Lượt xem: 1028

Cần nhận thức đúng và thực hiện nghiêm túc thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách

Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ - một trong những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Đảng và hệ thống chính trị nước ta. Việc thực hiện tốt nguyên tắc này là điều kiện bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính và chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, mỗi cấp và của Đảng ta.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951). Ảnh: TTXVN

 

    Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản, cao nhất của Đảng và của cả hệ thống chính trị nước ta. Nguyên tắc này được ghi trong Điều lệ Đảng và Hiến pháp nước ta. Thời gian qua, việc thực hiện nguyên tắc này ở nhiều người đứng đầu, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, bộ, ngành có lúc không được nghiêm túc. Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này, nhưng lý do chủ yếu là không ít người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan vừa không bám sát nội dung nguyên tắc, quy chế làm việc của cấp ủy, của cơ quan, thiếu bàn bạc dân chủ trong nội bộ, khiến nguyên tắc bị vi phạm, dẫn đến hiện tượng mất dân chủ,.... Cũng có trường hợp, cá nhân phụ trách nhưng không thể hiện đầy đủ vai trò của mình, để một số ý kiến không đúng trở thành chủ trương của lãnh đạo, hoặc thiếu kiểm tra, giám sát để cấp dưới sai phạm.

    Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI) “Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã thẳng thắn chỉ rõ: “Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân”.

    Từ thực trạng trên, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã chỉ ra vấn đề cấp bách là cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đây được xem là một trong những nội dung cốt lõi trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vì vậy, cần phải nhận thức thấu đáo bản chất của nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách - nguyên tắc lãnh đạo chủ đạo của Đảng.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta coi nguyên tắc tập trung dân chủ - biểu hiện cụ thể là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách - là nguyên tắc số một về tổ chức và hoạt động của một Đảng Cộng sản cầm quyền ở nước ta. Việc thực hiện nguyên tắc này thống nhất trong cả hệ thống chính trị và trở thành một phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rất cụ thể nội dung nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và chỉ rõ vì sao phải thực hiện nguyên tắc này. Theo Người, một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Ngược lại, việc gì đã được dân chủ bàn bạc, được tập thể thống nhất thì nên giao cho một người hay nhóm ít người phụ trách, chỉ đạo, điều hành thực hiện. Như thế mới có chuyên trách, công việc mới chạy. Từ đó, Hồ Chí Minh kết luận: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”. Người còn chỉ rõ: "Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”.

    “Tập thể lãnh đạo” và “cá nhân phụ trách” có mối quan hệ biện chứng với nhau, là hai mặt thống nhất trong một chỉnh thể không thể tách rời. Khi tập thể lãnh đạo thực sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, tất cả vì lợi ích chung, chấp hành nghiêm chủ trương, kế hoạch đã ban hành, sẽ tạo môi trường thuận lợi cho mỗi thành viên rèn luyện, phấn đấu, phát huy phẩm chất, năng lực, sở trường, năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động để đạt được kết quả cao nhất. Người đứng đầu có trách nhiệm, trước hết là người biết phát huy trí tuệ và năng lực của tập thể để có thể sáng suốt khi đưa ra quyết sách và tạo sự đồng thuận, đồng tâm của tập thể trong quá trình tổ chức thực hiện. Với ý nghĩa này, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan phải dựa trên nghị quyết, kế hoạch của tập thể lãnh đạo. Bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình đứng trên tổ chức, tự cho mình quyền làm khác quyết định của tập thể, chủ trương, kế hoạch đã ban hành. Vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI coi xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu là vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay.

    Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, để thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cần chú trọng một số nội dung sau:

    Một là, cấp ủy, lãnh đạo cơ quan quan tâm giáo dục, nâng cao nhận thức của tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan và đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong bàn bạc, quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định của cơ quan, đơn vị cũng như thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của cấp trên. Tập thể lãnh đạo là dân chủ, nhưng không phải nhất nhất việc gì cũng đưa ra bàn. Do vậy, người lãnh đạo phải chỉ đạo những người phụ trách bộ phận, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế. Đối với những việc nảy sinh liên quan đến lợi ích chung, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của địa phương thì cần tập thể bàn bạc, quyết định; cá nhân phụ trách phải chấp hành ý chí của tập thể, nếu không sẽ gia trưởng, độc đoán, tùy tiện xử lý trái với kế hoạch của cơ quan, đơn vị.

    Hai là, xây dựng quy chế, quy định để thực hiện và giám sát có hiệu quả việc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Quy chế, quy định cần làm rõ loại công việc nào phải do tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan bàn bạc quyết định; loại công việc nào do người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan giải quyết ...; làm rõ chế độ thông tin, báo cáo, kiến nghị, đề xuất khi được phân công phụ trách một nhiệm vụ nào đó. Sự minh bạch, rõ ràng của quy định cũng là cơ sở để đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân giám sát, góp ý cho cán bộ lãnh đạo, tổ chức có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh những sơ hở của chủ trương, nghị quyết cũng như khuyết điểm, sai phạm của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

    Ba là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Xác định rõ mối quan hệ trong giải quyết công việc giữa người đứng đầu với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, kiên quyết phê phán các hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức.

    Bốn là, các cấp ủy, cơ quan cấp trên cần duy trì thực hiện nghiêm quy định “lãnh đạo thì phải kiểm tra” để giúp tổ chức đảng, cơ quan chuyên môn cấp dưới hoạt động đúng hướng, kịp thời khắc phục các khuyết điểm, sai phạm và cốt để “cảnh tỉnh, răn đe”, để “trị bệnh cứu người”, lấy xây dựng để chủ động phòng ngừa, uốn nắn, giáo dục. Đồng thời, tạo điều kiện cho quần chúng tham gia giám sát tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ.

    Mỗi cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; mỗi cá nhân dù được giao quyền theo chế độ thủ trưởng cũng phải ý thức rõ mình là một cá nhân trong tập thể lãnh và phải tôn trọng sự lãnh đạo của tập thể, của cấp trên; phải thường xuyên rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh, nghiêm khắc “tự soi, tự sửa”, không dễ dãi với bản thân, tránh xa những cám dỗ từ cuộc sống đời thường hàng ngày. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng phải được thực hiện thường xuyên để nhắc nhở mọi người thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách./.

Kiên Trung



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 2222
  • Trong tuần: 85,628
  • Tất cả: 11,541,421