Lượt xem: 1986

Giải pháp chủ động phòng ngừa suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống và tiêu cực của cán bộ, đảng viên tại chi bộ, cơ quan, đơn vị

Tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Đảng ta chỉ ra và trở thành một trong những nguy cơ lớn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Và, nguy hiểm hơn, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là: “Sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, ... nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ hoạ theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc ... có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.


Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.

 

    Nguyên nhân chủ quan chủ yếu của tình hình trên được Tổng Bí thư Đảng ta chỉ rõ: Trước hết, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Thứ hai, nguyên tắc tập trung dân chủ bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm. Thứ ba, việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước không nghiêm. Thứ tư, quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả. Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi không nghiêm túc; chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền[1].

    Để khắc phục tình hình trên cũng như chủ động phòng ngừa, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực của cán bộ, đảng viên thì không nơi nào tốt hơn chính là chi bộ và cơ quan, đơn vị. Muốn vậy, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giái pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Đại hội khóa XIII của Đảng và kết luận số 21-KL/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đề ra, trong đó tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ trên thực tế các nội dung, giải pháp chủ yếu sau:

    Một là, các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, thông qua tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị và thực hiện Chuyên đề toàn khóa “về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, trong đó coi trọng làm theo, nói đi đôi với hành động.

    Các cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cách mạng cũng như việc tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, hoàn thiện nhân cách, tư cách người đảng viên Cộng sản, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, làm cho mỗi đảng viên ngày càng trưởng thành hơn, luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống trước quần chúng cơ quan, đơn vị mình… góp phần làm cho Đảng ta luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.

    Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan phải gương mẫu về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên noi theo; đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, trong sáng về đạo đức cách mạng, nói đi đôi với làm, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

    Từng địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu xây dựng, cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với nhiệm vụ chính trị của mình, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày và công khai để các tổ chức, đoàn thể và nhân dân giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên. Có biện pháp phê bình, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các quan điểm, hành vi phi đạo đức, tham nhũng, tiêu cực... Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng lan toả trong tổ chức đảng, cơ quan và ngoài xã hội.

    Hai là, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình gắn với xử lý kịp thời cán bộ, đảng viên vi phạm đạo đức, lối sống, phong cách làm việc. Bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức tự giác “tự soi”, “tự sửa”.

    Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén để uốn nắn những lệch lạc trong nhận thức và hành động; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện không chuẩn mực của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với công việc, với những người xung quanh và với chính mình.

    Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là để học cái hay, tránh cái dở, chứ không phải để nói xấu, chê bai nhau. Phê bình và tự phê bình là để trị bệnh cứu người, nên phải tự giác làm thường xuyên “như rửa mặt hàng ngày”. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình phải trên tinh thần đồng chí, yêu thương nhau, chân thành, thẳng thắn, khách quan, trung thực, không nể nang, né tránh, không “dĩ hòa vi quý” và phải căn cứ vào sự việc có thật để nhận xét, đánh giá, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, đề xuất biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Thực hiện nghiêm túc quy trình: tự phê bình mình trước, phê bình người khác sau; cấp trên tự giác, gương mẫu tự phê bình trước để cấp dưới noi theo, ai cũng thực hiện tự phê bình và phê bình. Làm tốt những điều này thì chất lượng tự phê bình và phê bình sẽ nâng lên, chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những biểu hiện phe nhóm trong cơ quan, tổ chức sẽ không có chổ để tồn tại.

    Ba là, cấp ủy, chi bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải quản lý chặt chẽ tư tưởng, đạo đức, lối sống, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên thuộc quyền quản lý.

    Quản lý đảng viên là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được thực hiện trước hết ở các tổ chức cơ sở đảng.

    Quản lý đảng viên có nội dung toàn diện, bao gồm 5 nội dung chủ yếu: (1) Về tư tưởng chính trị của đảng viên, thể hiện ở lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, ý thức, thái độ học tập lý luận chính trị, nghị quyết của Đảng; nói và làm theo nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước; có ý thức cảnh giác, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. (2) Về phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên, thể hiện ở ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống theo tư tưởng Hồ Chí Minh; về thực hiện quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; về nêu gương thực hiện phương châm “nói đi đôi với làm”, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, vụ lợi. (3) Về tổ chức, kỷ luật, thể hiện ở việc chấp hành quy định về sinh hoạt đảng; về ý thức tự giác, thẳng thắn, trung thực, khách quan, công tâm trong tự phê bình và phê bình cũng như trong thực thi công vụ. (4) Về mối quan hệ với nhân dân, thể hiện ở khả năng tập hợp nhân dân thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị; giữ mối liên hệ thường xuyên với cấp ủy địa phương nơi cư trú. (5) Về kết quả, chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ do tổ chức đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phân công.

    Thông qua quản lý đảng viên với những nội dung nêu trên, các cấp ủy và tổ chức đảng sẽ nắm được chất lượng từng đảng viên, hiểu được diễn biến tư tưởng, tâm trạng, những bức xúc của đảng viên, qua đó mà có biện pháp thích hợp để nâng cao tính tiền phong gương mẫu, phát huy vai trò trách nhiệm của đảng viên, ngăn ngừa đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Do đó, quản lý tốt đảng viên sẽ làm cho tổ chức đảng đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

    Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền.

    Quyền lực được xem là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc các cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nào đó như: uy tín, quyền hành, cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí bắt buộc thực hiện. Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi quyền lực đều thuộc nhân dân và được thực thi thông qua hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, dưới sự kiểm soát của nhân dân nhằm bảo đảm quyền lực đó hoàn toàn phục vụ lợi ích của nhân dân.

    Việc sử dụng quyền lực, dù là quyền lực của tổ chức hay là của cá nhân, đều phải được kiểm soát. Ở đâu có quyền lực thì ở đó có yêu cầu kiểm soát quyền lực (tức thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc vượt quá quyền lực được trao trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình). Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực là đòi hỏi khách quan, được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ theo một cơ chế nhất định.

    Kiểm soát quyền lực không có “vùng cấm”, không loại trừ bất cứ đối tượng nào, ở cấp nào, cương vị nào. Nếu lạm quyền, lộng quyền hay lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” đều phải được kiểm tra, thanh tra, điều tra, xem xét, kết luận và xử lý nghiêm minh theo kỷ luật của Đảng và xử lý hoặc truy tố theo pháp luật của Nhà nước.

    Để kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, cần quan tâm thực hiện những việc sau: (1) Tự thân cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, phải tự giác kiểm soát chính mình; tự mình soi gương và nêu gương tốt; đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân; nói và làm theo chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của tập thể; chấp hành nghiêm túc kỷ luật Đảng và chức trách, nhiệm vụ được phân công. (2) Cấp trên và tập thể lãnh đạo phải sâu sát, gương mẫu, thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiểm điểm, phê bình, uốn nắn, xử lý kịp thời công bằng, nghiêm minh ... vi phạm của cấp dưới, của cán bộ thuộc quyền quản lý. (3) Có cơ chế công khai các quy định, chế độ, chính sách liên quan đến hoạt động công vụ (trừ bí mật theo quy định), vì càng công khai càng dễ kiểm soát và những phần tử xấu không có cớ để xuyên tạc. (4) Tăng cường vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; đề cao vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên./.

Kiên Trung



[1] Trích bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng.



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 70
  • Hôm nay: 1002
  • Trong tuần: 84,408
  • Tất cả: 11,540,201