Lượt xem: 11089

Nguồn gốc lễ hội đua ghe ngo của người Khmer Sóc Trăng

Đua ghe Ngo - một trò chơi thể thao dân tộc Khmer, bao giờ cũng gắn với nghi lễ cúng trăng - đút cốm dẹp (Óoc Om Bóc), bởi khi thu hoạch mùa lúa mới, đồng bào Khmer thường làm lễ cúng tạ ơn các vị thần mặt trăng, thần đất, thần nước đã phù hộ ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nên bà con thu hoạch được mùa. Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, Đua ghe Ngo được người Khmer gọi là Bon Pro-năng Tuk Ngô (Hội đua ghe Ngo) và được tổ chức vào dịp lễ cúng trăng - đút cốm dẹp, nên được gọi chung là Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo, tiếng Khmer gọi là “Pithi Bon Oóc Om Bóc - Pro-năng Tuk Ngô”.

 


Trích Sách “Nam-kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” của Nguyễn Liên Phong

 

    Tìm về nguồn gốc hình thành Lễ hội này, qua các sử liệu cho thấy: Tỉnh Sóc Trăng, ngày xưa có tên gọi là Sróc Ba Sắc - người Việt gọi trại là xứ Ba Thắc. Đua ghe Ngo là một lễ hội của người Khmer được lưu truyền từ nhiều thế kỷ qua, đã trở thành một phong tục của người dân xứ sở này từ năm 1528 và được duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay.

    Khi nói về sự tích của chiếc ghe Ngo, thật ra chiếc ghe này ngày xưa không phải là những chiếc ghe để dành cho cuộc đua như ngày hôm nay, mà là những chiếc ghe được sử dụng làm phương tiện vận chuyển quân chính quy phòng khi có chiến tranh xảy ra của lãnh chúa cai quản vùng xứ sở Ba Sắc ngày xưa.

    Qua nghiên cứu tài liệu của Achar Thạch Pene (tên thường gọi là Pang - vị Achar ngôn ngữ Pali) là người con của quê hương Sóc Trăng với tác phẩm viết vào năm 1948 đạt giải thưởng hạng Nhì toàn quốc Campuchia trong cuộc thi “Tìm hiểu phong tục tập quán của Người Khmer Nam bộ” nói về nguồn gốc đua ghe Ngo có tên gọi là “Phong tục đua ghe Ngo của người dân xứ Ba Sắc – tỉnh Sóc Trăng”, được chọn tái bản trong Tạp chí có tên là “Campuchia Sorya” (Mặt trời Campuchia), số 6 năm thứ 32, tháng 6 năm 1960.

    Theo đó: “Vào năm 2071 Phật lịch (năm 1528 Dương lịch) có một vị Snâth Phu Bal là lãnh chúa cai quản vùng đất xứ sở Ba Sắc - nay là tỉnh Sóc Trăng. Vị lãnh chúa này có sự sắp xếp, tổ chức phòng vệ vùng đất này bằng cách cho thành lập đội quân thủy chiến, chia ra làm 3 đội quân và ra lệnh cho họ phải tổ chức diễn tập hằng năm vào dịp lễ xuất hạ và lễ cúng trăng”. Cũng theo Achar Thạch Pene, 03 đội quân thủy chiến này cũng có tên gọi khác nhau, như:

    - Đội quân thứ nhất gọi quân chính quy, diễn tập bằng chiếc ghe bơi có hình thù giống như chiếc ghe Ngo ngày nay;

    - Đội quân thứ hai gọi là quân yểm trợ, tổ chức diễn tập bằng chiếc ghe chèo có hình thù cũng giống với chiếc ghe Ngo;

    - Đội quân thứ ba gọi là quân Ba Sắc, tổ chức diễn tập bằng chiếc ghe có hình thù lớn hơn và có cánh buồm có mui ngắn người Khmer gọi ghe Ba Sắc tương tự như chiếc ghe chài hiện nay. Đây là chiếc thuyền vận chuyển lương thực, quân nhu phục vụ cho đội quân thủy chiến.

    Việc tổ chức diễn tập cũng được vị lãnh chúa xứ Ba Sắc quy định khá chặt chẽ, trong đó có 02 điều khoản liên quan đến tổ chức lễ hội, như:

    Thứ nhất, đúng vào ngày rằm tháng 8 Âm lịch là dịp lễ xuất hạ của các vị sư, tất cả các vị nhân sĩ Achar và các vị quan lại phải tập trung ở dinh lãnh chúa rồi cùng với Ngài đi đến một số chùa hành lễ theo đúng quy định của Phật giáo Nam tông Khmer;

    Thứ hai, vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch là dịp lễ cúng trăng đút cốm dẹp, các vị quan phụ trách các tiểu vùng phải tập hợp quân lính để diễn tập trong 1 ngày 1 đêm trước sự chứng kiến của vị lãnh chúa và các vị quan thần lúc bây giờ. Riêng đội quân thủy chiến được đem đi diễn tập ở “Peam Konh Thô” (ngày xưa người Việt gọi là Vàm Dầy Tho hoặc Vàm Dù Tho) ở Mỹ Xuyên, Sóc Trăng, vì nơi ấy là vàm lớn có ngã ba 3 đường: một ngã đi Bạc Liêu, một ngã đi Kiên Giang và một ngã đi về trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng, nên được cho là nơi thuận tiện, dễ dàng trong việc đi lại, tập trung các nơi trong vùng đến vui chơi lễ hội.

    Trong thời kỳ lãnh chúa có tước hiệu là “Ponh-nha Tat” thì xứ sở Ba Sắc lúc bấy giờ luôn trong trạng thái yên vui, thái bình, không có xảy ra tình hình chiến tranh hay trộm cướp lần nào, nên việc diễn tập để phòng vệ của đội quân lính thủy không còn là mục tiêu quan trọng nữa, mà dần dần cuộc diễn tập đã biến thành hình thức sinh văn hóa cộng đồng, trở thành phong tục ngày hội đua ghe Ngo hằng năm của người Khmer ở xứ sở này cho đến ngày nay.

    Đến năm 2431 Phật lịch (năm 1888 Dương lịch) chính quyền lúc bấy giờ đã sắp xếp khôi phục lại nhiều phong tục, lễ hội của người Khmer bản địa. Trong đó phong tục đua ghe Ngo được quan tâm cho tổ chức hằng năm do ông trực tiếp đứng ra chỉ huy tổ chức và điều hành để cuộc đua ghe Ngo ngày càng có trật tự và ý nghĩa tốt đẹp hơn. Có những quy định nêu rằng: Đua ghe Ngo được tổ chức hằng năm, mỗi năm tổ chức 2 lần; vào dịp lễ xuất hạ của sư sãi Khmer và dịp lễ Óoc Om Bóc; địa điểm tổ chức tại Vàm Dù Tho. Từ đó thu hút sự tham gia ngày càng nhiều đội ghe của các địa phương trong vùng như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá (Kiên Giang)...

    Ngày xưa, trên đường đi đến nơi tập trung làm lễ hội đua ghe Ngo ở Vàm Dù Tho, có nhiều chiếc ghe dừng chân ở “Prêk Om Pu Yea” (sông Nhu Gia). Tại đây, có một con sông lớn, 2 bên bờ cũng trống trải thuận tiện cho việc tổ chức cuộc đua thử, nên các ghe Ngo thường tổ chức cuộc đua thử sức tại nơi này vào buổi chiều tối ngày 14 Âm lịch, đến sáng sớm ngày 15 Âm lịch mới tập kết đi đến điểm tham gia cuộc đua chính thức ở Vàm Dù Tho.

    Đến năm 2441 Phật lịch (năm 1904) thời kỳ này được Đốc Phủ sứ Sóc Trăng lúc bấy giờ, rất quan tâm đến lễ tục đua ghe Ngo, nên tiếp tục được duy trì và thực hiện đều đặn hằng năm với quy mô ngày càng lớn hơn.

    Vào năm 2467 Phật lịch (năm 1924) trong một cuộc hội nghị lớn của lãnh chúa vùng Ba Sắc, trong đó có bàn về lễ tục đua ghe Ngo ở Sóc Trăng, hội nghị khẳng định và cho rằng: Lễ đua ghe Ngo là phong tục lễ hội của tổ tiên để lại, ngày càng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia lễ hội; hằng năm đã có trên 10.000 người dân đến vui chơi dự lễ; riêng với ghe thuyền đến dự lễ, nếu tính cả chiếc ghe Ngo đua cùng với các loại ghe thuyền khác đến dự lễ đã lên tới con số trên 1.000 chiếc. Do đó cần phải có sự quy định chặt chẽ để cuộc chơi đảm bảo yên vui, trật tự phù hợp với nhu cầu và cuộc sống hiện tại. Từ đó, hội nghị đã có sự thống nhất đề ra một số quy tắc chung, như:

    Thứ nhất, vào dịp lễ xuất hạ hằng năm sẽ tổ chức cuộc đua ghe Ngo, lễ đưa đèn hoa, thả đèn nước, được xem là nghi thức lễ có ý nghĩa để tưởng nhớ đến Đức Phật và tạ ơn thần nước;

    Thứ hai, vào dịp lễ Oóc Om Bóc hằng năm sẽ tổ chức cuộc đua ghe Ngo với nghi thức tổ chức và cuộc đua ghe Ngo cũng giống nhau, nhưng được gắn thêm với ý nghĩa của “Bon Som pes Pres Kher” (lễ cúng trăng) tạ ơn thần mặt Trăng;

    Thứ ba, cuộc đua ghe Ngo vào dịp lễ xuất hạ hằng năm phải được tổ chức tại Vàm Dù Tho theo phong tục tập đã có từ xa xưa;

    Thứ tư, cuộc đua ghe Ngo vào dịp lễ cúng trăng hằng năm sẽ được tổ chức tại sông Nhu Gia, vì dịp này có mời nhiều quan khách nhà nước đến dự lễ nên việc tổ chức phải chu đáo hơn.

    Lễ hội đua ghe Ngo của người Khmer Sóc Trăng qua các tài liệu nghiên cứu cho thấy: Ngày xưa không chỉ tổ chức mỗi năm hai lần theo truyền thống của dân tộc, mà có năm còn tổ chức cuộc đua đến 4 hoặc 5 lần. Đến năm 2471 Phật lịch (năm 1928) thì việc tổ chức lễ đua ghe Ngo vào dịp lễ xuất hạ đã dần dần không tổ chức nữa, chỉ tổ chức duy nhất mỗi năm một lần lễ đua ghe Ngo vào dịp lễ cúng trăng - Oóc Om Bóc và tồn tại cho đến tận ngày nay.

    Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng ngày càng phát triển và chưa có năm mà người dân không tổ chức lễ hội này. Ngay cả thời kỳ khó khăn nhất của những năm 1945, 1946, 1947 nhưng lễ hội vẫn diễn ra bình thường; nếu tổ chức tập trung không được thì tổ chức từng vùng liên huyện, có nơi chỉ tổ chức được ban ngày. Thế mà lễ hội đua ghe Ngo vẫn tổ chức theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc.

    Với sử liệu trên, có thể nói rằng: Đã có đủ luận cứ, cơ sở khoa học khá vững chắc để khẳng định được chính Sóc Trăng là vùng đất khai sinh và phát triển nên lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer. Bởi từ Ba Sắc không đâu khác hơn là địa danh cũ của Sóc Trăng mà cho đến tận ngày nay vẫn còn dấu vết của “Ba Thắc Cổ Miếu” để lại trên địa bàn của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Hơn thế nữa, một luận cứ khoa học minh chứng rõ ràng để khẳng định: “Sóc Trăng - chính là cái nôi của lễ hội đua ghe Ngo” qua tác phẩm tập sách “Nam - kỳ phong tục nhơn vật diễn ca”, của học giả Nguyễn Liên Phong, xuất bản năm 1909. Đây là một trong những tác phẩm địa phương chí Nam bộ rất hiếm hoi được viết bằng thơ lục bát vào những năm đầu của thế kỷ XX và là một nghiên cứu có giá trị trên nhiều phương diện. Trong sách, khi nói về địa phương Sóc Trăng, tác giả đã miêu tả khá sinh động bằng những câu thơ lục bát để khái quát về vùng đất, con người và phong tục đua ghe Ngo ngày xưa của người Khmer ở Sóc Trăng.

“... Lịch thay phong cảnh Dầy-tho, Thói xưa còn lại phải trò ăn chơi.

Tục Mên cổ lệ để đời, Mỗi năm tháng chín, ghe bơi đua cùng.

Vàm Dầy-tho cả một sông, Nhóm nhau tới đó điệp trùng những ghe.

Gọi rằng lễ tống nước về, Trong hai ba bữa đồng hè đua đưa....”

    Qua đoạn thơ trên cho thấy: Tại Vàm Dầy Tho (Mỹ Xuyên) nay gọi là Dù Tho, ngày xưa người Khmer tổ chức lễ đua ghe Ngo lần thứ nhất trong năm vào tháng 9 Âm lịch tức là vào dịp lễ xuất hạ của các nhà sư và đã trở thành phong tục của người Khmer có từ lâu rồi ở vùng đất Sóc Trăng này.

    Trên cơ sở của hai sử liệu quan trọng này, có phải chăng là cơ sở đủ và cần để nói về nguồn gốc xuất xứ của lễ đua ghe Ngo chính là xứ sở Sóc Trăng, thiết nghĩ đó không chỉ là niềm tự hào riêng đối với dân tộc Khmer mà là niềm tự hào chung của nhân dân Sóc Trăng về sự sáng tạo giá trị văn hóa tinh thần hết sức độc đáo, hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc, địa phương để cho con cháu mai sau thừa hưởng những giá trị di sản văn hóa tinh thần quý báu này./.

NSƯT, Nhạc sĩ, ThS. Sơn Lương



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 47
  • Hôm nay: 6872
  • Trong tuần: 97,983
  • Tất cả: 11,213,602