Lượt xem: 14123

Kỷ niệm 57 năm ngày Truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam (5/8/1964-5/8/2021): Bác Hồ đối với bộ đội Hải quân Việt Nam

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, có những sự kiện lịch sử sẽ còn sống mãi với thời gian. Chiến thắng trận đầu của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ mở đầu cho cuộc chiến tranh, phá hoại miền Bắc cách đây 57 năm - ngày 5/8/1964 là một mốc son lịch sử như vậy.

    Ngày 5/8/1964, với việc dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân, dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng. Đây là ngày có ý nghĩa lịch sử ghi dấu trận đầu miền Bắc đánh thắng không quân Mỹ và là ngày Truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam.


Bác Hồ thăm bộ đội Hải quân. Nguồn nhandan.vn

 

    Với một chuỗi sự kiện, giữa năm 1964, Mỹ và nguỵ quyền Sài Gòn có những hoạt động khiêu khích, phá hoại và chuẩn bị cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống phá miền Bắc ngày càng trắng trợn. Nắm được mưu đồ của Mỹ chuẩn bị leo thang gây chiến tranh ở miền Bắc, ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt. Tại đây, Người kêu gọi toàn dân, toàn quân nêu cao chí khí chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi hành động khiêu khích và phá hoại của đế quốc Mỹ; sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân và sự nghiệp cách mạng nước nhà. Ngay sau lời động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương, từ công trường, nhà máy đến nông thôn, đô thị đã dấy lên quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.  Bộ Chính trị nhận định: Do thất bại liên tiếp ở miền Nam và ở Lào, đế quốc Mỹ và bè lỹ tay sai đang lúng túng và nhất định chúng sẽ điên cuồng đối phó lại. Chúng đang chuẩn bị và trước sau sẽ tập kích bằng đường biển và đường không vào miền Bắc nước ta. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cần nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đạp tan âm mưu của địch, kịp thời giáng cho chúng những đòn đích đáng nếu chúng dám liều lĩnh khiêu khích và phá hoại miền Bắc.

    Đến giữa năm 1964, các mặt công tác chuẩn bị chiến đấu của Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân đã có những chuyển biến quan trọng. Mạng ra-đa thực hiện được việc quản lý vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Các trận địa pháo cao xạ đã sẵn sàng nổ súng. Công tác phòng không nhân dân được triển khai rộng khắp. Hàng trăm trận địa bắn máy bay bằng súng bộ binh của dân quân tự vệ sẵn sàng giăng lưới lửa phối hợp với bộ đội pháo cao xạ bắn máy bay Mỹ. Quân và dân ta trên miền Bắc đã bước đầu được chuẩn bị cả về tinh thần, lực lượng và thế trận, sẵn sàng và trên thế chủ động bước vào cuộc chiến đấu với không quân và hải quân địch.

    Để tạo ra một tác động tâm lý mạnh mẽ cho Quốc hội và công chúng Mỹ, đồng thời, gây ra “một cuộc khủng hoảng quốc tế”, “một sự thách thức đối với danh dự của nước Mỹ”, đêm 4/8/1964, tàu Mađốc và Tơnơgioi của Mỹ chủ động nổ súng và phát tín hiệu bị tấn công, dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” với sự ngụy tạo: Khu trục hạm của chúng tiếp tục bị hải quân Bắc Việt “vô cớ” tiến công lần thứ hai khi đang hoạt động bình thường trên vùng biển quốc tế. Vin vào màn kịch này, ngày 5/8/1964, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã bất chấp dư luận và lẽ phải, bất ngờ huy động 64 lần chiếc máy bay ồ ạt đánh phá Bắc Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ, sử dụng nhiều biện pháp trinh sát và nghi binh, kết hợp giữa kỹ thuật hiện đại với các thủ đoạn chiến thuật như tạo thế bất ngờ, công kích từ nhiều hướng... nhưng 8 trong số 64 lần chiếc máy bay cất cánh, tức 12% số máy bay được huy động vào một trận đánh đã bị bắn rơi. Một số chiếc khác bị trúng đạn. Một giặc lái bị bắt sống. Đây là một tỷ lệ cao về số máy bay bị rơi so với số máy bay tham chiến trong tác chiến của không quân. Các mục tiêu mà Mỹ đặt ra cho cuộc tiến công đều không đạt được. Lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ nếm mùi thất bại.

    Đây là một chiến thắng có ý nghĩa quan trọng về quân sự và chính trị của quân và dân ta, một chiến thắng có tiếng vang lớn trên thế giới; cổ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, củng cố niềm tin đánh thắng đế quốc Mỹ của quân và dân cả nước. Đây là chiến thắng mở đầu, khẳng định những thành tựu xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng, thành tựu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại trong 10 năm (1954 - 1964) và những thành công bước đầu trong công cuộc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên miền Bắc. Nó chỉ rõ khả năng quân và dân ta hoàn toàn có thể bị đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến đấu ở miền Nam.

    Đối với quân đội ta, đặc biệt là với Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân chiến thắng ngày 5/8 có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng. Trong trận đầu đánh trả cuộc tập kích bất ngờ của không quân địch, các lực lượng vũ trang trên miền Bắc, nòng cốt là bộ đội Phòng không và bộ đội Hải quân chỉ với vũ khí phòng không thông thường, có loại đã cũ (pháo 88 và 90 mi-li-mét) và sử dụng cả súng máy, súng trường đã bắn rơi nhiều máy bay phản lực hiện đại, bắt sống giặc lái. Đây là tiền đề rất quan trọng giúp cho Đảng ủy, bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân và phòng không không quân và các cấp bồi dưỡng nâng cao ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, kịp thời điều chỉnh lại thế trận, rút ra nhiều bài học bổ ích và tổ chức chỉ huy và cách đánh để bổ sung cho chương trình và nội dung huấn luyện bộ đội, chuẩn bị cho những trận đánh, những đợt chiến đấu dài ngày sau này. Cùng với đó, nét độc đáo của nghệ thuật đánh thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc còn thể hiện ở sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng phòng không ba thứ quân với Hải quân nhân dân, Công an nhân dân vũ trang và các lực lượng khác; phối hợp giữa lực lượng tác chiến tại chỗ và lực lượng cơ động đánh địch.

    Đã 57 năm trôi qua, nhưng bài học về đánh thắng trận đầu của quân và dân ta vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng và trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực. Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam làm nòng cốt cách đây 57 năm về trước nhắc nhở chúng ta luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi thế lực thù địch, giữ vững vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước. Bởi vậy, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ ra tầm quan trọng của biển, đảo mà còn cho chúng ta thấy tầm nhìn và tư duy chiến lược của Người về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

    Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã chọn phương tiện đường thủy. Bởi đường biển là nhanh nhất và duy nhất lúc đó có thể giúp Người thực hiện ước mơ của mình. Người đã đi năm châu, bốn biển để tiếp thu văn minh thế giới mỗi khi tàu cập bến và đã tìm được con đường cứu nước cho dân tộc. Rồi sau này, ngăn chặn những hành động quá khích của quân Tưởng ở miền Bắc, hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 rồi Tạm ước 14/9/1946, sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 lần gặp Cao ủy Pháp D’argenlieu tại vịnh Cam Ranh có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, góp phần bảo vệ chủ quyền nền độc lập còn non trẻ của ta, trì hoãn và kéo dài thời gian chuẩn bị lực lượng cho cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

    Chính vì thế, trong quá trình xây dựng, phát triển, chiến đấu và trưởng thành, bộ đội Hải quân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của Bác Hồ kính yêu. Ba lần được vinh dự đón Bác về thăm (1) Ngày 31/3/1959, lần đầu tiên Bác Hồ về thăm bộ đội hải quân. Người đi thăm Trường Huấn luyện bờ bể (tiền thân của Học viện Hải quân ngày nay) và Xưởng 46. Tàu 524 của Đại đội 3 được vinh dự đưa Bác đi thăm và kiểm tra một số đơn vị trên vùng biển Hạ Long. (2) Ngày 16/3/1961, Bác Hồ về thăm bộ đội hải quân lần thứ hai, Người đã nhấn mạnh: “Biển đảo nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”. (3) Ngày 13/11/1962 tại Đoàn 135 tàu Phóng lôi - Căn cứ Vạn Hoa, tỉnh Quảng Ninh, Bác căn dặn: “Nâng cao cảnh giác, yên tâm xây dựng đơn vị, đoàn kết, kỷ luật tốt là cốt lõi việc nâng cao sức mạnh chiến đấu…”; Đặc biệt, ngày 11/8/1965, nhân dịp Hải quân Việt Nam vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ hải quân, khen ngợi thành tích, đồng thời vạch rõ sự cần thiết xây dựng lực lượng hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam…Người đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ hải quân những tình cảm yêu mến, những lời căn dặn sâu sắc, chan chứa ân tình, mẩu chuyện Bác Hồ với bộ đội Hải quân Việt Nam vẫn mang tính thời sự và vẹn nguyên giá trị, mẩu chuyện như sau:

    “Ngày 15/3/1961, một ngày mãi mãi đi vào lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam. Núi rừng, trời biển vịnh Hạ Long tươi đẹp và tâm khảm các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn âm vang mãi giọng nói ấm áp của Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Bác Hồ về thăm Hải quân lần thứ hai.

    Chuyến đi này của Bác có một ý nghĩa đặc biệt với Cục Hải quân lúc này mới tròn hai tuổi, đang bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển, đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an ninh trên biển.

    Ðúng giờ, đoàn xe Bác đến. Tiếng reo mừng vang dậy:

    - Bác Hồ! Bác Hồ đến thăm đơn vị!

    - Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!

    Bác Hồ bước ra, ung dung, tươi cười vẫy chào bộ đội. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe từng người như người cha đi xa lâu ngày trở về.

    Sau khi nghe đồng chí Ðại tá Nguyễn Bá Phát, Phó Cục trưởng Cục Hải quân báo cáo một số thành tích, sự tiến bộ của bộ đội Hải quân trong mấy năm qua, những khó khăn, khuyết điểm còn tồn tại và lời hứa quyết tâm của bộ đội Hải quân giữ vững an ninh, trật tự trên biển. Bác chăm chú nghe, khen ngợi:

    - Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện giờ tàu bè, vũ khí ta chưa nhiều, ta phải từng bước, từng bước xây dựng. Trước hết phải giữ gìn tốt các thứ sẵn có để có thể đánh địch khi cần thiết.

    Nghe lời dạy của Bác, mọi người đều hiểu, Bác nhấn mạnh hai chữ “từng bước, từng bước” với mong muốn phải xây dựng một lực lượng Hải quân từng bước lớn mạnh và vững chắc.

    - Bờ biển của ta có vị trí rất quan trọng, vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề, nhưng cũng rất vẻ vang. Vừa qua các chú đã khắc phục khó khăn, đạt được một số thành tích bước đầu. Bác khen, nhưng chớ chủ quan, thỏa mãn, phải cố gắng tiến bộ nhiều hơn nữa!

    Làm việc với cơ quan Cục xong, Bác đi thăm biển. Từ sông Cấm, chiếc tàu đưa Bác ra vùng biển Ðông Bắc, khi đi trên sông Bạch Ðằng, dòng sông lịch sử rực rỡ chiến công của ông cha, Bác xúc động nói:

    - Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, chứ không phải hải quân của thế giới.

    Tàu cập bến, đưa Bác đi thăm hang Ðầu Gỗ, nơi xưa kia Trần Hưng Ðạo dựng công trường làm cọc cắm trên sông Bạch Ðằng đánh tan giặc Nguyên Mông. Nhìn cảnh trời nước trong xanh, xa xa, phố phường Bãi Cháy đỏ tươi ngói mới trong nắng ban mai. Từng hồi còi tàu rúc vang, ra vào bến cảng, cuộc sống của miền bắc xã hội chủ nghĩa thật đầm ấm, hạnh phúc. Bác xúc động:

    - Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó!”(1).

    Lời Bác dạy, mãi mãi khắc ghi trong lòng mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, luôn tiếp thêm sức mạnh trên con đường xây dựng lực lượng, chiến đấu, trưởng thành giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong kháng chiến chống Mỹ, các lực lượng của Quân chủng Hải quân Việt Nam đã hiệp đồng chiến đấu trên 700 trận, bắn rơi 118 máy bay, bắn chìm và bị thương hàng chục tàu thuyền của địch, góp phần bảo vệ các khu công nghiệp, các đầu mối giao thông quan trọng, các thành phố của hậu phương lớn miền Bắc. Thực hiện “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”, những con tàu “Không số” của Hải quân nhân dân Việt Nam đã xuyên qua bão dông, vượt qua bao cuộc vây ráp của kẻ thù, chuyên chở hàng vạn tấn vũ khí trang bị và hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam tạo nên huyền thoại “đường mòn Hồ Chí Minh” trên Biển Đông. Truyền thống anh hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam còn gắn với những trận đánh độc đáo, táo bạo, mưu trí và dũng cảm phi thường của lực lượng đặc công Hải quân ở Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị), cũng như trên khắp chiến trường sông biển miền Nam. Những chiến sĩ đặc công nước đã vùi mình trong cát bỏng, bơi lặn hàng chục ki lô mét như những con cá kình, vượt qua mọi sự canh phòng cẩn mật của địch, bất chấp hiểm nguy để mang những trái mìn nặng hàng trăm ki lô gam, tổ chức đánh trên 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng nặng 336 tàu thuyền (trong đó có những con tàu trọng tải năm ngàn tấn) của Mỹ - Ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, làm suy yếu một phần lực lượng của chúng. Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Quân khu 5 “Thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ” tiến công giải phóng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

    Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, thực sự là lực lượng nòng cốt của nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trên biển. Trước những thử thách của tình hình quốc tế và trong nước, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn vững vàng về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ biển, đảo, cùng toàn quân, toàn dân làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần tăng cường quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Tổ quốc.

    Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công oanh liệt, có những chiến công như huyền thoại. Quân chủng Hải quân đã hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều huân, huy chương cao quý khác. 60 năm trôi qua, lời dạy của Bác trên vùng biển Hạ Long thơ mộng năm xưa vẫn vẹn nguyên giá trị. Bởi đó là mệnh lệnh của Tổ quốc, là nhiệm vụ thiêng liêng của Ðảng. Bác là người đại diện, giao cho bộ đội Hải quân: phải là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Anh Võ

 

1. Theo Báo Nhân Dân - Điện tử, “Một lời dạy - một nhiệm vụ thiêng liêng”, ngày 16/10/2008.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 73
  • Hôm nay: 337
  • Trong tuần: 81,941
  • Tất cả: 11,467,393