Lượt xem: 3030

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021): Đường Hồ Chí Minh trên biển - “huyết mạch” cho chiến trường miền Nam quyết tâm thống nhất đất nước

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dân tộc ta phải tiến hành ngay cuộc kháng chiến mới chống đế quốc Mỹ. Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo. Trong những chiến công đó có chiến công trên tuyến vận tải biển chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển, là “huyết mạch” hết sức trọng yếu chi viện cho chiến trường miền Nam để quân và dân ta đánh thắng kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 


Logo chuyên mục kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguồn qdnd.vn

 

    Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thủy quân là một lực lượng hết sức quan trọng của quân đội. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt chú trọng xây dựng Hải quân. Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ đã hình thành tổ chức Hải quân Việt Nam, trong đó có lực lượng vận tải quân sự đường biển đã từng bước hoàn thành những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn, với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

    Từ khi tuyến chi viện chiến lược biển ra đời, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nghi ngờ miền Bắc sử dụng con đường tiếp tế vũ khí trên biển, ngoài con đường xuyên Trường Sơn. Chúng chỉ dự đoán, nghi ngờ, song vẫn tích cực tổ chức phương tiện, lực lượng đối phó.

    Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, chủ trương nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

    Tháng 3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng bàn về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, thông qua kế hoạch quân sự 1955-1960. Nghị quyết nêu rõ phương châm xây dựng quân đội là: Tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước lên chính quy hóa và hiện đại hóa. Đến ngày 30/5/1957, trong buổi nói chuyện với công nhân, thủy thủ tàu HC15 cảng Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa phải có công nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, cảng hiện đại.

    Trong thời kỳ đầu xây dựng Hải quân, Bác đã đến thăm lực lượng Hải quân vào ngày 30/5/1959. Người nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ, giáo viên, học viên Trường huấn luyện bờ biển và Xưởng 46 là phải hết sức coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy, chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đơn vị; giáo viên, học viên của trường thực hiện dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền.

    Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Trung-Nam-Bắc là bờ cõi của ta. Nước ta nhất định thống nhất. Đồng bào cả nước nhất định giải phóng”, tháng 01/1959 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tổ chức Hội Nghị lần thứ 15. Hội nghị khẳng định: “Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng nên chính quyền cách mạng của nhân dân”. Với yêu cầu cấp bách cần chi viện cho miền Nam trực tiếp chống Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cùng với việc tổ chức Đoàn 559 mở tuyến vận tải trên bộ, vượt qua dãy Trường Sơn. Sau khi nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định thành lập Đoàn Vận tải quân sự 759, mở tuyến đường chiến lược quan trọng - Đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường ở miền Nam. Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị, đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển.

    Ngày 15/3/1961, một ngày mãi mãi đi vào lịch sử của Hải quân nhân dân Việt Nam. Núi rừng, trời biển vịnh Hạ Long tươi đẹp và tâm khảm các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn âm vang mãi giọng nói ấm áp của Bác Hồ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Bác Hồ về thăm Hải quân lần thứ hai. Sau khi nghe đồng chí Ðại tá Nguyễn Bá Phát, Phó Cục trưởng Cục Hải quân báo cáo một số thành tích, sự tiến bộ của bộ đội Hải quân trong mấy năm qua, những khó khăn, khuyết điểm còn tồn tại và lời hứa quyết tâm của bộ đội Hải quân giữ vững an ninh, trật tự trên biển. Người chăm chú nghe, khen ngợi: Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện giờ tàu bè, vũ khí của ta chưa nhiều, ta phải từng bước, từng bước xây dựng, trước mắt là phải giữ gìn tốt các thứ sẵn có để có thể đánh được địch khi cần thiết. Người căn dặn: Bờ biển của ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Vừa qua các chú đã khắc phục khó khăn, đạt được một số thành tích bước đầu, Bác khen nhưng chớ chủ quan thỏa mãn, phải cố gắng tiến bộ nhiều hơn nữa”(1).

    Đồng thời, Người nhắc nhở: “Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải hải quân của thế giới”(2). Chúng ta phải biết tìm ra cách đánh giặc sao cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có.

    Vào giữa tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược trên biển” - đây là chiến trường có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là hành lang chiến lược nối liền hai miền Nam - Bắc, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn mới. Để đảm bảo bí mật, những chiếc tàu của Đoàn phải cải hoán thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân trên biển, tên gọi “Đoàn tàu không số” được ra đời. Đêm 11/10/1962 chiếc tàu gỗ gắn máy đầu tiên của Đoàn 759 đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng); ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam. Trong hai tháng, 4 chuyến tàu của Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn(3). Đây là một thắng lợi lớn, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của quân dân miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuyến “Đường Hồ Chí Minh trên biển” được khai thông, đánh dấu một sự kiện đặc biệt quan trọng. Chỉ trong 01 năm, Đoàn 759 đã thực hiện 29 chuyến hàng vào Nam Bộ, vận chuyển 1.430 tấn vũ khí cho chiến trường. Với thành tích chiến công to lớn trực tiếp góp phần quan trọng vào chiến thắng của quân và dân miền Nam, tháng 9/1963, Đoàn 759 đã được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Ngày 29/1/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện biểu dương khen ngợi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc(4), cho Nam Bắc sớm sum họp một nhà

    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội nhân dân vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, sản xuất, trong đó giao thông vận tải là một mặt trận. Bác nhấn mạnh, giao thông vận tải rất quan trọng, quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân... Giao thông vận tải thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi.

    Những lời dạy sâu sắc, ân cần của Người đã trở thành nhiệm vụ, phương châm xây dựng Hải quân nhân dân ngày càng lớn mạnh, trong đó có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam đánh giặc.


Tàu không số vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Nguồn tuyengiao.vn

 

    Để chi viện cho chiến trường miền Nam bằng “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, trong suốt 04 năm đầu hoạt động, các con “tàu không số” của ta đã tổ chức thành công 88 chuyến, đưa được hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam Bộ. Trên con đường Hồ Chí Minh trên biển, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759, Đoàn 125 Quân chủng Hải quân trên những con tàu không số đã lập nên những kỳ tích anh hùng.

    Những con tàu thô sơ, nhỏ bé, chở nặng vũ khí đã bí mật, bất ngờ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm vượt qua mọi sóng to, gió lớn, bão táp của biển cả, vượt qua sự ngăn chặn, bao vây, lùng sục của lực lượng hải quân, không quân hùng hậu, hiện đại của Mỹ, ngụy để đi đến các chiến trường. Mỗi chuyến đi là mỗi lần quyết tử, một cuộc đấu trí căng thẳng, mưu trí, quả cảm đánh lừa địch để đến đích an toàn. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, về đích; hàng ngàn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sỹ đã từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến lớn, đáp ứng kịp thời cho các chiến trường Nam bộ, Nam Trung bộ, Khu 5, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

    Dù chúng ta đương đầu với một kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế mạnh hơn ta gấp nhiều lần, song được Đảng ta đã đề ra đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo, biết phát huy sức mạnh của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng Mỹ. Thực tiễn đã minh chứng hùng hồn bằng việc xây dựng lực lượng, mở đường vận tải bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

    Nhiều tờ báo ở Mỹ viết: “Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”(5).

    Phó Đô đốc Hải quân Sài Gòn Nguyễn Hữu Chí viết: “…Trên thực tế, đối phương sử dụng biển khơi một cách thành thạo, mà việc di hành vào điểm đến càng tỏ ra đặc sắc hơn, làm kinh ngạc không ít chuyên viên đi biển... Trên phương diện quân sự, Bắc Việt đã biết khai thác biển khơi một cách thực tiễn hơn ta (Mỹ - ngụy)… giá trị của Hải quân Bắc Việt đã nói lên trước dư luận quốc tế” và “Nhà nước Bắc Việt nếu sử dụng tàu tiếp vận theo đường lối đó, xét rằng không những có phần tin tưởng ở cấp cán bộ chuyên nghiệp của họ, mà điều họ tin tưởng mạnh mẽ hơn, chính là tỷ lệ nguy hiểm chấp nhận được thấp hơn tỷ lệ thành công thâm nhập. Có thế họ mới duy trì kế hoạch đưa súng đạn vào bằng đường biển…”(6).

    Những hy sinh cao cả và chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta trên con đường Hồ Chí Minh trên biển trong những năm tháng chiến tranh ác liệt vẫn còn nguyên ý nghĩa và đang thôi thúc, nhắc nhở, động viên khích lệ chúng ta hiện nay. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần gìn giữ, phát huy truyền thống, truyền lại những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nhất là thế hệ trẻ phải luôn tu dưỡng, rèn luyện, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường huấn luyện quân sự, nghiệp vụ, tỏa sáng, sẵn sàng tham gia chiến đấu khi Tổ quốc cần, phấn đấu xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời, không dao động, không ngả nghiêng trước các luận điệu xuyên tạc trắng trợn của các thế lực thù địch về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân. Mỗi người “Con Lạc cháu Hồng” đất Việt phải quyết tâm cùng góp sức, góp tài nhằm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

    Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu trên biển Đông, của các “con tàu không số”, của quân và dân làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

    Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những sáng tạo độc đáo, đặc sắc, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh. Những bài học lịch sử về tuyến đường này, đặc biệt là vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng để xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam đủ mạnh, nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế, ngăn chặn hiệu quả mọi mưu đồ tấn công Tổ quốc ta từ hướng biển.

Ths. Nguyễn Thanh Hoàng

 

(1) Báo Nhân dân điện tử, Một lời dạy - một nhiệm vụ thiêng liêng”, ngày 16/10/2008

(2) Báo Nhân dân điện tử, Một lời dạy - một nhiệm vụ thiêng liêng”, ngày 16/10/2008

(3) Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, 2021

(4) Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, 2021

(5)Tạp chí Cộng sản điện tử, “Đường Hồ Chí Minh trên biển qua một vài ghi nhận và đánh giá của đối phương”, ngày 20/10/2011

(6)Tạp chí Cộng sản điện tử, “Đường Hồ Chí Minh trên biển qua một vài ghi nhận và đánh giá của đối phương”, ngày 20/10/2011



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 96
  • Hôm nay: 6907
  • Trong tuần: 88,511
  • Tất cả: 11,473,963