Lượt xem: 1092

Sóc Trăng có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch

Với lợi thế có nhiều lễ hội đặc sắc và nơi giao thoa văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, tỉnh Sóc Trăng nói chung và thành phố Sóc Trăng nói riêng có nhiểu tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh.

    Chợ nổi Ngã Năm nằm tại Phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Chợ nằm ở vị trí trung tâm của 5 ngã sông đổ về 5 con kênh lớn; trong đó, một ngã xuôi về Bạc Liêu và Cà Mau, một ngã ngược lên thị xã Ngã Bảy để ra sông Hậu, 3 ngã còn lại là Rạch Cái Trầu đổ ra thị trấn Phú Lộc của huyện Thạnh Trị và Rạch Xẻo Chích đi về xã Vĩnh Quới và Ngan Gừa, ngã thứ 5 là kênh “Xáng chìm” đổ về Trà Bang để ra sông Cái Lớn thuộc huyện Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang.

    Chợ nổi Ngã Năm họp từ 1 đến 2 giờ sáng mỗi ngày, nhưng đông nhất vào lúc 4h sáng. Các ghe, thuyền trên chợ đi lại tấp nập, bán đầy đủ hàng hóa từ khắp mọi nơi nhưng nhiều nhất là các loại hàng nông sản như rau, củ, trái cây theo mùa. Do nhu cầu của người đi chợ sớm, nên nhiều loại dịch vụ bán đồ ăn sáng cho thực khách như hủ tiếu, cơm, bún, bánh mì, cà phê… để phục vụ người buôn bán và đôi khi cả những du khách du lịch rất sôi động. Khách hàng thường là người địa phương đi chợ, thương lái và các đầu mối nông sản cũng có khi là người ở các tỉnh khác chạy ghe thuyền ngang qua dừng chân nghỉ ngơi. Tuy nhiên vài năm gần đây, do nhu cầu kinh doanh nên chợ không còn sôi động như trước, nhưng đây vẫn là nơi để mọi người đến tham quan, tìm hiểu ngôi chợ có bề dày lịch sử hơn trăm năm.


Chùa Som Rong, Phường 5, thành phố Sóc Trăng, một địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: Lê Vũ

 

    Vườn cò Tân Long thuộc xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, với hàng ngàn con cò làm tổ, sinh sống là nơi thích hợp để bạn cắm trại và thư giãn trong không gian trong lành, dễ chịu. Đến vườn cò, bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng của hàng ngàn cánh cò sải dài mỗi sáng khi rời tổ, tiếng râm ran khi hoàng hôn về. Ngoài ra, bạn còn được thưởng thức những món ăn đậm chất dân dã.

    Cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng nằm ở giữa sông Hậu, cách thị trấn Kế Sách chừng 10km, đi canô hay vỏ lãi mất khoảng nửa giờ. Cồn Mỹ Phước còn được gọi là cồn Công Điền hay Cồn Bùn, từ xưa đã nổi tiếng với những loại trái cây như hồng xiêm, xoài, sầu riêng, cam quít, nhãn. Hiện nay, người dân địa phương đã tạo dựng nơi này thành những khu vườn sinh thái trồng cây ăn trái, làm nơi ăn nghỉ dành cho du khách tham quan. Tới đây, du khách sẽ được thưởng thức những loại trái cây như nhãn, chôm chôm, măng cụt… ở những vườn cây trái xum xuê trên đất cù lao sông Hậu, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân miệt vườn.

    Chùa Chén Kiểu nằm ngay trên Quốc lộ 1A, cách thành phố Sóc Trăng chừng 12km hướng đi Bạc Liêu. Điều đặc biệt ở ngôi chùa Khmer này đó chính là ngôi chùa sử dụng những chén, đĩa sứ với hoa văn đặc sắc gắn lên tường trang trí. Theo lời kể lại, trong quá trình xây dựng chùa, do thiếu vật liệu, các nhà sư đã nghĩ ra sáng kiến là quyên góp chén, dĩa từ bà con trong xóm, ấp để gắn lên tường. Khi chiêm ngưỡng ngôi chùa này, du khách sẽ thích thú với những họa tiết trên chén dĩa.

    Riêng trên địa bàn thành phố Sóc Trăng có rất nhiểu ngôi chùa với kiến trúc rất độc đáo, đây cũng là điểm để du khách đến thưởng ngoạn, chiêm bái, tìm hiểu nét đặc trưng của đồng bào 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa. Chùa Dơi - chùa Mahatup tọa lạc ở số 73B đường Lê Hồng Phong, Phường 3, thành phố Sóc Trăng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng, với kiến trúc đặc trưng của đồng bào Khmer. Nơi đây có cảnh quan trong lành và điều thú vị là hàng ngàn con dơi treo mình trên cây vào ban ngày trong khu vườn của chùa.

    Chùa Đất Sét hay còn gọi là Bửu Sơn Tự, tọa lạc tại 286 đường Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng đã có hơn 200 năm tuổi. Đây là công trình độc nhất vô nhị, nổi tiếng gần xa bởi hàng ngàn pho tượng Phật, linh thú làm bằng đất sét và những cây nến có thể cháy hàng chục năm. Chùa Đất Sét là nơi thờ tự của nhà họ Ngô ở Sóc Trăng, vì vậy không có sư sãi ở, chỉ có những người trong dòng họ chăm lo hương khói và giữ chùa. Người có công lớn xây dựng ngôi chùa là ông Ngô Kim Tòng, trụ trì thứ tư của ngôi chùa và cũng là người tạo nên những tác phẩm bằng đất sét đặc biệt.

    Vài năm gần đây, Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong còn được người dân địa phương quen gọi là chùa Som Rong tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều du khách. Chùa Som Rong cũng được xây dựng theo kiểu kiến trúc giống như các chùa Khmer Nam bộ khác, với diện tích 5ha, bao gồm chánh điện, sala, nhà dành cho sư sải và một thư viện sách có hơn 1.500 quyển phục vụ cho các em học sinh, người dân và Phật tử tại địa phương. Những công trình kiến trúc bên trong chùa được kết hợp hài hòa với nhau. Khuôn viên chùa được chia thành nhiều khu vực khác nhau, nổi bật nhất là ngôi bảo tháp được đặt ngay lối đi vào chùa và song song với ngôi chánh điện. Ngôi bảo tháp có bốn hướng và có bốn lối đi, là đại diện của 4 đức hạnh của đức Phật “từ, bi, hỷ, xả”. Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được chạm khắc rất tinh sảo. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm, phúc hậu ở ngoài trời với kích thước dài 63 mét, cao 22,5 mét, đặt trên cao khoảng 28 mét so với mặt đất.

    Tuy có nhiều lợi thế, nhưng giá trị kinh tế từ du lịch mang lại vẫn còn thấp. Do đó, thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục đưa ra những giải pháp để đẩy mạnh hoạt động du lịch. Thiết nghĩ, trước mắt, cần phát triển tour - tuyến du lịch, trong đó chú trọng công tác liên kết, hợp tác. Việc liên kết với các địa phương sẽ giúp làm phong phú, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; liên kết giữa các nhà đầu tư và đơn vị lữ hành nhằm nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn, mức độ, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách và mối liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với du khách được xem là hạt nhân của sự tồn tại và phát triển du lịch. Ngoài vấn đề trên, cần nâng cao chất lượng phục vụ du khách, trong đó nhân tố con người và văn hóa giao tiếp cũng là yếu tố quan trọng. Mặt khác, các điểm lưu trú du lịch cần đầu tư cơ sở vật chất phù hợp, thuận tiện, nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách và cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư.

    Hy vọng tương lai không xa, Sóc Trăng sẽ thu hút thêm nhiều du khách, các dịch vụ kèm theo sẽ được mở rộng, phong phú, hấp dẫn hơn, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lê Vũ



Phim tư liệu
  • Trailer Cuộc thi Lịch sử Đảng bộ
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 104
  • Hôm nay: 5238
  • Trong tuần: 76,842
  • Tất cả: 16,381,640