Lượt xem: 741

Nông dân Long Phú xây dựng nhiều mô hình học tập và làm theo Bác

Thời gian qua, việc học tập và làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa XII đã được Hội Nông dân huyện Long Phú triển khai và quán triệt sâu rộng trong toàn thể các cấp Hội, nhất là người đứng đầu. Kết quả, đã có nhiều cách làm mới, hiệu quả, sát thực tế, góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của hội viên.

 


Bưởi da xanh của hợp tác xã Trường Phát, xã Phú Hữu đạt chuẩn OCOP (04 sao). Ảnh Sóc Ca

 

    Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Hội Nông dân huyện Long Phú triển khai thông qua việc phát động các phong trào thi đua bằng những việc làm thiết thực, cụ thể gắn với quyền và lợi ích của nông dân. Qua đó, đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Các cấp Hội đã xác định nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, là trách nhiệm của tổ chức hội; qua đó, đã đưa vào nội dung đăng ký hằng năm; kết quả thực hiện việc làm theo của tập thể, cá nhân là một tiêu chí xếp loại thi đua - khen thưởng cuối năm. Đối với Hội Nông dân các xã, thị trấn, nội dung học tập và làm theo Bác được đưa vào sinh hoạt tại các chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nông dân với nhiều hình thức như: Kể chuyện về Bác, giới thiệu những gương điển hình của nông dân học tập và làm theo Bác để biểu dương, nhân rộng tạo sự lan tỏa. Trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân huyện Long Phú phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông đầu tư nhiều mô hình, tổ chức nhiều buổi tọa đàm, hội thảo, tập huấn giới thiệu các giải pháp kỹ thuật mới, các mô hình sản xuất, kinh doanh thật sự có hiệu quả để từng chi hội, tổ hội và hội viên nắm bắt. Đồng thời, Hội cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng cây bưởi da xanh theo hướng an toàn hiệu quả. Tập trung đầu tư theo dõi tổ liên kết sản xuất phục vụ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó, hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP và sản phẩm OCOP của xã Châu Khánh và xã Phú Hữu.

    Đồng chí Nguyễn Hồng Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Phú cho biết: “Hiện nay, các cấp Hội Nông dân trong huyện thông qua các dự án, chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của huyện, tỉnh, nông dân tự tìm kiếm học hỏi kinh nghiệm, đồng thời đã chuyển đổi được trên 306 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái như: Bưởi da xanh, cam, quýt, nhãn, thanh long, mít, dừa, bắp, rau màu và cây ăn trái các loại khác có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây bưởi được nông dân chọn làm cây chủ lực để tập trung chuyển đổi. Hiện toàn huyện có 122 ha cây bưởi da xanh, bưởi năm roi tập trung nhiều nhất ở các xã: Song Phụng, Phú Hữu, Trường Khánh, Hậu Thạnh, thị trấn Đại Ngãi và thị trấn Long Phú… Thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm đối với cam, quýt, mít, nhãn…; từ 450 - 550 triệu đồng/ha/năm đối với bưởi da xanh, năm roi”.

    Ngoài mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái chất lượng cao, ở xã Châu Khánh, nông dân còn mạnh dạn chuyển đổi đưa màu xuống chân ruộng, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP của Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Đạt, đã mang lại giá trị kinh tế cao từ nhiều năm nay cho các thành viên và được nhân rộng trên khắp địa bàn, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn, hán và xâm nhập mặn như hiện nay. Từ năm 2018 đến nay, sản lượng rau màu của Hợp tác xã Phát Đạt bán ra cho thị trường mang về thu nhập cho bà con nông dân cao hơn so với trồng lúa gấp hơn 10 lần. Đặc biệt, là trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng các thành viên của Hợp tác xã sản xuất rau, màu vẫn thu lợi nhuận cao hơn từ 4 - 5 lần so với trồng lúa; rau, màu của Hợp tác xã không bị ùn ứ, tuy giá có giảm so với lúc chưa có dịch bệnh. Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã mạnh dạn đăng ký 13 mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện chủ trương “5 không” của Huyện ủy về tập trung thực hiện các nội dung: “Không còn tình trạng vứt rác bừa bãi”, “Không còn nhà ở tạm bợ”, “Không để tăng thêm người nghiện ma túy”, “Không còn trộm cắp trên địa bàn”, “Không vi phạm trật tự, an toàn giao thông” và được công nhận nhiều mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện.

    Các hội cơ sở cũng đã chủ động và phối hợp vận động hội viên nông dân thực hiện nhiều công trình xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị như: Trồng cây phân tán, phát hoang, đắp lề và nâng cấp lộ nông thôn với chiều dài trên 9.220m, khai thông cống rãnh thoát nước, xây dựng hố rác, nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa kiểng và treo đèn trước ngõ theo các tuyến lộ nông thôn; hiến gần 21.000m2 đất làm lộ nông thôn và xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội; đóng góp trên 02 tỷ 554 triệu đồng, lắp đặt 05 bể xử lý rác thải, bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đạt chuẩn theo quy định, với kinh phí trên 75 triệu đồng; hội viên nông dân còn xây dựng được 12 mô hình để bảo vệ môi trường...


Mô hình nông dân đưa màu xuống chân ruộng. Ảnh Sóc Ca

 

    Đồng chí Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm: “Với cách làm mới, tâm huyết, sáng tạo, hiệu quả gắn với việc học và làm theo Bác đã mang lại nhiều kết quả thiết thực. Trong quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều gương tập thể, cá nhân tiêu biểu như mô hình trồng bưởi da xanh của nông dân Võ Ngọc Phong ở ấp Nhì, xã Châu Khánh; mô hình trồng xoài xen chanh bông tím của nông dân Nguyễn Thái Hiện ở ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu; mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP của Hợp tác xã Thành Công; mô hình trồng ớt trong nhà lưới của nông dân Nguyễn Tấn Khanh ở thị trấn Đại Ngãi; mô hình làm vườn, rẫy kết hợp chăn nuôi của hộ nông dân Dương Thị Phượng xã Long Đức; mô hình lúa - cá, lúa - sen, trồng bồn bồn của hộ nông dân xã Long Phú, xã Tân Thạnh, xã Tân Hưng; mô hình chuyển đổi giống từ nhãn tiêu da bò sang bưởi da xanh và lai tạo, nhân giống chanh ngọt của hộ nông dân Nguyễn Hữu Công xã Song Phụng; mô hình nuôi dê hộ Ông Văn Chiến, thị trấn Long Phú và còn nhiều mô hình khác nữa mang lại hiệu quả kinh tế cao, được bà con nông dân trong và ngoài huyện học hỏi kinh nghiệm. Mỗi mô hình cho lợi nhuận từ 150 triệu đến hơn 01 tỷ đồng/năm”

    Những kết quả đạt được là cơ sở, là tiền đề cho những năm tiếp theo để các cấp Hội tiếp tục phát động phong trào thi đua sâu rộng trong hội viên, nông dân, góp phần thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 – 2025, với mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân.

Sóc Ca



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 102
  • Hôm nay: 7138
  • Trong tuần: 93,585
  • Tất cả: 11,080,801