Lượt xem: 1528

Tiềm năng phát triển mô hình nuôi cá chốt nghệ sử dụng thức ăn nhân tạo

Từ diện tích 70.000 hecta được quy hoạch vào năm 2011, đến cuối năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản tại Sóc Trăng đã phát triển lên 76.270 hecta. Với mục tiêu đa dạng đối tượng nuôi để gia tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất, bên cạnh con tôm nước lợ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản khác cho lợi nhuận kinh tế ổn định. Gần đây nhất là mô hình nuôi cá chốt nghệ sử dụng thức ăn nhân tạo được triển khai thực nghiệm tại huyện Cù Lao Dung.

 


Tham quan mô hình nuôi cá chốt nghệ của ông Cao Văn Minh ấp An Thường, xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung.

 

    Với tiềm năng đa dạng về vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn hướng tới nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi trồng thủy sản. Có hơn 75.000 hecta diện tích nuôi trồng thủy sản, nghề nuôi tôm nước lợ chiếm ưu thế hơn với diện tích hằng năm luôn duy trì hơn 50.000 hecta. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi theo hình thức chuyên canh, thâm canh trong nhiều năm liền đã dẫn đến việc suy thoái nguồn đất, nguồn nước, con tôm nước lợ vì thế thường xuyên đối mặt với những rủi ro về dịch bệnh, gây thất thu đến lợi nhuận kinh tế của hộ nuôi. Để duy trì ổn định việc sản xuất của người dân, giữ vững sản lượng thủy sản nuôi tại tỉnh thì việc đa dạng đối tượng nuôi là mục tiêu quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh luôn hướng đến.

    Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề ra của ngành thủy sản tỉnh nhà, trong tháng 6 năm 2021, bằng nguồn vốn khuyến nông thường xuyên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện 02 mô hình nuôi cá chốt nghệ sử dụng thức ăn nhân tạo tại xã Anh Thạnh Nhất và xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung. Đồng chí Kiêm Sang – cán bộ k thuật Trạm Khuyến nông huyện Cù Lao Dung cho biết: “Huyện Cù Lao Dung được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 02 mô hình, diện tích mỗi mô hình là 1.000 m2 và thả 40.000 con cá chốt giống. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho bà con theo hình thức 50 - 50, về giống và thức ăn”.

    Gần 03 năm nuôi cá thát lát cườm, đến đầu năm nay, do giá bán và năng suất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cung vượt cầu nên việc chuyển đổi sang đối tượng thủy sản khác được gia đình ông Cao Văn Minh ở ấp An Thường, xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung thực hiện. Đến tháng 6, gia đình ông là một trong hai hộ đạt đủ các điều kiện được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ mô hình nuôi cá chốt nghệ. Sau 4 tháng tiến hành thả nuôi, cá sinh trưởng, phát triển tốt, dịch bệnh không xảy ra nên tỷ lệ hao hụt không đáng kể. So với cá thát lát cườm, cá chốt nghệ cho thời gian thu hoạch sớm hơn gần 03 tháng, nhờ vậy, người nuôi giảm đáng kể chi phí đầu tư sản xuất cho cả vụ nuôi. Ông Minh chia sẻ thêm: “Tôi nuôi cá chốt nghệ được 04 tháng, dự kiến thêm 1 tháng nữa khi cá đạt khoảng 40 con/1 kg sẽ tiến hành thu hoạch. Thời gian nuôi ngắn hơn cá thát lát nhiều, cá thát lát chừng 8 hoặc 10 tháng mới có thể thu hoạch, còn cá chốt nghệ nuôi tốt là khoảng 5 hoặc 6 tháng là có thể xuất bán”.

    Theo hộ nuôi, cách chăm sóc cá chốt nghệ cũng đơn giản và đỡ tốn công hơn so với các loại cá khác. Chỉ cần cho ăn đủ bữa, thực hiện thay nước, cấp nước thường xuyên để đảm bảo môi trường nước sạch sẽ, giúp cá có khả năng sinh trưởng tốt hơn, hạn chế phát sinh dịch bệnh xảy ra trong suốt quá trình nuôi. Do cá chốt nghệ có thể phát triển nuôi ở vùng có độ mặn từ 15‰ đến ngọt nên bà con có nhu cầu thực hiện mô hình có thể tận dụng lại ao nuôi tôm sau khi đã kết thúc vụ nuôi để thực hiện nuôi luân canh cá. Giá cá chốt nghệ thương phẩm hiện nay từ 80.000 - 120.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ. Thông thường, cá đạt kích cỡ lớn từ 20 - 25 con/kg sẽ bán được giá cao hơn. Bà Nguyễn Thị Bình, cùng ngụ ấp An Thường, xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung cho biết thêm: “Sáng 7 giờ 30 bắt đầu cho cá ăn, buổi chiều thì khoảng 5 giờ, một tháng thay nước 2 lần để đảm bảo nguồn nước sạch, giúp cá sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Dù mới nuôi năm đầu tiên nhưng thấy bước đầu rất hiệu quả, dự kiến thu hoạch xong đợt này gia đình sẽ cải tạo ao để thả nuôi số lượng lớn hơn”.

    Hiện nay, khi việc đánh bắt thủy sản từ biển gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, sản lượng khai thác ngày càng giảm thì việc bù đắp sản lượng thủy sản để đáp ứng theo nhu cầu thị trường bằng sản phẩm nuôi trồng như con cá nước lợ là rất cần thiết, không chỉ đối với con cá chốt nghệ. Chính vì lẽ đó, liên kết để nắm bắt những gì thị trường cần vẫn là vấn đề được đặt ra hàng đầu. Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên – Phó Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Phát triển nuôi cá chốt nghệ quan trọng nhất vẫn là vấn đề thị trường. Bà con không nên phát triển một cách ồ ạt để tránh tình trạng cung vượt cầu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh tế. Tốt nhất là nên chủ động trong khâu liên kết sản xuất, từ đầu vào cho đến đầu ra. Khi hình thành được chuỗi liên kết như vậy, chúng ta sẽ có thể nắm bắt rõ nhu cầu thị trường, giải quyết tốt vấn đề đầu ra. Có như vậy thì việc đa dạng trong sản xuất mới thật sự phát huy được hiệu quả và nghề nuôi cá chốt nghệ cũng có thể duy trì bền vững hơn đối với nhiều đối tượng cá khác”.

    Tại Sóc Trăng, con tôm sú và tôm thẻ chân trắng đã khẳng định tính hiệu quả, nhưng độ rủi ro vẫn còn cao. Vì vậy, việc đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản cho vùng mặn, lợ là hướng đi phù hợp, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế thổ nhưỡng của từng địa phương khác nhau. Qua đó giúp người nuôi gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế và phục vụ cho mục tiêu phát triển thủy sản của tỉnh một cách bền vững hơn trong tương lai.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 798
  • Trong tuần: 84,204
  • Tất cả: 11,539,997