nhìn chiến lược và khoa học của Người. Trong Di chúc thiêng liêng của mình, Bác Hồ cũng hai lần nhắc đến thiếu niên, nhi đồng. Đoạn mở đầu, Bác viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.

    Ở đoạn kết, Bác lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Tình thương yêu con trẻ luôn thường trực trong Bác. Xúc động biết bao khi đọc bài viết của Bác trước lúc từ biệt thế giới này để gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, Bác viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ... Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.

    Là một nhà giáo dục vĩ đại, Bác Hồ coi trọng việc giáo dục thế hệ trẻ không chỉ ở nội dung mà cả phương pháp dạy học và giáo dục “Dạy trẻ như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này cháu trở thành người tốt”. Giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một khoa học và Bác luôn nhắc nhở: “Cần chú trọng hơn nữa về mặt đức dục; Dạy cho các cháu đạo đức cách mạng, biết yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu khoa học, yêu lao động và người lao động, thật thà, dũng cảm, sẵn sàng tham gia lao động và bảo vệ Tổ quốc”.

    Ngày 15/5/1961, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong, Bác Hồ gửi thư chúc mừng các cháu, trong thư Bác âu yếm dạy các cháu thực hiện 5 điều:

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào;

Học tập tốt, lao động tốt;

Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt;

Giữ gìn vệ sinh;

Thật thà, dũng cảm”.

    Bác căn dặn: Mai sau, các cháu sẽ là chủ của nước nhà, cho nên ngay từ lúc này các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Năm 1964, sau khi Bác nghe báo cáo về tình hình thiếu nhi, Bác thêm hai chữ ở điều bốn “thật tốt” thành “Giữ gìn vệ sinh thật tốt” và “khiêm tốn” vào điều 5, thành: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” để các cháu không kiêu căng, tự mãn... Như vậy 5 điều của Bác đều có 6 chữ, đủ nghĩa và để các cháu dễ nhớ.

    Đặc biệt, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6/1953), Bác Hồ đã gửi thư cho nhi đồng trong nước và nhi đồng nước ngoài. Lần này, Bác thể hiện tình thân ái, ân cần, trìu mến và thân thương nhất không chỉ đối với nhi đồng trong nước mà cả “nhi đồng các nước bạn và nhi đồng thế giới”. Tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc trẻ em nước ta và trẻ em trên thế giới là tình yêu bao la xuất phát từ trái tim nhân hậu, một nhân cách lớn của Bác mà trước nay chưa có vị lãnh tụ của quốc gia nào sánh được và những năm 50, 60 của thế kỷ trước, đã có biết bao thiếu nhi Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Tiệp Khắc, Ba Lan… đã được Bác Hồ dành cho những tình cảm chân thành từ những món quà, lời thăm hỏi, động viên, và những cái ôm hôn thắm thiết.

    Ngày 7/2/1958, hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Độ đồng diễn chào mừng Bác Hồ tới thăm. Các em phấn khởi hô vang “Cha, cha Hồ” (Bác Hồ). Đây là điều rất đặc biệt. Bởi vì, chỉ có hai người được thiếu nhi Ấn Độ gọi là Bác, đó là “Bác Nê-ru” và “Bác Hồ”. Đó là khi đến thăm trại thiếu thi Tiệp Khắc gần Pra-ha, Bác Hồ đã có một cuộc đối thoại hết sức sinh động, vui vẻ cùng các cháu và các em hô vang: “Ano.. Ano!. Strycek Hồ! (yêu Bác Hồ)” và câu chuyện “muốn Bác Hồ gầy hay mập?” tại Tiệp Khắc; Câu chuyện “Quả táo Bác Hồ cho em bé Việt kiều (Pháp)... vẫn làm cho mọi thế hệ xúc động, yêu kính Bác hơn - “Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới”; người suốt cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình “đã quên mình cho hết thảy, sữa để em thơ, lụa tặng già”. Chính tình thương yêu bao la đó đã nâng tầm sự “vĩ đại” của Bác, làm cho mỗi cháu nhỏ, mỗi chúng ta ngày càng kính yêu, tin tưởng và trân trọng Bác nhiều hơn.

    Nay Bác đã đi xa, nhưng lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên, nhi đồng mọi thời đại. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã, đang và sẽ tiếp tục được toàn Đảng, toàn dân ta học tập, làm theo với phương châm “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”! Nhớ ơn Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi để xứng đáng với danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ” như sinh thời Người hằng mong.

    Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng tình thương yêu giữa Bác Hồ đối với thiếu nhi và giữa thiếu nhi đối với Bác Hồ vẫn còn mãi. Đó là tình cảm sâu sắc, thân thiết và cao đẹp vô cùng. Để đền đáp công ơn trời biển và tình thương yêu lớn lao, cao quý của Bác, toàn thể thiếu niên, nhi đồng Việt Nam luôn cố gắng, nỗ lực thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, luôn chăm học, chăm làm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, tích cực công tác Đội, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

    Nhớ Bác, cứ mỗi năm vào dịp tháng 6, cả nước lại hân hoan chào đón ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tháng hành động vì trẻ em và không quên những câu chuyện và những điều Bác dạy về thiếu niên, nhi đồng cùng việc chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ toát lên tư tưởng và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Dù thời gian, năm tháng qua đi nhưng những lời dạy và những câu chuyện về Bác với thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và thế giới vẫn vẹn nguyên giá trị… Và có lẽ trên hết vẫn là tình cảm của bao thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam vẫn cứ nối dài theo năm tháng với một tình yêu vô hạn dành cho Bác Hồ kính yêu. Tình cảm đó đã ngấm sâu vào máu thịt và mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm bao thế hệ đã qua, hôm nay và ngày mai luôn vang vọng “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam”…./.

Anh Võ



Phim tư liệu
  • Trailer Cuộc thi Lịch sử Đảng bộ
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 83
  • Hôm nay: 4640
  • Trong tuần: 76,244
  • Tất cả: 16,381,042