Lượt xem: 577

Phấn đấu 100% dịch vụ công đủ điều kiện đều được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4

Xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp và nhân dân. Trong những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, giải quyết các TTHC cho người dân. Cộng tác viên Trang thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Dương Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở TT&TT về nội dung này.

 


Đồng chí Dương Văn Nhân - Phó Giám đốc Sở TT&TT. Ảnh M.Linh

 

    CTV: Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Đồng chí Dương Văn Nhân: Thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo rất quyết liệt việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước để xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh. Trên tinh thần đó, Sở TT&TT cùng với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chính quyền điện tử tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp, tiết kiệm chi phí và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Hiện, hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cấp, mở rộng băng thông và được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Tất cả các cán bộ, công chức đều được trang bị máy tính và ứng dụng tốt CNTT trong hoạt động; các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều có hệ thống mạng nội bộ kết nối thông suốt từ cấp cơ sở đến Trung ương. Sở TT&TT đã xây dựng Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh Sóc Trăng vận hành theo mô hình 4 lớp, kết nối liên thông với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia. Nền tảng chia sẻ dữ liệu, tích hợp, liên thông cấp tỉnh (LGSP) đã triển khai theo kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, đã tích hợp, liên thông tất cả các hệ thống thông tin cấp tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống cổng dịch vụ công, hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống thư điện tử,… tất cả các hệ thống này đều được kết nối đến nền tảng chia sẻ dữ liệu, tích hợp, liên thông Quốc gia (NGSP) và sẵn sàng kết nối liên thông với các hệ thống thông tin của các bộ, ngành Trung ương.

CTV: Việc triển khai ứng dụng CNTT trong việc giải quyết TTHC công trên địa bàn tỉnh đạt kết quả ra sao và còn những khó khăn gì trong thực hiện, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Văn Nhân: Hiện tại, Cổng Dịch vụ công (DVC) của tỉnh có 1.794 thủ tục trực tuyến, trong đó có 346 thủ tục cung cấp ở mức độ 3 đạt 19,28%, có 675 thủ tục cung cấp ở mức độ 4 đạt 37,62% tổng số DVC. Đã tích hợp, liên thông với Cổng DVC quốc gia là 341 thủ tục; đồng bộ trạng thái 1.363 thủ tục. Tính từ đầu năm 2021 đến ngày 17/3/2021, đã có 83.798 thủ tục đồng bộ trạng thái với Cổng DVC Quốc gia (Sóc Trăng xếp thứ 8/63 trên toàn quốc). Có 17 cơ quan đã đăng ký tài khoản ngân hàng để triển khai dịch vụ thanh toán lệ phí trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Hiện tại Sở TT&TT đang đôn đốc các cơ quan còn lại tiếp tục đăng ký và cung cấp các tài khoản ngân hàng để triển khai cho 100% cơ quan thực hiện thanh toán trực tuyến các phí, lệ phí của các dịch vụ công. Tỷ lệ thủ tục mức độ 3 phát sinh hồ sơ là 17,36% (71/409), mức 4 phát sinh hồ sơ là 22,89% (122/533). Mặc dù tỉnh đã cung cấp nhiều hồ sơ, TTHC công trực tuyến ở mức độ cao (mức 3 và 4 với tổng số là 1.021 thủ tục) nhưng số hồ sơ người dân và doanh nghiệp thực hiện qua môi trường mạng chưa cao, chưa đạt như kỳ vọng, nguyên nhân là do công tác tích hợp các cơ sở dữ liệu vào các dịch vụ công trực tuyến chưa được thực hiện đầy đủ, nên còn yêu cầu nhiều bản chụp giấy tờ gốc kèm theo, dẫn đến việc khó thực hiện trực tuyến qua môi trường mạng. Người dân còn thiếu cơ sở vật chất, phương tiện thực hiện; doanh nghiệp thì e ngại thông tin cá nhân bị lọt lộ.

CTV: Trước những khó khăn, hạn chế trong ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC, hướng tới Sở có giải pháp nào nhằm nào nhằm khắc phục tình trạng này?

Đồng chí Dương Văn Nhân: Để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT vào giải quyết TTHC, trước hết cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp tỉnh, đồng thời thực hiện chia sẻ, tích hợp liên thông với hệ thống cổng dịch vụ công của tỉnh. Đảm bảo nguyên tắc là tất cả các giấy tờ, hồ sơ mà cơ quan Nhà nước đã cấp cho người dân và doanh nghiệp thì không yêu cầu người dân và doanh nghiệp cung cấp để đối chiếu, mà các thông tin cần thiết này sẽ được lấy từ các cơ sở dữ liệu có liên quan để thực hiện giải quyết các hồ sơ, TTHC. Để đáp ứng mục tiêu này, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu đến tháng 6/2021, 100% dịch vụ công đủ điều kiện đều được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, ngoại trừ các dịch vụ bắt buộc người dân, doanh nghiệp phải có mặt trực tiếp để thực hiện. Song song đó, Sở đã xây dựng dự thảo kế hoạch ứng dụng CNTT tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong đó, đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp vào các dịch vụ công trực tuyến. Phấn đấu đến năm 2025, người dân và doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến chỉ cần xác thực mã định danh là số căn cước công dân, không cần phải nộp thêm bất kỳ các giấy tờ, thông tin nào khác. Tạo thuận lợi tối đa để tất cả các dịch vụ công đều có thể dễ dàng thực hiện qua môi trường mạng.


Người dân đến thực hiện TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh M.Linh

 

Ngoài ra, Sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi số tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025, tất cả các nghiệp vụ tiếp nhận, xử lý hồ sơ, TTHC đều được xử lý ở dạng số trên môi trường mạng. Phần lớn các nhu cầu phục vụ lao động, sản xuất, đời sống của người dân đều được thực hiện thông qua các nền tảng CNTT thông minh khai thác các cơ sở dữ liệu số, nhằm thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

CTV: Xin cám ơn đồng chí!

M.Linh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 40
  • Hôm nay: 1184
  • Trong tuần: 82,788
  • Tất cả: 11,468,240