Lượt xem: 1361

Phản bác luận điệu xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng là “mất dân chủ” và “cản trở” sự phát triển của đất nước

Những năm gần đây, các thế lực thù địch gia tăng tuyên truyền xuyên tạc chống phá sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trên nhiều phương diện, trong đó họ tập trung công phá vào nguyên tắc “tập trung dân chủ” của Đảng, bởi đây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Phủ nhận nguyên tắc này đồng nghĩa với phá bỏ viên đá tảng trong học thuyết Mác-Lênin về Đảng cộng sản.

 


Nguồn tuyengiao.vn

 

    Các thế lực thù địch tung ra nhiều luận điệu bôi nhọ, nói xấu, xuyên tạc bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Đó là những loại luận điệu, những chiêu trò “đen” hết sức nguy hiểm bởi nó cố tình phủ nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng và thực hiện đa nguyên, đa đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

    Chúng ta hiểu rằng vấn đề “một đảng” hay “nhiều đảng” lãnh đạo, cầm quyền không phải là vấn đề mới đối với đất nước Việt Nam. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đất nước Việt Nam vẫn đa đảng (Đảng xã hội, Đảng dân chủ, Đông dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn…). Thực tiễn cho thấy vấn đề này phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Và lịch sử từ xưa đến nay cho thấy, vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được vấn đề một đảng thì mất dân chủ, cản trở sự phát triển của đất nước, còn đa đảng thì dân chủ hơn, phát triển hơn. Và thực tế cũng cho thấy, dân chủ và phát triển của một quốc gia không tỷ lệ thuận với số lượng các đảng mà đất nước đó có. Có những nước một đảng lãnh đạo vẫn bảo đảm dân chủ và phát triển; có những nước đa nguyên, đa đảng vẫn kém phát triển, vẫn mất dân chủ. Vấn đề thuộc về bản chất của đảng cầm quyền, lợi ích xã hội mà nó đem lại, bảo vệ; uy tín và năng lực tập hợp, liên kết, lãnh đạo các lực lượng xã hội có cùng thực hiện mục tiêu chung của quốc gia - dân tộc hay không? Một đảng đại diện cho lợi ích của giai cấp, của nhân dân và cả dân tộc, vì dân - vì nước mà hành động chắc chắn sẽ được nhân dân tôn vinh và ủy thác lãnh đạo.

    Về nguyên tắc tập trung dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”. Bởi sức mạnh của Đảng là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, đạo đức chỉ có thể vững bền và biến thành hiện thực khi được bảo đảm bằng sự thống nhất về mặt tổ chức thông qua thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập trung dân chủ là nguyên tắc nền tảng để xây dựng Đảng, là cơ sở của kỷ luật Đảng, bảo đảm cho Đảng ta thực sự là một chỉnh thể có tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất từ trung ương tới cơ sở.

    Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo chính trị, lãnh đạo Nhà nước có cản trở sự phát triển hay không? Xin trả lời ngay là không! Vì bởi, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là phù hợp với quy luật, phản ánh đầy đủ điều kiện khách quan và chủ quan đã được chín muồi trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt tình trạng phân tán lực lượng, chia rẽ nội bộ, tạo sự thống nhất về tổ chức trong cả nước, nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Đảng. Đảng trở thành “Người” đại diện tiêu biểu cho lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”. Ngoài lợi ích trên, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn lợi ích nào khác. Mục đích của Đảng là “xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh,… không còn người bóc lột người”. Đó là mục tiêu, lý tưởng cao cả không bao giờ thay đổi trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta.

    Hiện nay, đất nước ta, nguyên tắc tập trung dân chủ không chỉ thực hiện trong xây dựng Đảng mà còn cả trong tổ chức quản lý Nhà nước, quản lý, điều hành kinh tế, xã hội. Tập trung và dân chủ là hai mặt không thể tách rời trong lãnh đạo và quản lý hành chính Nhà nước, tập trung hỗ trợ bảo đảm cho dân chủ thực hiện trong khuôn khổ, có sự kiểm soát; dân chủ giúp cho tập trung linh hoạt, đạt hiệu quả cao trong lãnh đạo, quản lý. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp một cách đồng bộ, chặt chẽ việc bảo đảm cả hai yếu tố này trong hoạt động lãnh đạo, quản lý hành chính Nhà nước. Nếu chỉ có sự lãnh đạo, quản lý tập trung mà không mở rộng dân chủ thì sẽ tạo cơ hội cho quan liêu, cửa quyền, tham nhũng phát triển. Ngược lại, không có sự lãnh đạo tập trung thống nhất sẽ dẫn đến tình trạng tùy tiện, vô chính phủ, cục bộ địa phương. Vì vậy, sự kết hợp đúng đắn giữa tập trung và dân chủ là một trong những yếu tố quyết định sức mạnh và hiệu quả hoạt động lãnh đạo của Đảng và của bộ máy hành chính Nhà nước. Nó tạo ra sự thống nhất về tổ chức và hành động, phát huy và kết hợp chặt chẽ sức mạnh của tập thể với sức mạnh từng cá nhân; của cả nước và từng địa phương; của cả hệ thống chính trị và từng tổ chức.

    Tập trung dân chủ là nguyên tắc nền tảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là nguyên tắc phân biệt chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân với các đảng phái khác. Đây là tiêu điểm mà các thế lực thù địch thường công kích nhằm chống Đảng và phủ nhận vai trò của Đảng. Vì thế, luận điệu cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ làm cản trở sự phát triển đất nước là hoàn toàn không có căn cứ khoa học và thực tiễn. Đó, chỉ là những thủ đoạn thâm độc nhằm thực hiện đa nguyên, đa đảng đối với Việt Nam./.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 100
  • Hôm nay: 8283
  • Trong tuần: 89,887
  • Tất cả: 11,475,339