Lượt xem: 89018

Vài nét về lễ, tết của người Khmer Nam bộ

    * Tết năm mới Chôl Chnăm Thmây

    Tết Năm mới chính là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer. Chất nông nghiệp thấm đẫm trong niềm tin Phật giáo và Bà-la-môn giáo. Đây không chỉ là lễ hội để đoàn kết cộng đồng mà còn là dịp để con người cộng cảm với thiên nhiên (qua nghi thức cầu mưa); không chỉ là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn là dịp để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng.


Đắp núi cát là một nghi thức quan trọng của Tết năm mới Chôl Chnăm Thmây. Ảnh soctrang.dcs.vn

 

    Nếu như tiết Thanh minh là dịp người Việt và Hoa hướng về quá khứ để tưởng nhớ tổ tiên và thân nhân đã khuất, chăm sóc, sửa sang mồ mả thì đồng bào Khmer tổ chức Tết Năm mới với tâm thức vừa hướng về quá khứ vừa hướng tới tương lai. Trong khi người Việt và Hoa ăn Tết năm mới vào lúc kết thúc vụ mùa thì đồng bào Khmer lại ăn Tết năm mới vào lúc chuẩn bị khởi đầu vụ mùa. Điều này thể hiện cá tính chất phác mà phóng khoáng, lạc quan cao độ, sẵn sàng vượt qua khó khăn, luôn hướng tới tương lai của đồng bào Khmer. Tết năm mới Chôl Chnăm Thmây, tết này vào tháng 4 theo Dương lịch là một trong những lễ tết mang đậm màu sắc văn hóa điển hình của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cũng là của các cư dân nông nghiệp trồng lúa điển hình ở Đông Nam Á, trong đó đồng bào Khmer Nam bộ có một hệ thống lễ hội gắn chặt với vòng đời cây lúa. Đặc biệt, các lễ tục sinh hoạt lớn của cộng đồng luôn diễn ra vào lúc nông nhàn.

    Tết năm mới của đồng bào Khmer được xác định theo lịch Khmer, diễn ra vào trung tuần tháng 4 Dương lịch. Đây là tháng thứ 5 theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm. Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa mùa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt, chăn nuôi đều tạm dừng lại để chờ những cơn mưa đầu mùa.

    Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm nên ngày xưa Tết năm mới của đồng bào Khmer kéo dài từ 10 - 15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó). Ngày thứ nhất: Đầu buổi sáng hoặc cuối buổi chiều, mọi người dân Khmer đều nô nức tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp để tới chùa thỉnh lịch Maha Sangkrang (Đại lịch) để dùng trong suốt một năm. Khi tới chùa, họ tổ chức đi vòng quanh bên ngoài chính điện 3 vòng rồi mới bước vào chính điện lễ Phật. Ngày thứ hai: Sáng và trưa người dân làm lễ dâng cơm cho các sư, đến chiều họ tiến hành nghi thức đắp núi cát. Đắp núi cát là một nghi thức quan trọng của Tết năm mới, được tiến hành ở 8 hướng xung quanh ngôi chính điện của chùa. Việc đắp núi cát này có rất nhiều ý nghĩa mang tính nhân văn sâu sắc. Theo Phật giáo Nam tông Khmer thì núi cát này còn tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng trời thứ 3, là nơi cất giữ mớ tóc mà Đức Phật Thích Ca đã cắt bỏ để đi tu. Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật (mộc dục) và tắm sư. Đây cũng chính là nghi thức thể hiện lòng tôn kính Đức Phật và các vị sư, đồng thời cũng là nghi thức gắn chặt với việc cầu mưa để bắt đầu vụ mùa mới. Cùng thời điểm này, ở Thái Lan, Lào và Myanmar có hội té nước đầu năm cũng chính nằm trong ý nghĩa chào đón năm mới và cầu mưa.

    Ngoài dấu ấn Phật giáo đậm nét ra, Tết năm mới của đồng bào Khmer còn cho thấy tàn dư của đạo Bà-la-môn qua việc người dân rất chú trọng cúng dường chư thiên bằng nhiều món hoa quả khác nhau theo từng ngày trong 3 ngày Tết này. Đây cũng là dịp đồng bào tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.

    Do thấm đẫm triết lý vô thường của Phật giáo nên Tết năm mới chính là dịp thuận tiện nhất để đồng bào Khmer “làm phước”. Do đó phần lớn các lễ hội Khmer đều được gọi là “Bund”, nghĩa là “đám phước” theo tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo. Chính điều này làm nên vẻ đẹp tâm hồn cao quý và tính cách an nhiên, hiếu hòa rất đáng trân trọng của đồng bào Khmer Nam bộ.

    * Lễ cúng ông bà Sene Dolta

    Cũng mang nét đẹp đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào Khmer có lễ Đôl ta là lễ cúng ông bà tổ tiên, cũng là một trong những lễ lớn trong năm diễn ra trong 3 ngày, từ 29/8 đến 01/9 Âm lịch. Theo phong tục của đồng bào Khmer Nam bộ, hàng năm cứ vào ngày 29 tháng 8 đến ngày mùng 01 tháng 9 âm lịch, bà con lại nô nức tổ chức lễ Sene Dolta hay gọi là Lễ cúng ông bà nhằm tưởng nhớ đến công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được bình an, thịnh vượng.


Các vị chư tăng tụng kinh cầu siêu cho những người đã khuất theo nghi lễ truyền thống Sene Dolta . Nguồn baosoctrang.org.vn

 

    Về nguồn gốc lễ Sene Dolta, có 02 truyền thuyết được đề cập từ lâu đời: Truyền thuyết thứ nhất, phần đông người Khmer ở Nam bộ thường sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa nước. Vào vụ trồng lúa bắt đầu từ tháng 4 và đến đầu tháng 8 âm lịch là nhổ mạ cấy lúa, thời gian này cũng là vào mùa mưa, nước lũ dâng lên. Khi đã cấy lúa xong, bà con thường chống xuồng chèo ghe đi thăm hỏi ông bà, cha mẹ già yếu, có khi đi vài ngày mới tới. Vì vậy, họ luôn chuẩn bị cẩn thận lương thực, thực phẩm mang theo dùng và phần quà bánh biếu cho ông bà, cha mẹ đều được chuẩn bị rất cẩn thận.

    Khi đến nơi ở của ông bà, cha mẹ, có người thì vui mừng sum họp, có người thì đau buồn chia ly vì có khi đến nơi thì một trong những người thân có người đã mất vì tuổi già sức yếu hay bệnh tật mà do phận làm con ở xa, đường xá cách trở, lo bận mưu sinh, không thường xuyên đến thăm hỏi nên không hay biết… Dần dần những người cùng đi, họ hẹn gặp nhau ở một chỗ nào đó để làm lễ nhớ ơn ông bà, cha mẹ và chia buồn với người cùng cảnh ngộ.

    Truyền thuyết thứ hai: Lễ Sene Dolta được bắt nguồn từ sự tích kinh điển Phật giáo, kể rằng vào một đêm khuya, Vua Ping-pis-sara bỗng nghe tiếng gào thét, khóc lóc thảm thiết, van xin: Hãy cho chúng tôi ăn, cho chúng tôi uống với, vì chúng tôi đang đói lắm… Sau đó nhà vua triệu tập các nhà tiên tri đến hỏi, tìm ra nguyên nhân “đây là các ma quỷ chết oan, chết ức, không cha mẹ, không nhà cửa anh em, nay họ đến xin ăn, uống”.

    Nhà vua tìm đến chùa thỉnh ý của Phật Thích Ca, bảo rằng: Đó là những đầu bếp (do gian lận ăn cắp cơm gạo, thức ăn trong các lễ cúng dường ở thời Quốc Vương Mahinta - cách nay đã 92 kiếp) khi chết đi thành quỷ ở cõi âm và bị phạt phải nhịn ăn, nhịn uống đến nay là 92 kiếp - nay biết Ngài (tức Vua Ping-pis-sara) là chủ của họ hồi tiền kiếp, nên họ mới đến đòi ăn. Theo lời dạy của Phật, nhà vua cúng dường, dâng cơm cho các tu sĩ, nhờ ân đức và lời kinh của các vị này truyền phước đến cho bọn quỷ.

    Từ đó về sau, mỗi năm cứ đến mùa là nhà vua lại cho thỉnh mời chư tăng đến để làm lễ hồi hướng cho ma quỷ và những người đã quá cố. Từ sự tích trong kinh điển Phật giáo trên, nên người dân tộc Khmer Nam bộ tổ chức Lễ Sene Dolta hằng năm thành phong tục, gắn với nghi thức tôn giáo, nhờ sư sãi tụng kinh cầu phước cho ông bà, cha mẹ, họ tộc quá cố được mau chóng đầu thai kiếp khác sung sướng hơn.

    Sau này, khi có sự xuất hiện của các ngôi chùa Phật giáo, thì bà con tụ hội về chùa để làm lễ cúng ông bà và quy định với nhau rằng làm lễ Sene Dolta bắt đầu từ ngày 16 đến cuối tháng 8 âm lịch hàng năm, với 04 nghi lễ chính tại chùa và tại mỗi nhà người dân Khmer, gồm: Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh), lễ cúng ông bà (Banh Sen Dolta), lễ hội (Banh phchum banh) và lễ tiễn ông bà (Banh chuônh Dolta).

    Ngày nay, lễ Sene Đolta được người Khmer tổ chức với thời gian ngắn hơn, trong ba ngày chính:

    Ngày thứ nhất (ngày cúng tiếp đón): Mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa khang trang, lau chùi bàn thờ tổ tiên sạch sẽ. Sau đó, dọn mâm cơm, bánh trái, rượu trà… và mời các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, đèn, khấn vái mời linh hồn ông bà và người quá cố về dự ăn uống cùng con cháu. Đến chiều, mọi người ăn mặc tươm tất, tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngoài ra, các vị achar lấy những nắm cơm vắt đựng trên mâm cúng tam bảo, mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho linh hồn những người quá cố, rồi đem ra ngoài để chung quanh chính điện cúng cho những vong hồn cô đơn, không có con cháu.

    Ngày thứ hai (ngày cúng chính): Vào buổi trưa, bà con người Khmer chuẩn bị mâm cơm cùng bánh, trái… mang vào chùa để tổ chức cúng chính (cúng tập thể), sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho tất cả các linh hồn ông bà của tất cả mọi nhà trong phum, sóc, bà con Phật tử trong phum sóc cùng ăn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.

    Ngày thứ ba (ngày cúng tiễn): Mỗi nhà, bà con chuẩn bị một mâm cơm, họ mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Riêng phần chuẩn bị cho ông bà, người thân quá cố, bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn thêm cờ phướn, 02 hình nộm (tượng trưng cho tổ tiên) và các thức cúng mọi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã… rồi người nhà thắp nhang, đèn mang thuyền thả dưới dòng sông, kênh rạch gần nhà để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.

    Lễ Sene Dolta của bà con Khmer Nam bộ là một trong những nghi lễ mang ý nghĩa rất lớn về lòng hiếu kính, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ những người quá cố đối với con cháu. Ngoài ra, Lễ này vừa thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn với ngôi chùa Khmer Nam bộ.

    * Lễ hội Óoc-om-bok

    Lễ hội Óoc-om-bok hay còn gọi là Lễ cúng trăng, được tổ chức định kỳ đúng vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch hằng năm.

    Về ngữ nghĩa trong tiếng Khmer, Óoc-om-bok có nghĩa là Lễ hội đút cốm dẹp. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, Mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Nhằm ghi nhớ và tạ ơn vị thần này, ngoài tham gia cúng trong cộng đồng tại phum sóc, tại chùa, hầu hết các gia đình Khmer ở Nam bộ thường tổ chức cúng trăng tại nhà theo nghi thức khá đơn giản. Để chuẩn bị cho Lễ cúng trăng, tại khuôn viên nhà, nơi không có bóng cây che khuất mặt trăng, gia chủ xây dựng một cái cổng, hai trụ làm bằng tre hoặc trúc được trang trí hoa lá, trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.


Đua ghe ngo là một trong những hoạt động nhân Lễ hội Óoc-om-bok hằng năm. Nguồn baosoctrang.org.vn

 

    Dưới cổng đặt một cái bàn gồm các sản vật như chuối, dừa, khoai, cốm dẹp… Sản vật cúng trăng tùy theo khả năng của mỗi gia đình nhưng không thể thiếu cốm dẹp. Khi trăng lên cao tỏa sáng, các thành viên trong gia đình tập trung làm lễ, gia chủ bắt đầu thắp nhang, nến, rót trà khấn vái nói lên lòng biết ơn của họ đối với vị thần Mặt trăng, cầu cho mưa thuận gió hòa, phum sóc bình yên, mọi người khỏe mạnh… Cúng xong gia chủ lấy cốm dẹp đút cho con cháu, tay còn lại đấm nhẹ vào lưng con cháu và hỏi những ước nguyện của con cháu họ…

    Hằng năm, lễ hội Óoc-om-bok được tổ chức với quy mô lớn, gồm nhiều họat động vui chơi, giải trí vừa mang tính dân gian vừa mang tính hiện đại. Từ đó, ngày càng thu hút nhiều du khách đến từ các tỉnh, thành trong khu vực; trong đó, có một bộ phận kiều bào hàng năm về thăm quê vào dịp lễ hội.

    Nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh về đất nước, con người Khmer Nam bộ với bạn bè gần xa nhân lễ hội Óoc-om-bok, tỉnh Sóc Trăng tổ chức giải đua Ghe Ngo hằng năm cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa như biểu diễn nghệ thuật Rô băm, Dù kê, trình diễn trang phục Khmer, thả hoa đăng… Ngoài ra, các tỉnh có đông đồng bào Khmer còn tổ chức Hội chợ Công thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút các doanh nghiệp đến từ các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung Tây Nguyên tham dự nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm như lương thực, thực phẩm, may mặc, máy móc nông nghiệp… cùng những sản phẩm do chính bàn tay, khối óc đồng bào Khmer tạo ra.

    Ngoài ba lễ, tết chính nêu trên, trong quá trình giao lưu và tiếp nhận giao thoa văn hóa, người Khmer Nam bộ cũng ăn tết của người Kinh và Hoa như Tết Nguyên Đán, Trung Thu…

    Tuy nhiên, những lễ, tết chính của người Khmer Nam bộ vẫn luôn được bảo tồn và phát triển trong quá trình hội nhập hiện nay; đồng thời, vẫn luôn giữ được sắc thái truyền thống mà bao đời người Khmer đã tạo dựng.

Anh Võ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 84
  • Hôm nay: 2902
  • Trong tuần: 83,947
  • Tất cả: 11,458,695