Lượt xem: 1012

Phát triển nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam bộ trong xu thế giao lưu hội nhập toàn cầu

Sân khấu Dù kê là loại hình nghệ thuật đặc sắc và độc đáo của riêng đồng bào Khmer Nam bộ. Xuất hiện từ những thập niên đầu của thế kỷ XX tại tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, trên cơ sở tiếp biến nghệ thuật sân khấu truyền thống Rô băm cùng loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ của người Kinh và Hý kịch của người Hoa, Dù kê Nam bộ nhanh chóng trở thành hiện tượng nghệ thuật độc đáo, thu hút sự quan tâm không những của cộng đồng Khmer Nam bộ mà cả người dân nước bạn Campuchia.

    Trãi qua trên dưới 100 năm tồn tại và phát triển, có thời điểm, các đoàn Dù kê có mặt ở khắp địa bàn có cộng đồng Khmer cư trú. Các dịp lễ, tết, ngày hội của đồng bào dân tộc Khmer luôn luôn có sự hiện diện và biểu diễn của các đoàn nghệ thuật Dù kê tỉnh, huyện, xã, đoàn của tư nhân. Từ đó, khẳng định, Dù kê có giá trị tinh thần vô cùng quý giá đối với đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ, đóng góp vào di sản hết sức quan trọng của các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.


Bảo tồn, giới thiệu nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ. 

    Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân kinh tế đời sống, các loại hình nghệ thuật và phương thức giải trí khác phát triển, nên những năm gần đây, các đoàn nghệ thuật Dù kê dần dần tan rã, đa số mỗi tỉnh chỉ còn 1 đến 2 đoàn hoạt động. Số vở diễn cũng không được nhiều. Tình hình này tương tự như đối với sân khấu cải lương Nam bộ hay hát bộ Hồ Quảng.

    Với quan điểm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện và gần nhất là Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 10-01-2018, về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Chỉ thị đã nhấn mạnh đến vấn đề “Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng Khmer trong các chương trình phát thanh, truyền hình; quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer; duy trì, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống”.

    Trong xu thế giao lưu hội nhập toàn cầu, gắn với hoạt động du lịch của tỉnh, cần nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giới thiệu nghệ thuật sân khấu độc đáo này của đồng bào Khmer Nam bộ đến với du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật Dù kê tham gia các hội diễn trong nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, xin trao đổi một số giải pháp dưới đây:

    1. Nhà nước, trước mắt là UBND cấp tỉnh, qua đề xuất tham mưu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp tục có thêm một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, diễn viên, người lao động thuộc Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh và các đoàn Dù kê tư nhân trong tỉnh hiện còn hoạt động; đồng thời tạo điều kiện quy tụ các diễn viên chuyên và không chuyên của các đoàn Dù kê trong tỉnh đã tan rã, về bàn kế hoạch khôi phục các đoàn phù hợp đáp ứng tốt với điều kiện hiện nay và sắp tới.

    2. Quan tâm đến công tác bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các soạn giả có thể nghiên cứu, sáng tác các vở kịch mới mang màu sắc hiện đại xen lẫn với các tuồng tích cũ còn giá trị trong giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, lối sống... Hiện nay, các tuồng tích xưa còn khá nhiều nhưng tuồng, kịch bản mới đương đại được sáng tác chưa kịp thời, chưa có điều kiện để phổ biến, biểu diễn phục vụ, phù hợp với thị hiếu của đông đảo khán giả Khmer Nam bộ.

    3. Quan tâm công tác dàn dựng, cải tiến kịch bản, bài trí sân khấu, màu sắc, trang phục, đạo cụ, âm nhạc... đi dôi với nâng cao chất lượng diễn xuất của các diễn viên. Cảnh trí, màu sắc, phông màn, đạo cụ... là những yêu cầu không thể thiếu được để làm nổi bật sân khấu và chủ đề vở diễn. Sân khấu di động với diện tích đủ để biểu diễn, bảo đảm an toàn, dễ tháo ráp, di chuyển cũng góp phần tạo bề thế cho đoàn nghệ thuật đi biểu diễn. Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đã có xe vận chuyển dụng cụ, đưa rước diễn viên nhưng một số đoàn tư nhân trong tỉnh chưa có điều kiện như vậy, nên cần có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước hay các nhà mạnh thường quân

    4. Nên đầu tư để biên soạn giáo trình thống nhất về nghệ thuật sân khấu Dù kê, từ nguồn gốc của loại hình nghệ thuật này đến phong cách dàn dựng kịch bản, biểu diễn của diễn viên, phông màn, trang phục, vũ đạo, nhạc cụ... Nói chung cần có trường hay lớp đào tạo chuyên môn về nghệ thuật sân khấu Dù kê cho học viên, diễn viên, nằm trong hệ thống của trường lớp nghệ thuật sân khấu Việt Nam, có bằng cấp, học vị tương xứng.

    5. Quan trọng nhất là tìm thị trường, tức tìm đất để biểu diễn, vừa có thể quảng bá, phục vụ, vừa để tăng thu nhập, tự chủ trí một phần chi phí cho hoạt động của Đoàn. Đây là thử thách khá lớn đối với các đoàn nghệ thuật Dù kê. Trong xu thế phát triển hiện nay và nhu cầu thưởng thức của du khách, Dù kê chưa phải là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Như đã trình bày ở trên, hý kịch, hát bộ, cải lương Hồ Quảng, cải lương Nam bộ ngày càng ít khán giả và Dù kê cũng gần nằm trong xu thế này.

    Để Dù kê có thể mở rộng thị trường khán giả, có thể nghiên cứu cải tiến hình thức và nội dung của buổi biểu diễn. Trong đó có yêu cầu giới thiệu tóm tắt kịch bản, các vai diễn, nội dung của phần trích đoạn. Ngoài ra, cần nghiên cứu để có thể làm sinh động buổi diễn bằng cách xen lẫn giữa chương trình vở Dù Kê bằng các điệu múa, lời ca tạo sự náo động của sân khấu, gây sự chú ý của người xem. Điều quan tâm là để khán giả người Việt có thể  nghe, hiểu diễn biến vở kịch của Dù kê, có thể cần sự phiên dịch hợp lý, hay diễn phục vụ cho đại đa số người Kinh thì có thể chuyển lời thoại, lời ca sang tiếng Việt, hoặc sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, màn hình để dịch lời thoại tiếng Khmer sang tiếng Việt.

    6. Tạo điều kiện cho các đoàn nghệ thuật sân khấu Dù kê biểu diễn trong nước, tham gia các hội diễn luân phiên 2 năm 1 lần tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Để mở rộng tầm nhìn và trao đổi giao lưu văn hóa nghệ thuật, có thể cử Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh đi biểu diễn ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Tây Nguyên; biểu diễn ở nước bạn Campuchia hoặc các nước khác.

    7. Cần có sự tự thân vận động vươn lên của các cán bộ, diễn viên, người lao động trong từng đoàn nghệ thuật Dù kê trong tỉnh, từ phong cách giao tiếp,  ý thức tổ chức kỷ luật đến tự học tập trao đổi rèn luyện tay nghề; nghệ thuật biểu diễn của từng cá nhân; chống tư tưởng cục bộ, tự mãn, hài lòng với hiện tại, với nghiệp vụ đã có, không chịu đầu tư học tập, học hỏi những người đi trước hoặc qua các nguồn tài liệu phong phú khác. Đoàn phải có phương án khả thi về việc dần dần tự chủ về nguồn thu - chi, trong đó có giải pháp gắn bó với các hoạt động du lịch, có địa điểm thường xuyên biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê xen lẫn chương trình ca múa nhạc Khmer để phục vụ các đoàn khách du lịch đến Sóc Trăng. Kết nối chương trình biểu diễn với kế hoạch tổ chức tham quan của các công ty du lịch trong và ngoài nước khi đến tỉnh Sóc Trăng. Đoàn nghệ thuật có thể biểu diễn tại các chùa hay tại địa điểm thích hợp khác tùy điều kiện của du khách.

    Nghệ thuật sân khấu Dù kê là vốn quý trong di sản văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung, cần được bảo vệ, gìn giữ và phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Một sân khấu nghệ thuật độc đáo này sẽ bị mai một nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng, trước hết là từ chế độ, chính sách của Nhà nước, từ nội dung giáo dục trong các nhà trường phổ thông cho đến các trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các trường có liên quan khác trong cả nước…./.

TS. Trịnh Công Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 1332
  • Trong tuần: 82,936
  • Tất cả: 11,468,388