Lượt xem: 6388

Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của cán bộ, công chức là biện pháp quan trọng để ngăn chặn những hành vi tiêu cực

Thực thi công vụ là hoạt động thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong thực tiễn, do người đứng đầu cơ quan phân công, liên quan trực tiếp đến đạo đức công vụ. Đây là những vấn đề đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm và được quy định khá chặt chẽ trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện những quy định này trong thực tiễn có nơi, có lúc chưa nghiêm túc và chưa được giám sát chặt chẽ.

 

    Thực thi công vụ thực chất là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trong thực tiễn. Nhiệm vụ mà cán bộ, công chức thực hiện có thể chia làm hai loại chính: một là, nhiệm vụ thường xuyên theo chức danh, vị trí việc làm; hai là, nhiệm vụ do lãnh đạo phân công trong những thời điểm cụ thể, do yêu cầu của cơ quan. Song, dù loại nhiệm vụ nào, thực thi công vụ là hoạt động có mục tiêu phục vụ lợi ích chung, phục vụ Nhân dân. Luật cán bộ, công chức năm 2008 của nước ta nêu rõ: Thực thi công vụ của cán bộ, công chức phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát ... Nghĩa là, để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ, đòi hỏi phải thực hiện nghiêm túc ba hoạt động: (1) Thực hiện tốt trách nhiệm được giao (trách nhiệm công vụ); (2) Thực hiện đầy đủ thẩm quyền (quyền lực công) theo chức danh, vị trí việc làm; (3) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả hoạt động thực thi công vụ, thực thi quyền lực, quyền hạn của cán bộ, công chức.

    1. Trách nhiệm là bổn phận của mỗi người, dù ở cương vị nào, điều phải làm, phải gánh vác, đó là bổn phận, không được thoái thác cho người khác. Nghĩa là: Thứ nhất, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình”. Thứ hai, tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói thì phải làm. Đó là nguyên tắc thực hành đạo đức, là phương châm hoạt động, là biểu hiện của việc quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa suy nghĩ và hành động trong một con người. Thứ ba, luôn luôn tìm cách để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình một cách vô tư, trong sáng, không vụ lợi.

    Người cán bộ, đảng viên có tinh thần trách nhiệm là người luôn nhận thức rõ và tìm cách thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng, vì cuộc sống hạnh phúc của Nhân dân, trước hết phải thực hiện thật tốt nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức phân công. Đó là trách nhiệm công vụ. Trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức có mối quan hệ chặt chẽ với kết quả hoạt động công vụ và gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được tổ chức, cấp trên trao cho trên cơ sở luật định. Nó bao gồm ba loại trách nhiệm: (i) Trách nhiệm trước cơ quan và cấp trên; (ii) Trách nhiệm đối với bản thân mình trước công việc được giao; (iii) Trách nhiệm đối với xã hội.

    2. Cán bộ, công chức khi thực thi công vụ phải được trao và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc thẩm quyền (quyền lực công) theo quy định pháp luật, tương ứng với chức danh, vị trí việc làm. Đây là điều kiện bắt buộc để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Quyền lực là năng lực, khả năng của cán bộ, công chức sử dụng để tác động đến hành động, hành vi của những người khác, buộc họ phải thực hiện ý chí của mình thông qua các phương tiện, phương thức nhất định, như uy tín, quyền hành, quy định, thậm chí cưỡng chế thực hiện. Việc sử dụng quyền lực như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến những người thực hiện và có thể dẫn đến những kết quả tích cực hoặc tiêu cực, dựa trên mục đích, cách thức sử dụng chúng. Cán bộ, công chức có tâm, đúng tầm, nhận thức đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình thì sẽ có kết quả tốt, mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho cơ quan; ngược lại, nếu đùn đẩy, không thực hiện hết trách nhiệm, quyền hạn được giao hay lạm quyền, lộng quyền, vi phạm giới hạn quyền lực được giao thì chỉ mang lợi ích cho cá nhân, cho người có quyền hay cho nhóm lợi ích, và điều đó sẽ xâm phạm lợi ích chung. Đó là biểu hiện của tha hóa quyền lực, vi phạm chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, trái với đạo đức công vụ, đạo đức cách mạng.

    3. Quyền lực, quyền hạn được trao cho cán bộ, công chức là để thực thi công vụ, nó gắn liền với công việc chứ không gắn với con người cụ thể. Trong hoạt động công vụ, quyền hạn là yếu tố cần thiết để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, quyền hạn luôn có mặt trái của nó, nếu lợi dụng, lạm dụng hoặc thực hiện trái thẩm quyền để làm những việc sai trái, vì mục đích không trong sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm, “không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Do đó, Người căn dặn: Là cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng phải tránh xa vòng danh lợi, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

    Thực tế cho thấy, khi nhìn vào các vụ án tham nhũng bị xử lý vừa qua, có thể thấy rõ điều này, trong số đó không ít người có chức vụ cao, sử dụng quyền lực không đúng, lợi dụng, lạm dụng hoặc thực hiện trái thẩm quyền để làm những việc sai trái.

    Do vậy, quyền lực không thể trao cho ai mà không cần kiểm tra, giám sát. Trao quyền lực, thực thi quyền lực thì đồng thời cũng phải có biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực đó, qua đó sớm phát hiện những cán bộ tiêu cực, suy thoái, tha hóa nhằm đấu tranh, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Nội dung kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức tập trung chủ yếu vào 02 nội dung cơ bản: (i) giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (ii) giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật và những quy định của cơ quan liên quan đến cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ được giao.

    Giám sát việc thực thi công vụ, thực thi quyền lực của cán bộ, công chức được thực hiện thông qua nhiều kênh khác nhau, như: Giám sát trong nội bộ cơ quan (giám sát của tập thể lãnh đạo, của thủ trưởng trực tiếp; giám sát của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn thông qua Ban Thanh tra nhân dân); giám sát bên ngoài cơ quan, như: Giám sát của cơ quan cấp trên trực tiếp; giám sát của cơ quan Kiểm tra Đảng, cơ quan Thanh tra Nhà nước; giám sát của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các hội quần chúng; giám sát của các cơ quan truyền thông; của dư luận xã hội ... Mỗi kênh giám sát đều có vai trò nhất định và đều nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, trong đó, sự kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đặc biệt là của người đứng đầu giữ vai trò quyết định, kịp thời phát hiện, uốn nắn những lệch lạc, nhờ đó đảm bảo sự phát triển cơ quan.

    Nêu cao trách nhiệm thực thi công vụ gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát thực thi công vụ của cán bộ, công chức là biện pháp quan trọng duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần sàng lọc, thay thế những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc lợi dụng cơ chế để thực hiện mưu đồ cá nhân; đồng thời từ đó khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm để phục vụ đất nước, phụng sự Nhân dân./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 240
  • Trong tuần: 83,593
  • Tất cả: 11,433,039