Lượt xem: 1084

Xây dựng nông thôn mới gắn liền với xây dựng hệ giá trị văn hóa truyền thống của người nông dân

Nông dân là chủ thể kiến tạo nên những giá trị văn hóa Việt Nam. Hệ giá trị văn hóa về cơ bản được sáng tạo, tích lũy, trao truyền bởi những người nông dân trong quá trình sống, lao động, tương tác với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và chính bản thân mình “vì lẽ sinh tồn”, những người nông dân phải liên kết với nhau chặt chẽ. Và trải qua những biến thiên của lịch sử, những giá trị văn hóa được tạo dựng, vun đắp, trở thành bản sắc, giá trị văn hóa nông thôn ngày nay.

 


Đường bê tông ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú được xây dựng thông thoáng. Ảnh Huy Minh

 

    Ta biết rằng, hệ giá trị văn hóa, giá trị con người Việt Nam về cơ bản được sáng tạo, tích lũy, trao truyền bởi những người nông dân. Từ lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, cần cù lao động, giản dị trong lối sống, tinh tế trong ứng xử… là những giá trị văn hóa đã được kết tinh trong quá trình sống, lao động luôn phải ứng phó với thiên nhiên, địch họa, khi thì “thay trời làm mưa”, khi thì “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Từ rất sớm, những người nông dân phải liên kết với nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cộng đồng, cộng mệnh, cộng cảm kể cả trong lúc bình yên, thái bình hay trong lúc nhọc nhằn, cam go…

    Để thực hiện các mục tiêu xây dựng mẫu hình chủ nhân nông thôn mới, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống cũng là một cách thiết thực và phù hợp. Bởi, người nông dân hôm nay không chỉ cần nhanh tay với cơ chế thị trường, làm chủ công nghệ sản xuất mà vẫn cần những giá trị sống nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý. Chính hệ giá trị văn hóa truyền thống góp phần hình thành nhân cách mẫu hình người nông dân, khơi dậy những khát vọng vươn lên, khát vọng làm giàu chính đáng. Đồng thời, cũng chính hệ giá trị văn hóa truyền thống là “màng lọc” để điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi người trước tác động của cơ chế thị trường và những biến đổi xã hội ngày nay. Những chuẩn mực truyền thống đã và sẽ là những giá trị và chuẩn mực xã hội định hướng các hành vi ứng xử của con người trong nông thôn. Như “uống nước nhớ nguồn”, “kính già, yêu trẻ”; “hiếu thảo với ông bà, cha mẹ”, sống có “tình làng, nghĩa xóm”… vẫn là những giá trị được cộng đồng chia sẻ và thực hành.

    Sóc Trăng là vùng đất trẻ mới khai phá từ thế kỷ XVII – XVIII, dưới thời chúa Nguyễn. Trải qua bao đời dân tộc cùng chung sống tại đây hình thành nên một cộng đồng văn hóa xã hội vô cùng phong phú, chủ yếu là ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Do đặc thù của các thành phần dân tộc như trên nên đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, đa dạng. Người dân Sóc Trăng có cá tính mạnh mẽ, thẳng thắn, bộc trực, coi trọng sáng kiến cá nhân, sinh hoạt đơn giản, không cầu kỳ, chuộng sự phóng khoáng, rộng rãi, giàu lòng nhân ái, giàu lòng mến khách và dễ thân thiện. Đồng thời, siêng năng cần cù, vừa tháo vát, vừa năng động, sáng tạo đã được thể hiện qua môi trường sống với cảnh quan chùa chiền, đình miếu, nhà cửa, nơi ăn, chốn ở, ruộng đồng, vườn cây, bãi bồi, việc trị thủy và sử dụng sông nước trở thành nét văn hóa sông nước đặc sắc.

    Sự hiện diện các yếu tố văn hóa truyền thống này không mâu thuẫn với những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đang áp dụng mà trái lại nó chính là điểm tựa tinh thần, là linh hồn của mỗi làng quê trong quá trình tái kiến tạo một không gian sống văn minh tô điểm bởi những giá trị văn hóa truyền thống (ở các dạng thức văn hóa vật thể và phi vật thể) chính là những phương án tối ưu trong kiến tạo môi trường nông thôn mới hiện nay và mai sau.

    Bên cạnh các giá trị văn hóa truyền thống, để phát triển nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa của nông thôn mới phải được quan tâm đầu tư. Theo bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới gồm 19 tiêu chí, trong đó lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí: Tiêu chí thứ 6 (về cơ sở vật chất văn hóa) và tiêu chí thứ 16 (về văn hóa), vừa thể hiện yêu cầu đạt chuẩn về kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao, vừa đặt ra yêu cầu đạt chuẩn các nội dung mềm – giá trị cốt lõi của văn hóa.

    Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng thành công 03 huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 64/80 xã nông thôn mới, trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao. Xây dựng các xã đạt các tiêu chí nông thôn mới vừa góp phần gia tăng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng, tạo nên những cơ hội mới trong phát triển kinh tế – xã hội, vừa ngăn ngừa được nguy cơ sự tiêu vong giá trị văn hóa truyền thống, nguy cơ khủng hoảng văn hóa – xã hội, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Những phong trào “sạch làng, đẹp ruộng”, “thắp sáng làng quê”, “năm không, ba sạch”… đã và đang nâng dần ý thức của cư dân nông thôn, về giữ gìn môi trường sinh thái và môi trường xã hội.

    Thiết nghĩ, nếu thiếu quan tâm đến yếu tố văn hóa truyền thống thì sẽ không giải quyết vấn đề nông thôn mới một cách thấu đáo. Như tinh thần Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi phải huy động nguồn lực tổng hợp, trong đó có nguồn lực văn hóa. Nói một cách khác, phát huy bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của cư dân nông thôn cần phải có trong quá trình xây dựng “mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 154
  • Hôm nay: 6481
  • Trong tuần: 87,526
  • Tất cả: 11,462,274