Lượt xem: 2275

Phát triển mô hình nuôi tôm theo chuẩn VietGAP

Tôm là một trong bốn sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm khoảng 45% giá trị kim ngạch toàn ngành thủy sản của cả nước. Riêng Sóc Trăng là một trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của Đồng bằng Sông Cửu Long với sản lượng tôm hằng năm luôn duy trì trên 170.000 tấn. Xác định rõ con tôm không chỉ mang lại thu nhập cho người nuôi mà còn cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh; những năm qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ nuôi chuyển đổi sang các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, nuôi tôm công nghệ cao gắn với việc hướng dẫn thực hành quy phạm nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP.


Mô hình nuôi tôm VietGAP tại Cù Lao Dung.

 

    Từ diện tích nuôi trồng thủy sản là 70.000 hecta được quy hoạch vào năm 2011, đến cuối năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản tại Sóc Trăng đã phát triển lên 76.270 hecta, trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ chiếm ưu thế với 57.713 hecta (chiếm hơn 67,8%), giá trị xuất khẩu đạt đến 823 triệu USD. Điều này cho thấy, con tôm ngày càng giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu phát triển giá trị toàn ngành. Trong những năm gần đây, hình thức nuôi cũng đã có sự thay đổi theo chiều hướng giảm dần diện tích nuôi quảng canh cải tiến và đẩy mạnh phát triển các mô hình nuôi ao lót bạt, môi hình nuôi 2 hoặc 3 giai đoạn, tuần hoàn nước, ứng dụng công nghệ 4.0, nuôi tôm với mật độ rất cao từ 200 – 500 con/mét vuông... Nhờ vậy, sản lượng tôm phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu ngày càng lớn.

    Ngày nay, thị trường nhập khẩu luôn là những thị trường khó tính, có yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm, ngày càng đưa ra những rào cản khắt khe về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đòi hỏi người nuôi tôm cần phải thực hành những tiêu chuẩn về nuôi trồng thuỷ sản tốt để chứng minh nguồn gốc sản phẩm là đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh. Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt Việt Nam - VietGAP là văn bản quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tại Quyết định số 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 06/9/2014 được xem là một trong những cơ sở góp phần định hướng cho người nuôi tôm giải quyết ổn thỏa vấn đề vừa đặt ra. Thạc sĩ Phan Bạch Vân – Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Cụ thể có thể thấy được những lợi ích do thực hiện quy phạm VietGAP mang lại bao gồm: Đối với toàn xã hội thì sẽ giảm bớt được chi phí y tế do các sản phẩm đã đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh được các vụ ngộ độc, kháng thuốc, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng do người dân được sử dụng sản phẩm an toàn,... Đối với người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường thông qua mã số chứng nhận sản phẩm đạt VietGAP, có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu người sản xuất chịu trách nhiệm... Đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vì nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng nên sẽ bảo đảm chất lượng đầu ra của sản phẩm, giữ được uy tín với khách hàng và nâng cao doanh thu, giảm bớt chi phí và thời gian cho việc kiểm tra mẫu sản phẩm đầu vào do nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có khiếu nại.... Đối với người nuôi có thể quản lý cơ sở nuôi theo hệ thống khoa học, tránh nhầm lẫn, rủi ro: Biển báo, kho chứa, hệ thống ao nuôi, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh: Do sử dụng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng, quản lý tốt chất thải;...”.

    Công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm, ứng dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt GAP, VietGAP được xác định là rất quan trọng. Nhiều năm qua, Chi cục Thủy sản đã tập huấn, tuyên truyền nhiều cuộc đến người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh các quy định của VietGAP. Tuy nhiên, bước đầu trong công tác tuyên truyền tại tỉnh là tổ chức tập huấn tuyên truyền những kiến thức cơ bản về VietGAP cho người nông dân. Do đó, mức độ tuyên truyền chỉ giới thiệu sơ lược, những kiến thức cơ bản về VietGAP cho hộ nuôi nên để áp dụng vào thực tiễn là khó khăn, nhiều hộ vẫn còn khá lúng túng, e ngại khi triển khai thực hành. Đến năm 2016, thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP đến người nuôi tôm. Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2020 đã hỗ trợ 10 hợp tác xã/tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP. Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các tổ chức, kết nối giữa người nuôi với các nhà máy chế biến, doanh nghiệp áp dụng thực hành các chứng nhận theo yêu cầu thị trường. Kết quả có 04 hợp tác xã đạt chứng nhận ASC liên kết với nhà máy chế biến thực hiện theo chuẩn ASC (từ nền VietGAP đã có); nâng tổng số cơ sở nuôi theo các tiêu chuẩn có trách nhiệm (như: VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP…) lên 26 cơ sở với diện tích là 1.170 hecta. Nhận xét về hiệu quả sau hơn 02 năm thực hiện mô hình nuôi tôm VietGAP, ông Lâm Văn Lâm – thành viên Hợp tác xã Thủy sản Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung cho biết: “Gia đình tôi nuôi tôm năm nay nữa là được 15 năm rồi. Năm vừa rồi được Chi cục Thủy sản hỗ trợ mô hình nuôi tôm thẻ theo chuẩn VietGAP. Khi thực hiện mô hình thấy có một số lợi ích so với cách nuôi truyền thống trước đây. Cụ thể là giảm được rủi ro dịch bệnh trên tôm, sản phẩm tạo ra sạch, thân thiện với môi trường, hướng tiêu thụ cũng dễ hơn vì mình nuôi con tôm sạch, có chứng nhận nên dễ ký kết hợp đồng với công ty. Những năm về sau tôi cũng sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm VietGAP”.

    Con tôm nước lợ là sản phẩm chủ lực quốc gia được phát triển nuôi với quy mô lớn tại tỉnh Sóc Trăng. Trước diễn biến ngày càng phức tạp của COVID-19, những hợp đồng trong liên kết, nhất là đối với những cơ sở, hợp tác xã/tổ hợp tác đã áp dụng VietGAP hay những tiêu chuẩn cao hơn càng phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, vì là quy phạm thực hành của quốc gia, do đó VietGAP cũng không tránh khỏi bộc lộ những khó khăn nhất định, như: Tiêu chuẩn này chưa thật sự thu hút được người nuôi tôm vì phải bỏ thêm 1 khoản chi phí để đánh giá chứng nhận; một số nhà máy chế biến cũng chưa quan tâm đến con tôm đạt chứng nhận VietGAP. Mặc dù vậy, có thể khẳng định VietGAP là một bàn đạp quan trọng bước đầu để tiến đến những tiêu chuẩn cao hơn như: ASC, BAP, Natural… Do đó, cần phải có sự chung tay góp sức của các cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà máy chế biến và người nuôi tôm để cùng nhau thực hiện. Điều quan trọng là VietGAP chỉ thật sự phát huy được hiệu quả khi được áp dụng toàn diện trong cả cộng đồng, thông qua các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp như hợp tác xã, hay tổ hợp tác chứ không phải hình thức nuôi nhỏ lẻ, manh mún theo từng hộ gia đình. Thạc sĩ Võ Quốc Hào – chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Đối với mô hình VietGAP bao gồm 104 tiêu chí; trong đó có một số tiêu chí không cần phải tổ chức đánh giá. Vì VietGAP là một quy phạm mang tính khoa học, chính vì thế không thể áp dụng ngay tới người dân được, nó cần phải có lộ trình. Đầu tiên phải tập cho người dân có thói quen ghi chép sổ nhật ký, rồi tự đo đạc môi trường ao nuôi cũng như phải lưu giữ các hồ sơ con giống, thức ăn, giấy xét nghiệm... VietGAP có lợi ích về môi trường, về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an sinh xã hột. Tuy  nhiên, cái khó khi áp dụng VietGAP là người dân thường quan tâm đến lợi ích kinh tế, lo ngại giá tôm được nuôi VietGAp sẽ bị đánh đồng với tôm nuôi thường. Do đó, để khắc phục vấn đề này chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con, hợp tác xã/tổ hợp tác áp dụng thực hành VietGAP trước, từ đó hỗ trợ nâng cấp lên tiêu chuẩn ASC và làm cầu nối để liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ tôm nuôi theo tiêu chuẩn ASC với các doanh nghiệp chế biến, từ đó hiệu quả kinh tế gia tăng đáng kể từ cái nền đó là VietGAP”.

    Nghề nuôi tôm cả nước nói chung và của tỉnh Sóc Trăng nói riêng còn tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức trước nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đối mặt trước những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của các nước nhập khẩu và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nước xuất khẩu ngành tôm. Ngành tôm Việt Nam  hiện cũng đang từng bước khôi phục lại mọi hoạt động từ khâu nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu trước tác động của COVID-19 trên toàn cầu. Sau dịch, con tôm Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường mới, thị trường càng rộng mở thì yêu cầu về chất lượng và các chứng nhận cũng sẽ trở nên gắt gao hơn. Vì vậy, thực hành quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP là thật sự cần thiết nhằm giải quyết những khó khăn và thách thức mà nghề nuôi tôm nước lợ còn gặp phải; từng bước tạo nên một thương hiệu riêng cho con tôm nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam nói chung.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 140
  • Hôm nay: 7839
  • Trong tuần: 89,379
  • Tất cả: 11,533,935