Lượt xem: 1286

Sóc Trăng chuẩn bị tốt cho vụ lúa Hè Thu năm 2021

Sau nhiều năm liên tiếp bị ảnh hưởng rủi ro hạn, mặn vào cuối vụ thì với vụ lúa Đông Xuân của năm 2020 - 2021, nông dân Sóc Trăng đã trọn niềm vui khi lúa trúng mùa được giá. Thành công ngoài mong đợi này đã mang lại cho nông dân tại tỉnh khí thế phấn khởi. Ở những địa phương có đủ điều kiện, nhiều bà con cũng đang tất bật công tác chuẩn bị, khởi động cho vụ Hè Thu sắp tới.

    Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam về tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2020 - 2021 thì nước sẽ về thấp ngay từ đầu mùa khô và mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, kéo dài đến tháng 5; đồng thời có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan như: Triều cường, gió chướng. Riêng tại Sóc Trăng, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong tháng 04 dương lịch, nhiều nơi trong tỉnh bước vào giai đoạn chuyển mùa nên mưa sẽ xuất hiện nhiều vào giai đoạn chiều và tối. Độ mặn xâm nhập mạnh và sâu vào các kênh rạch trên địa bàn tỉnh 02 lần vào các ngày 12, 13, 14/4 và 27, 28, 29/4 (dương lịch). Từ nhận định về tình hình thời tiết, thủy văn cũng như điều kiện nguồn nước tại nhiều địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng khung lịch thời vụ cho vụ lúa Hè Thu năm 2020 - 2021 với 03 đợt xuống giống: Đợt 1: Xuống giống cuối tháng 4 dương lịch đến giữa tháng 5 dương lịch, chiếm 14% diện tích khoảng 20.000 ha, chủ yếu ở những vùng chủ động nguồn nước tưới tiêu, khu vực có nguồn nước ngọt thuộc một phần diện tích các huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Long Phú, Trần Đề và thị xã Ngã Năm. Đợt 2: Xuống giống giữa tháng 5 dương lịch đến giữa tháng 6 dương lịch, chiếm khoảng 47% diện tích khoảng 66.100 ha, tập trung xuống giống hầu hết ở các vùng trong tỉnh. Đợt 3: Kết thúc gieo sạ đến giữa tháng 7 dương lịch chủ yếu ở các khu vực còn lại, vùng đất cao, ảnh hưởng mặn không xuống giống được do chưa chủ động được nguồn nước, phụ thuộc vào nguồn nước mưa, chiếm 39% diện tích khoảng 54.800 ha, thuộc các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long phú, Thạnh Trị, Kế Sách, thành phố Sóc Trăng. Riêng những địa phương thuộc vùng canh tác dựa vào nguồn nước trời như: Trần Đề, Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng, nếu có nguồn nước ngọt cần tranh thủ bơm xuống giống sớm trong tháng 04 dương lịch để hạn chế thiệt hại do mưa bão giai đoạn trổ chín. Đồng thời, việc xuống giống sớm tại các khu vực này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tức là bà con sẽ có thể bố trí gieo sạ vụ Đông Xuân tới trước 01 tháng để tránh được hạn mặn giai đoạn cuối vụ trong mùa khô năm 2021 - 2022.


Nhiều vùng ngọt nông dân đang khẩn trương cày ải chuẩn bị gieo sạ 

 

    Nếu như sản xuất nông nghiệp trước đây thường gắn liền với câu nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” như muốn chỉ rõ người sản xuất phải chú trọng đồng bộ đến tất cả bốn yếu tố trên, trong đó nước là khâu quan trọng, có tính quyết định đến năng suất cây trồng. Thì ngày nay, câu nói đó đã không còn phù hợp, bởi trong quá trình phát triển sản xuất, các yếu tố thủy lợi, tưới tiêu, phân bón, quy trình chăm sóc, làm cỏ đều được cải tiến, đầu tư tốt hơn so với trước. Thay vào đó, vấn đề giống lại được xem là khâu quan trọng nhất để tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Trong những năm gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu mà cụ thể là hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn đã có tác động trực tiếp đến sản xuất của nông dân. Bên cạnh đó tình hình sản xuất lúa với mức thâm canh, tăng vụ cao như hiện nay đã tạo điều kiện chi các loại dịch hại phát sinh và phát triển ở mức độ cao có khả năng gây hại và làm giảm năng suất. Nhằm đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế cho vụ Hè Thu 2021; thời gian qua, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm từ các viện trường cũng như nhận những giống lúa, dòng lúa triển vọng về tổ chức sản xuất thực nghiệm. Trung tâm tiến hành các bước quan sát sơ khởi, trắc nghiệm hậu kỳ, khảo nghiệm so sánh, và trồng sản xuất thử tại các vùng sinh thái trong tỉnh. Đồng thời  nhân giống tại 02 trại thực nghiệm giống cây trồng là Long Phú và Kế Sách để có thể chọn ra những bộ giống lúa mới đạt năng suất chất lượng  cao cũng như ít nhiễm sâu bệnh. Trưởng Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ, Trung tâm Giống nông nghiệp Sóc Trăng - Hứa Thanh Xuân cho biết: “Việc lựa chọn giống lúa khi canh tác cần đáp ứng tốt các tiêu chí như: Phải thuộc giống cấp xác nhận; phải phù hợp với cơ cấu mùa vụ và điều kiện địa phương; phải có khả năng chống chịu sâu bệnh, phẩm chất tốt và thị trường tiêu thụ ổn định. Từ những tiêu chí trên, Trung tâm Giống nông nghiệp Sóc Trăng giới thiệu đến bà con nông dân những bộ giống lúa ổn định có thể tiếp tục duy trì sử dụng trong vụ Hè Thu năm 2021 gồm các giống chủ lực như OM5451, OM 6976, OM4900, Đài thơm 8, ST24; các giống đặc sản, lúa thơm như OM18, OM4900, Đài thơm 8, ST24, ST25; các giống lúa triển vọng đề nghị bổ sung như OM380, OM9577, OM18, OM429, ST25”.

    Hiện nay, trà lúa Đông Xuân tại huyện Mỹ Tú đã thu hoạch được 2.065 ha trên tổng diện tích 20.569 ha, trà lúa còn lại đang trong giai đoạn trổ chín. Trong vụ Hè Thu năm nay, huyện cũng đã xây dựng khung lịch thời vụ phù hợp với thổ nhưỡng từng xã trên địa bàn, nhưng vẫn tuân thủ theo khung lịch chung mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo. Cụ thể, vụ Hè Thu năm nay toàn huyện phấn đấu đạt diện tích gieo sạ là 23.210 ha; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện khuyến cáo nông dân tại một số địa bàn thuận lợi về nguồn nước tranh thủ xuống giống để có thể thu hoạch lúa vào trước hoặc trung tuần tháng 7 nhằm hạn chế thất thoát về năng suất trước khi mùa lũ đổ về. Để có thể gieo sạ đúng theo khung lịch đã được khuyến cáo; thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho vụ Hè Thu tới đang được nhiều nông dân tại huyện chuẩn bị khẩn trương và chu đáo. Bên cạnh các khâu như cày ải, đánh rãnh nước, xử lý ngộ độc phèn;... nông dân cũng đã vạch ra những định hướng sản xuất cụ thể để vừa giảm chi phí đầu vào, vừa hạn chế rủi ro dịch hại ngay từ đầu vụ. Ông Mai Văn Dũng, nông dân xã Mỹ Phước chia sẻ: “Ruộng của tôi hiện đã thực hiện cày ải, đánh rãnh nước xong rồi. Dựa theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì vụ Hè Thu này tôi chọn canh tác giống OM18, thực hiện sạ 1 công khoảng 14 hoặc 15 kg; mùng 7, mùng 8 âm lịch này sẽ bắt đầu xuống giống. Mình tuân thủ theo lịch thời vụ là sẽ tránh được rầy, tránh được hao hụt giống khi mưa xuống”.

    Để có vụ Hè Thu thật sự an toàn; ngành chuyên môn cũng lưu ý bà con cần triển khai sớm việc nạo vét một số kênh trục chính, tập trung cho công tác thủy lợi nội đồng ở một số vùng chưa đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu nước. Ưu tiên nạo vét các tuyến kênh nội đồng đã bị bồi lắng; tu bổ, sửa chữa các công trình thuỷ lợi để đảm bảo tưới và tiêu nước tốt. Các vùng không cày ải được và vùng nhiễm phèn nặng cần phải được rửa phèn đầu vụ trước khi xuống giống, tăng cường bón lót vôi, phân lân để cải tạo đất, kết hợp bón phân hữu cơ, các loại phân bón có chứa canxi để cây lúa mau phát triển trong giai đoạn đầu. Thạc sĩ Vương Bích Vân - Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: Do lượng mưa ít và phân bố không đều vào đầu vụ Hè Thu, nắng hạn kéo dài lại không chủ động nguồn nước tưới bổ sung, làm cho các tầng đất chứa vật liệu sinh phèn dễ bị oxy hóa dẫn đến hiện tượng xì phèn thông qua các kẽ nứt và các mạch mao quản trong đất dẫn đến tình trạng đất bị ngộ độc phèn. Trường hợp này bà con tiến hành cày phơi đất để cắt đứt mao quản dẫn sắt, nhôm từ lớp dưới lên tầng mặt. Không cày quá sâu vì sẽ đưa tầng phèn lên lớp mặt. những vùng lúa 3 vụ, sản xuất liên tục nên rơm rạ của vụ trước bị vùi trong đất phân hủy trong điều kiện yếm khí tiết ra các chất độc gây hại cho lúa vụ sau. Trường hợp này, bà con thực hiện cày, xới phơi đất từ 7-15 ngày giúp khoáng hóa chất hữu cơ, sử dụng nấm Trichoderma phun rơm rạ trước khi làm đất, bón lót lân từ 200-400kg/ha. Đối với đất nhiễm mặn cần chú ý tiến hành cày bừa, cho nước  ngọt vào ngâm đất để hòa tan muối sau đó tháo bỏ nước trong ruộng và cho nước mới vào. Tùy vào độ mặn của đất có thể thực hiện ngâm tháo nước nhiều lần. Đối với vùng khó quản lý nước thì áp dụng bón vôi từ 200-500kg/ha”.


Nông dân xịt thuốc giai đoạn tiền nảy mầm để bảo vệ lúa

 

    Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần qua mặc dù có chiều hướng giảm, nhưng vẫn ở mức có lợi cho người trồng; xuất khẩu gạo trên cả nước cũng đang có nhiều tín hiệu lạc quan nên chuẩn bị chu đáo để có thêm một vụ lúa Hè Thu thắng lợi là mong mỏi của rất nhiều bà con. Đồng hành cùng nông dân trong tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh sẽ thường xuyên cập nhập thông tin thời tiết, thủy văn, vận hành tốt các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cũng như kịp thời đưa ra các thông báo, khuyến cáo nhằm giúp bà con có sự chủ động hơn trong công tác phòng ngừa các loại dịch hại phát sinh trên trà lúa; phấn đấu đạt diện tích 140.900 hecta lúa Hè Thu năm 2021 theo như kế hoạch đã đề ra.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 34
  • Hôm nay: 1981
  • Trong tuần: 85,387
  • Tất cả: 11,541,180