Lượt xem: 731

Thành phố Sóc Trăng tập trung các nguồn lực phát triển du lịch

Đặt mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Sóc Trăng đã chủ động triển khai các cơ chế, chính sách và tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

 


Lễ hội Đua ghe Ngo của đồng bào Khmer thu hút đông đảo du khách đến xem và cổ vũ.

 

    Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, Thành ủy, UBND thành phố Sóc Trăng đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch cụ thể, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển du lịch, về giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị trong cộng đồng dân cư; quảng bá giới thiệu văn hóa các dân tộc và sản phẩm du lịch; phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người dân hiểu biết và nâng cao ý thức cùng tham gia phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

    Qua thống kê, thành phố Sóc Trăng có 23 ngôi chùa dân tộc Kinh, 11 ngôi chùa dân tộc Hoa và 07 ngôi chùa dân tộc Khmer mang nhiều nét văn hóa đặc sắc. Thành phố đã chỉ đạo thực hiện công tác nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng, biên tập lại các cốt truyện, truyền thuyết lịch sử đối với các điểm chùa, các khu di tích, kết hợp tổ chức tham quan du lịch với giới thiệu truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc; góp phần thu hút khách tham quan, nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc, đặc trưng tôn giáo, văn hóa tâm linh trên địa bàn.

    Công tác bảo tồn, phát huy và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, quy mô các lễ hội dần được nâng lên. Hằng năm, thành phố tổ chức nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, hội chợ, triển lãm với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhân dịp lễ, Tết Nguyên đán; đặc biệt, phối hợp cấp tỉnh tổ chức Lễ hội ẩm thực, Lễ hội bánh dân gian Nam bộ thu hút đông đảo lượng khách đến tham gia, tham quan trong thời điểm ngành du lịch của tỉnh và thành phố phục hồi sau COVID-19.

    Công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư phát triển các điểm, khu du lịch, các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tập trung chỉ đạo. Hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố cũng khá phát triển, vừa phục vụ nhu cầu mua sắm vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan. Hiện trên địa bàn thành phố có 03 siêu thị hạng I (Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sóc Trăng, Siêu thị Co.op mart, Ánh Quang Plaza) và nhiều siêu thị chuyên doanh hạng II, hạng III. Trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố đã từng bước sắp xếp để hướng các chợ trên địa bàn đi vào hoạt động ổn định, có nề nếp. Tính đến nay, toàn thành phố có 13 chợ hoạt động ban ngày và 02 chợ đêm với gần 3.500 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động.

    Đặc biệt, trong giai đoạn từ khi có Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 18/4/2017 của Thành ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, nhiều điểm tham quan du lịch được đầu tư xây dựng và sửa chữa, trang trí đẹp mắt, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, tiêu biểu như: Chùa Quan âm linh ứng (Phường 8), chùa Somrong (Phường 5), Thiền viện Trúc Lâm (Phường 2), chùa Pem Puôl Thmây (Phường 4),... có số lượng khách tham quan hàng năm đạt trên 150.000 người.

    Những con số trên cho thấy, du lịch thành phố có phát triển nhiều nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đặc biệt, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2021, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch trên địa bàn, lượng khách du lịch giảm, chưa đạt theo mục tiêu đã đề ra. Trình độ kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác du lịch còn hạn chế, chưa được tập huấn chuyên môn sâu, chỉ được tập huấn ngắn hạn, không đủ điều kiện cấp chứng chỉ hướng dẫn viên tại điểm du lịch, chủ yếu chỉ trưng dụng một số cộng tác viên tại các điểm du lịch hoặc các ban, ngành, đoàn thể khi có yêu cầu. Các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa tạo được điểm thu hút khách về đêm, các dịch vụ phục vụ khách tham quan mua sắm chưa thật sự tạo nét riêng biệt. Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, chưa có điểm nhấn; thiếu tính liên kết các tour, tuyến để thu hút khách tham quan.


Chùa Pem puôl thmây (Phường 4) thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

 

    Do đó, trong thời gian tới, thành phố Sóc Trăng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử, điểm tham quan du lịch; gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch. Có chính sách thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các điểm, khu du lịch, các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, chấn chỉnh tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, mất an ninh trật tự, vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm tình trạng chèo kéo du khách ở các điểm du lịch. Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dịch vụ du lịch thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật nhà nước về điều kiện kinh doanh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, nhằm góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh và phát triển bền vững.

Lê Vũ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 1610
  • Trong tuần: 85,016
  • Tất cả: 11,540,809