Lượt xem: 7844

Vấn đề phát huy giá trị văn hóa và xây dựng con người trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Điều đó tiếp tục được thể hiện qua nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, và xây dựng con người Việt Nam.

    Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất, tổ chức tại Hà Nội, ngày 24/11/1946, Bác Hồ đã nêu rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở, phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài, tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”[1]. Vấn đề này, đặt ra cho mỗi chúng ta nhiệm vụ rất quan trọng là phải thường xuyên quan tâm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và xây dựng con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững đất nước.


Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê tỉnh Sóc Trăng năm 2020. Ảnh Chanh Đa

 

    Trước hết, lối sống văn hóa mà Đảng ta, nhân dân ta xây dựng biểu hiện tập trung các giá trị của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết cộng đồng, đức tính cần cù, giản dị, coi trọng đạo lý, nghĩa tình… Đó là lối sống lấy độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênnin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nội dung, mục tiêu hoạt động của cộng đồng và mỗi cá nhân.

    Việc hình thành nhân cách con người văn hóa và lối sống văn hóa phụ thuộc vào môi trường văn hóa. Môi trường văn hóa của nước ta xây dựng hiện nay bảo đảm cho con người được giao tiếp với thiên nhiên, sống trong một môi trường trong lành, hài hòa, bền vững; được sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc, được phát huy mọi năng lực, sở trường, được thụ hưởng những giá trị chân - thiện - mỹ. Ở đó, cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ được tôn trọng và bảo vệ. Cái xấu, cái ác, cái phản văn hóa phải bị phê bình, loại trừ.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lối sống văn hóa, môi trường văn hóa đã được Bác thể hiện một cách đầy đủ, cụ thể, giản dị mà sâu sắc. Người nói:

    “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.

    Cái gì cũ mà xấu, như: Tính lười biếng, tham lam, thì phải bỏ.

    Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, như: Cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.

    Cái cũ mà tốt, như: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân, thì phải phát triển thêm.

    Cái mới mà hay, như: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp, thì phải làm”[2].

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về lối sống văn hóa còn có cả xây dựng lối sống văn minh, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Theo Bác để làm được điều này là phải thường xuyên quan tâm nâng cao dân trí, nhận thức đầy đủ vai trò của văn hóa, giáo dục con người “biết ham đọc”, bởi có học mới tiến bộ. Đồng thời, nó phải được nhận thức và thể hiện từ mỗi con người, mỗi gia đình, làng xóm ra toàn dân mới có hiệu quả bền vững và phát huy tác dụng tích cực, rộng lớn, lâu dài.

    Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp về phát triển văn hóa qua các thời kỳ, đã phát huy được những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, tính ưu việt của văn hóa xã hội chủ nghĩa được thể hiện, góp phần vào những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

    Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay lối sống văn hóa và môi trường văn hóa còn nhiều vấn đề đáng quan tâm mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhận định như: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn diễn biến phức tạp. Xuất hiện không ít trường hợp tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, gây bức xúc dư luận xã hội; ý thức tôn trọng pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp ở một số cơ quan, trong đó có cả các lĩnh vực được xã hội tôn vinh, như giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh gây bức xúc dư luận xã hội. Bạo lực học đường, bạo lực gia đình và trong xã hội chưa được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả. Tác động phức tạp của mạng xã hội, đặc biệt là internet, facebook trong không ít trường hợp làm mất an ninh, an toàn xã hội, nhất là trong giới trẻ. Vấn đề giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống trong thanh niên chưa được quan tâm đúng mức; trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Một số hủ tục lạc hậu trong tổ chức lễ hội ở một vài địa phương chậm được khắc phục.

    Trên cơ sở những nhận thức mới, những yêu cầu mới đặt ra của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới, Đảng ta đã xác định nhiều nội dung quan trọng trong xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam như:

    Thứ nhất: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[3]. Trong điều kiện hiện nay với đất nước ngày càng phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các tiến trình của thế giới thì việc gắn bó chặt chẽ mối quan hệ giữa “hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” với “ hệ giá trị gia đình Việt Nam” là rất cần thiết, trong đó đặt hệ giá trị gia đình vào vị thế trung tâm, các tế bào của xã hội, là hạt nhân lưu giữ và phát huy các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa con người Việt Nam. Hơn nữa, gia đình cũng chính là môi trường giáo dục đầu tiên vô cùng quan trọng, đặc biệt là nơi hình thành và nuôi dưỡng những mầm mống đầu tiên và có ý nghĩa định hướng về tính cách của mỗi con người.

    Thứ hai: Chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng phát triển con người. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định “quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng”, xem đây là đối tượng quyết định tương lai của đất nước, cần được giáo dục, bồi dưỡng toàn diện. Nội dung trong giáo dục, bồi dưỡng con người nói chung, thế hệ trẻ nói riêng là “Tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân nhất là thanh niên. Nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ”[4].


Múa sạp. Nguồn tuyengiao.vn

 

    Thứ ba: Giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng con người Việt Nam. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ “Thực hiện những giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”[5]. Vấn đề này được Văn kiện của Đảng đặt vấn đề khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra, đồng thời làm tốt công tác giáo dục, phát huy những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. “Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong cơ quan đơn vị”[6]. Đây là một nội dung quan trọng của việc xây dựng văn hóa trong chính trị, trong đó “chú trọng chăm lo văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể”, một yêu cầu đã được đặt ra từ Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, coi xây dựng văn hóa trong Đảng như một nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

    Những nội dung trên chính là yếu tố cơ bản để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời đây là những điều kiện không thể thiếu để thực hiện được một định hướng phát triển rất quan trọng, tạo thành một động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất trong thời gian tới, đó là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc”.

Lý Rotha



[1] Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 2006, t3, tr.379

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdd, t5, tr.112-113.

[3] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t1, tr.143.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t1, tr.143.

[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t1, tr.143.

[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t1, tr.262.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 9530
  • Trong tuần: 91,070
  • Tất cả: 11,535,626