Lượt xem: 5441

Câu chuyện về bánh phồng tôm trên 60 năm ở Lạc Hòa

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, bên cạnh các món đặc sản địa phương như hành tím, tỏi, xá bấu, thì người dân Vĩnh Châu cũng chọn bánh phồng tôm làm món quà gửi tặng người thân, bạn bè và các đối tác, các bạn hàng mua bán, làm ăn. Từ lâu, việc hiếu hỷ bằng các sản vật địa phương, đã trở thành nét văn hóa truyền thống ở nhiều vùng miền. Đây không chỉ là sự thể hiện tấm lòng quý trọng trong các mối quan hệ giữa người với người, mà còn là sự hãnh diện và tự hào đối với các sản phẩm đặc trưng của quê hương.

    Bánh phồng tôm của xã Lạc Hòa (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) là sản phẩm có từ rất lâu. Không biết bắt đầu từ năm nào, nhưng theo lời kể của người dân địa phương, thì bánh phồng tôm có thể đã có ở xã Lạc Hòa khoảng gần 70 năm. Nghề làm bánh phồng tôm tập trung nhiều ở ấp Lền Buối, xã Lạc Hòa. Theo lời một người cao tuổi ở địa phương cho biết: Xưa kia, gần như cả làng đều biết làm bánh này. Cứ mỗi dịp gần Tết Nguyên đán, các nhà trong xóm ấp đều rộn ràng chuẩn bị làm bánh phồng tôm, vừa để làm quà cho người thân và cũng là chuẩn bị một món ăn truyền thống cho gia đình trong những ngày Tết để thiết đãi anh em, bạn bè, chòm xóm... Cứ như thế, bánh phồng tôm gần như trở thành hương vị không thể thiếu trong những ngày Tết của người dân nơi đây. Nhưng theo thời gian, nghề làm bánh phồng tôm ở đây dần mai một, vì chẳng còn nhiều người mặn mà với nghề và cũng bởi, để làm ra được những chiếc bánh phồng tôm thơm ngon, đúng vị thì đòi hỏi rất nhiều công sức và sự chỉn chu của người làm bánh.


Bánh phồng tôm được đem phơi dưới trời nắng tốt.

 

    Hiện nay, trên địa bàn xã Lạc Hòa chỉ còn khoảng 20 hộ sản xuất bánh phồng tôm và còn 3 hộ ở ấp Lền Buối vẫn giữ được phương pháp sản xuất bánh 100% thủ công truyền thống. Đây cũng là điểm đặc biệt giúp cho hương vị của bánh phồng tôm Lạc Hòa giữ được danh tiếng từ nhiều thập kỷ qua. Khác hẳn với các sản phẩm khác trên thị trường, bánh phồng tôm Lạc Hòa có độ mỏng vừa đủ, khi chiên phồng đều và màu sắc tươi sáng, mùi thơm hấp dẫn, cảm vị nhẹ nhàng nhưng tinh tế. Khi cắn miếng đầu tiên, lập tức thực khách sẽ bị lôi cuốn bởi độ giòn tan, xốp mềm và thấm đượm vị ngọt tự nhiên của tôm, hòa cùng hương thơm nồng ấm của hạt tiêu xay nhuyễn. Có 2 cách để chế biến bánh phồng tôm Lạc Hòa, đó là chiên hoặc nướng, mỗi cách đều có vị ngon riêng, tùy theo sở thích của người dùng.

    Gia đình bà Lý Hán Kiêu (62 tuổi), ở ấp Lền Buối, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu có nghề làm bánh phồng tôm từ rất lâu. Bà kể, nghề này của gia đình bà đã có trên 60 năm, từ xưa bà nội của bà đã làm lúc còn trẻ, sau này truyền lại cho con, cho cháu. Đến nay, bà Lý Hán Kiêu đã làm món bánh phồng tôm truyền thống này được trên 40 năm. Theo chia sẻ của bà Kiêu, nghề làm bánh phồng tôm truyền thống bằng thủ công rất vất vả, đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến sơ chế, chế biến ra sản phẩm đều phải đảm bảo tươi ngon, an toàn, giữ được trọn vẹn hương vị truyền thống từ xưa đến nay.


Những hộp bánh phồng tôm Lạc Hòa thành phẩm là món quà ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè vào dịp Tết, nhất là với những người xa quê.

 

    Bà Lý Hán Kiêu - ấp Lền Buối, xã Lạc Hòa cho biết: Làm bánh phồng tôm bằng thủ công thì cực nhưng mà rất là vui, vì sản phẩm của mình được khách hàng thích nên gia đình cố gắng làm. Trong khâu chế biến thì chú trọng tép tươi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch sẽ, để đem đến những sản phẩm chất lượng. Nghề này cũng làm cho gia đình vui, vì giữ được cái nghề truyền thống của gia đình và mang đến cho khách hàng cái hương vị của quê hương mình, đặc biệt trong những ngày Tết Nguyên đán.

    Không chỉ có sự tỉ mỉ, cần cù, mà để làm ra những chiếc bánh phồng tôm thơm ngon nức mũi, trên tất cả, đó chính là lòng yêu nghề. Những chiếc bánh làm ra tuy nhỏ bé, nhưng đó là tâm huyết của người thợ bánh, đã dùng tâm tư của mình để chăm chút cho những chiếc bánh ngon đến với người sử dụng. Giúp cho khách hàng có được những món quà tặng ý nghĩa gửi đến những người thân yêu, mang hương vị quê nhà ấm đượm trong từng miếng bánh.

    Bà Thái Thị Mí - ấp Lền Buối, xã Lạc Hòa, năm nay đã 78 tuổi và bà đã có trên 40 năm làm bánh phồng tôm. Bà cho biết, sau khi về làm dâu, bà đã được mẹ chồng truyền lại nghề này và gắn bó cho đến tận hôm nay. Hiện tại, bà Mí vẫn duy trì nghề làm bánh phồng tôm bằng thủ công cùng với người con trai út và con dâu của bà. Bà Mí chia sẻ: Mỗi năm vào dịp gần Tết Nguyên đán là cao điểm làm bánh phồng tôm. Tuy nhiên, do làm thủ công và nhân lực hạn chế nên mùa Tết gia đình bà chỉ có thể sản xuất được khoảng hơn 200kg bánh để gửi cho các khách hàng là mối quen ở địa phương, ở các tỉnh, thành phố khác và gửi cho người thân làm quà tặng đi các nước: Mỹ, Đức, Pháp.

    Để sản xuất được những chiếc bánh phồng tôm thì không hề đơn giản, phải trải qua rất nhiều khâu hoàn toàn bằng thủ công, như tôm nguyên liệu phải chọn các loại tép tự nhiên (như tép bạc, tép đất), lột vỏ, bỏ hết các chỉ đen trên lưng, rửa thật sạch, sau đó là xay bằng cối đá, nhồi cùng với gia vị và cán bánh. Đây cũng là khâu quan trọng, đòi hỏi sự khéo léo của người làm bánh, độ dày mỏng của bánh cũng quyết định phần nhiều đến độ ngon của bánh. Đến khâu luộc bánh và phơi bánh, cắt bánh... cũng mất rất nhiều công sức.


Bà Lý Hán Kiêu xếp bánh để gửi đi cho khách hàng.

 

    Khó khăn, vất vả là thế, nhưng nghĩ đến việc nếu như sau này nghề làm bánh phồng tôm thủ công truyền thống của địa phương và gia đình dần không có người nối tiếp, thì những người thợ làm bánh thủ công như bà Kiêu, bà Mí lại không đành lòng, vẫn tiếp tục bám trụ với nghề như một cái duyên. Chính lòng yêu nghề đã thôi thúc, cho họ quyết tâm để gắn bó với nghề như là cách để tuổi già được sống vui, tinh thần lạc quan, phấn khởi.

    Bà Thái Thị Mí chia sẻ: Hồi xưa thì gia đình chỉ làm ít thôi, bây giờ càng làm thì người quen cứ gọi đặt hàng mỗi người, dịp Tết Nguyên đán thì gia đình mới làm nhiều hơn ngày thường một chút. Giờ già rồi nên làm cũng mệt lắm, nhưng bà cũng cố gắng làm cùng con cháu, giữ gìn được nghề truyền thống này bà thấy rất vui, bởi vì bà đã làm mấy chục năm rồi, cũng gắn bó, yêu nghề nên bà làm tới nay. Làm ra sản phẩm mà được khách hàng yêu thích thì gia đình cũng mừng, đây cũng là động lực giúp bà gìn giữ được nghề truyền thống này của gia đình.

    Những ngày Xuân về, trên mâm cơm ngày Tết của các gia đình ở xứ biển Vĩnh Châu, thường có các món ăn truyền thống như bánh tét, thịt kho tàu, bên cạnh đó sẽ có thêm dĩa bánh phồng tôm ăn kèm dưa kiệu, xá bấu chua ngọt, hoặc dưa củ cải trắng. Trong bữa cơm của những ngày Tết, các thành viên trong gia đình cùng với anh em, bạn bè, đồng nghiệp, xóm giềng... cùng sum họp bên nhau. Những tiếng nói, tiếng cười, những câu chúc, lời hỏi thăm nhau rôm rả, hòa cùng những tiếng giòn tan của món bánh phồng tôm Lạc Hòa, càng làm cho các thành viên thêm gắn kết, bữa cơm đoàn viên ngày Xuân thêm ấm cúng, đậm đà hương vị của quê hương.

Quỳnh Liên



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 105
  • Hôm nay: 4380
  • Trong tuần: 84,007
  • Tất cả: 11,516,806