Lượt xem: 638

Nông dân Thạch Hai - Học Bác tinh thần hăng say lao động, vượt qua khó nghèo

Học và làm theo Bác với đa số cán bộ, đảng viên là sự nhiệt tình, tâm huyết, luôn tìm tòi, sáng tạo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Riêng với những người nông dân chân lấm tay bùn thì việc học Bác đôi khi là sự cần cù, chịu khó, tinh thần hăng say lao động, sáng tạo trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho địa phương. Nông dân Thạch Hai ở xã Phú Tâm, huyện Châu Thành là một trong những tấm gương như thế.

 


Ông Thạch Hai, ấp Phú Hòa A, xã Phú Tâm miệt mài lao động, chăm sóc cây màu

 

    Ghé qua nhà ông Thạch Hai vào một buổi trưa nắng đang bắt đầu gay gắt. Hình ảnh một lão nông với dáng người cao, nước da ngăm đen của người nông dân vốn quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” đã gây ấn tượng với chúng tôi. Từng là hộ nghèo của xã Phú Tâm, giờ đây, đã hơn 60 tuổi đời – cái tuổi nhiều người đã được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi xế chiều, thế nhưng, hằng ngày ông Thạch Hai, ấp Phú Hòa A, xã Phú Tâm vẫn miệt mài lao động, chăm sóc 4 công đất rẫy và 5 công ruộng của gia đình. Với ông, chỉ cần còn sức lao động là sẽ còn hăng say lao động sản xuất. Lao động để tăng thu nhập, để thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần chung vào sự phát triển của địa phương.

Vừa ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi, ông Thạch Hai vừa chia sẻ: “Lúc trước khó khăn lắm. Ruộng thì ít, đi làm thuê thêm, rồi lên ruộng trồng rẫy. Tuy trồng rẫy màu cực nhưng nhờ trúng mấy năm, có vốn nên mua thêm được vài công đất. Tôi lao động quen rồi, làm màu cực nhưng trúng mùa là thấy vui, thấy ham nên cứ làm liên tục suốt mấy năm. May mắn là trúng liên tiếp nên cuộc sống không còn khó khăn như trước….”

Khi lập nghiệp chỉ với 5 công đất ruộng của gia đình, cuộc sống khó khăn, phải làm thêm đủ ngành nghề, có thời điểm “ai thuê gì làm nấy”, cứ có chút vốn liếng, ông Thạch Hai lại tích lũy và vay thêm ngân hàng để mua thêm ruộng đất. Đến nay, ngoài 5 công ruộng, ông đã có thêm 4 công đất rồng rẫy cạnh nhà. Bờ bao và đất cặp kênh cũng được ông trồng thêm khoảng 70 gốc dừa xiêm. Nay, dừa đã cho trái, được thương lái định kỳ thu hoạch hằng tháng với số tiền mỗi đợt từ 2- 3 triệu đồng. Riêng diện tích rẫy, mỗi năm đều cho ông từ 3-4 vụ mùa, với đủ loại rau màu được trồng luân phiên, như dưa hấu, đậu bắp, bí rợ… Mỗi vụ tùy tình hình giá cả mà mức lợi nhuận cũng dao động từ 15-20 triệu đồng/vụ. Tổng thu nhập một năm của gia đình ông từ 80 – 90 triệu đồng. Nay, ông đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định, nhà cửa cũng được xây dựng khang trang hơn. Ông Thạch Hai chia sẻ thêm với chúng tôi: “Trồng màu nếu trúng mùa, trúng giá cho giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần ruộng. Nhưng trồng màu thì phải thật sự cần cù, chịu khó, nắng mưa mình cũng phải chăm bón vất vả. Nhưng chỉ cần chịu học hỏi, quyết tâm, siêng năng, thì màu vẫn cho lợi nhuận cao. Giờ tôi vẫn canh tác 5 công ruộng nhưng tập trung cho màu là chính. Còn dừa xiêm thì mấy năm nay nhẹ công, người ta lại hái trái định kỳ. Thu nhập cũng luân phiên quanh năm.”

Tinh thần cần cù, chịu khó và ý chí nỗ lực vươn lên, luôn mạnh dạn trong tìm tòi, ứng dụng các mô hình kinh tế hiệu quả đã giúp người nông dân Khmer Thạch Hai từ hộ nghèo nay không chỉ thoát nghèo mà còn là điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền. Năm 2021 vừa qua, từ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân với số tiền 20 triệu đồng, ông đã đầu tư chỉnh trang lại bờ bao đất rẫy để nâng cao hiệu quả trồng màu và đang từng ngày hăng say lao động để có thể tiếp tục tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho gia đình. Đi cùng với chúng tôi, đồng chí Lâm Văn Lũ - Chủ tịch Hội nông dân xã Phú Tâm, huyện Châu Thành chia sẻ thêm về ông Thạch Hai: “Từ trước tới giờ, chưa có mô hình trồng màu nào mà ông Thạch Hai chưa làm qua. Điểm khác biệt của ông Hai là dám mạnh dạn, rất nhạy bén trong chuyển dịch cây trồng. Vụ này đến thấy ông trồng dưa hấu nhưng lần sau là sẽ trồng cây khác… Ông Hai rất chịu khó, mưa nắng gì cũng ở ngoài rẫy màu. Nên chưa thấy ông trồng màu thất bao giờ. Trồng gì là trúng đó. Rất là cần cù, chịu thương chịu khó. Ông là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền của huyện…”

Học và làm theo Bác bằng tinh thần hăng say lao động, luôn tìm tòi, vượt khó vươn lên đã giúp nhiều hội viên nông dân thoát nghèo và là những điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng mà ông Thạch Hai là một trong tấm gương như thế tại quê hương Châu Thành.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 114
  • Hôm nay: 9419
  • Trong tuần: 100,530
  • Tất cả: 11,216,149