Lượt xem: 418

Người cán bộ tận tâm với công tác khuyến công

Với sự năng động, sáng tạo và tận tâm trong công việc, đồng chí Đào Hoàng Hát - Trưởng phòng Khuyến công của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ, nhất là việc hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thực hiện các đề án khuyến công để tăng lợi nhuận và tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.


Đồng chí Đào Hoàng Hát - Trưởng phòng Khuyến công, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp.

 

    Là một người gương mẫu trong công việc, luôn nắm nhu cầu thực tế của cơ sở sản xuất để hỗ trợ xây dựng đề án khuyến công, thời gian qua, anh Đào Hoàng Hát được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quý mến bởi sự tận tâm trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp tiếp cận với các chính sách pháp luật về khuyến khích phát triển công nghiệp. Nhờ đó mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thêm điều kiện đổi mới máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

    Chỉ tính trong giai đoạn 2014-2020, anh Đào Hoàng Hát đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện 101 đề án khuyến công, với số tiền hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công hơn 10,8 tỉ đồng. Trong đó, Chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 10 đề án với số tiền gần 3,4 tỉ đồng; chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 91 đề án với số tiền hỗ trợ hơn 7,4 tỉ đồng. Các đề án hỗ trợ chủ yếu tập trung vào các ngành nghề như: Công nghiệp cơ khí, gia công kim loại, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất dược liệu... Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 1.500 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho khoảng 200 lao động, với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng.

    Là một trong những đơn vị được hỗ trợ thực hiện đề án, bà Thái Thị Mỹ Nhung ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống sản xuất bánh pía, lạp xưởng lâu năm nhưng để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường thì tôi cần đầu tư thêm máy móc mới, trong khi nguồn lực của cơ sở chúng tôi còn hạn chế thì được chú Hát và các anh em khuyến công hướng dẫn tham gia Đề án Khuyến công quốc gia. Tôi mạnh dạn mua 2 máy đóng gói bánh pía với tổng số tiền hơn 770 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ tôi 300 triệu đồng, số còn lại tôi đối ứng thêm”. Theo bà Mỹ Nhung, từ khi đầu tư máy đóng gói mới thì đỡ tốn công lao động hơn vì trước đó việc đóng gói bánh pía phải làm bằng thủ công, bao bì đẹp mắt hơn, không còn dễ bị lỗi như trước.

    Các đề án khuyến công không chỉ giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất sản xuất từ 15% đến 40% mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất công nghiệp. Nhớ lại cách đây khoảng 4 năm khi tham gia hướng dẫn 1 doanh nghiệp thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung” ở thị xã Ngã Năm, đồng chí Đào Hoàng Hát cho biết: “Mô hình này do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp của tỉnh hỗ trợ cho Công ty TNHH Sản xuất và xây lắp Hòa Bình thực hiện với kinh phí thực hiện hơn 4,2 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ gần 300 triệu đồng để mua sắm máy móc thiết bị. Đến nay, công ty trên đã đưa vào sản xuất gạch không nung và tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh”. Cũng từ mô hình này đã đánh dấu bước phát triển mới trong việc sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh để góp phần giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường, giảm tình trạng khai thác tài nguyên đất nông nghiệp trong sản xuất vật liệu gạch nung.

         Không chỉ nhiệt huyết với công tác xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, trong các nhiệm vụ khác, đồng chí Đào Hoàng Hát luôn thực hiện trách nhiệm hết mình và luôn mưu cầu sự thành công. Trong khoảng 6 năm qua, anh đã phối hợp vận động, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua đó, đã có 43 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 8 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 5 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Kết quả này đã giúp các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận có thêm nhiều cơ hội tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất; đồng thời là cơ hội quảng bá sản phẩm địa phương đến với người tiêu dùng.

    Với sự nhiệt huyết với nghề, bằng năng lực của bản thân, đồng chí Đào Hoàng Hát luôn được lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đánh giá cao, được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tin tưởng, đồng nghiệp tín nhiệm. Gần đây, đồng chí Đào Hoàng Hát đã được Bộ Công thương tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020. Chia sẻ về niềm vui này, đồng chí Đào Hoàng Hát cho biết: “Đây là vinh dự và là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục nắm vững chủ trương, chính sách về khuyến công để tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện, góp phần thúc đẩy công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển”.

Thiện Hải



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 12899
  • Trong tuần: 94,439
  • Tất cả: 11,538,995