Lượt xem: 4294

Đề án lúa đặc sản, nâng tầm giá trị lúa gạo Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, trong đó, lúa được xác định là cây trồng chủ lực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với diện tích canh tác hằng năm trên 350.000 hecta, sản lượng đạt hơn 2 triệu tấn mỗi năm. Nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng xác định 2 mục tiêu đồng bộ là: Phấn đấu nâng cao năng suất lúa và tập trung phát triển các giống lúa đặc sản để nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, gia tăng thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, là vực dậy tiềm năng cây lúa, khẳng định thương hiệu “hạt ngọc” Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước. Đề án sản xuất và phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020 được xem là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra.

 


Hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ lúa gạo tại tỉnh luôn được đẩy mạnh.

 

    Đề án sản xuất và phát triển lúa đặc sản Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020 được xem là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Mục tiêu của Đề án là đạt sản lượng lúa đặc sản từ 800.000 tấn mỗi năm. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch vùng sản xuất ở 7 huyện, thị xã gồm: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành và Ngã Năm. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng lúa đặc sản, lúa thơm đạt 137.500 ha. Trong đó, diện tích trồng lúa thơm ST nhiều nhất, còn lại là giống tài nguyên mùa và các giống lúa thơm nhẹ khác. Ngoài ra, còn có các giống đặc biệt là gạo tím, gạo đỏ vừa trồng thực nghiệm, vừa nhân rộng và chế biến để sớm có mặt trên thị trường.

    Ngay từ khi triển khai Đề án, công tác nghiên cứu, khảo nghiệm giống được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rất chú trọng. Theo đó, ngành đã chỉ đạo thực hiện việc sản xuất lúa nguyên chủng để phục vụ cho việc nhân giống nguyên chủng; nghiên cứu khảo nghiệm các dòng, giống lúa đặc sản chất lượng cao; hỗ trợ mạng lưới cấp giống xác nhận tại các câu lạc bộ, tổ giống; xây dựng được nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới và tổ chức các đợt hội thảo để nông dân so sánh, đánh giá về tính thích nghi, sinh trưởng, phát triển, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất của các giống trình diễn, từ đó chọn ra những giống thích nghi tốt với điều kiện của địa phương bổ sung thêm và cơ cấu giống sản xuất của vùng.

    Kinh tế phát triển, đời sống ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các loại sản phẩm ngon và an toàn. Vì vậy, nông dân tất yếu phải chuyển đổi quy trình sản xuất, chọn lựa các giống lúa thơm, chất lượng cao, đồng thời áp dụng quy trình canh tác theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và tăng năng lực cạnh tranh của mặt hàng lương thực này ở thị trường trong nước và trên thế giới. Chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa  thường, lúa phẩm cấp thấp sang giống lúa thơm đặc sản, ứng dụng quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, an toàn là những giải pháp và bước đi quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, nhằm từng bước  nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, tăng thu nhập cho nông hộ, đó cũng là mục tiêu của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn hướng đến. Nhiều dự án, chủ trương được triển khai đồng bộ với Đề án phát triển vùng  canh tác lúa đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, như: Chủ trương phát triển mô hình cánh đồng mẫu, cánh đồng mẫu canh tác một loại giống, cánh đồng lớn; Dự án VnSAT; Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn tỉnh Sóc Trăng; Dự án phục hồi giống lúa tài nguyên mùa Thạnh Trị… được xem là sự trợ lực rất tốt để phát triển giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản nhằm nâng giá trị hạt gạo, nông dân có lãi cao khi đầu ra trên thị trường được vươn xa, được đánh giá là chất lượng ở mức tốt nhất. Bên cạnh xây dựng cánh đồng lớn để tập trung phát triển lúa đặc sản, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tích cực chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất mang tính bền vững như: 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình VietGAP trên lúa, mô hình sản xuất lúa đặc sản gắn với liên kết tiêu thụ... Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 330 hecta diện tích trồng lúa VietGAP, 700 hecta diện tích trồng lúa hữu cơ.

    Nông dân Nguyễn Văn Khởi ở xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú cho biết: “Tính riêng tại khu vực xã Mỹ Hương, diện tích canh tác các giống lúa thơm, lúa đặc sản như RVT, ST24 tăng dần theo từng năm, thu nhập của bà con trồng lúa có bước cải thiện đáng kể so với khoảng 3, 4 năm về trước. Cái lợi lớn nhất là vừa canh tác giống đặc sản, vừa áp dụng các mô hình trồng lúa theo hướng sạch, an toàn mà môi trường sinh thái được đảm bảo, an toàn cho sức khỏe của cả người trực tiếp sản xuất cũng như người tiêu dùng”.

    Nhằm đẩy mạnh liên kết tiêu thụ cho lúa đặc sản của tỉnh, công tác xúc tiến thương mại cho thương hiệu gạo Sóc Trăng được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đặc biệt quan tâm. Theo đó, ngành chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại 7 vùng tham gia Đề án tổ chức các buổi hội thảo liên kết tiêu thụ giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác với công ty, doanh nghiệp. Các mô hình ứng dụng tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, sử dụng giống chất lượng cao nên sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn, thu hút được sự quan tâm ký kết từ doanh nghiệp thu mua trong và ngoài tỉnh với giá thu mua cao hơn thị trường. Đây là một yếu tố gắn kết nông dân với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Tính đến thời điểm này, có 60 doanh nghiệp, đại lý đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên diện tích 58.340 hecta; nông dân khi tham gia hình thức sản xuất có liên kết sẽ có lợi nhuận cao hơn từ 2,3 đến 3,7 triệu đồng/1 hecta so với hình thức canh tác truyền thống. Nông dân Nguyễn Minh Hùng ở xã Long Đức, huyện Long Phú bộc bạch: Khi trồng lúa, nếu tham gia vào Hợp tác xã thì đương nhiên yên tâm hơn so với tự làm riêng lẻ bên ngoài. Thứ nhất là vật tư đầu vào vừa rẻ vừa chất lượng hơn bên ngoài; thứ hai, lúa trước khi thu hoạch có bao tiêu bằng hợp đồng, trường hợp giá lúa khi thu hoạch nếu có chênh lệch so với giá thị trường thì công ty vẫn đảm bảo bù lỗ cho bà con. Nói chung là bà con sẽ không thiệt thòi khi tham gia vào hợp tác xã hay tổ hợp tác”.

    Có thể thấy, Đề án sản xuất và phát triển lúa đặc sản của tỉnh đã góp phần giúp mặt hàng lúa gạo có những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ; cùng với các biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo của tỉnh. Bên cạnh đó, Đề án cũng góp phần thúc đẩy tăng cường liên kết sản xuất với thị trường, bảo đảm chất lượng gạo và xây dựng khẳng định uy tín và thương hiệu gạo của tỉnh. Sau giống ST24 được công nhận là top 3 gạo ngon nhất thế giới vào năm 2017, giống ST25 được công nhận gạo ngon nhất thế giới năm 2019 càng khẳng định được giá trị và tiềm năng của giống ST. Sau 2 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, toàn tỉnh đã có 99 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có đến 4 sản phẩm thuộc mặt hàng gạo là: Gạo thơm ST24, gạo hữu cơ nông trường cá Bờ đập, gạo tài nguyên mùa Phú Khang và gạo sữa An Cư.

    Những thành tựu đã đạt được trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo không chỉ là niềm vui riêng của nhóm nghiên cứu, của ngành nông nghiệp mà là niềm vinh dự của nông dân, của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại tỉnh nhà. Ông Lý Khoa - chủ doanh nghiệp tư nhân Châu Hưng, chủ thể sản phẩm OCOP Gạo tài nguyên mùa Phú Khang chia sẻ: “Khi sản phẩm gạo tài nguyên đạt chứng nhận OCOP thì thật sự là một vinh dự rất lớn cho doanh nghiệp nói riêng và bà con trồng lúa tại Thạnh Trị nói chung. Khi hạt lúa, hạt gạo được trồng tại quê hương đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường thì cũng là lúc ý thức của nông dân trồng lúa sẽ có sự chuyển biến rõ rệt, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc thay đổi từ canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng sạch, hữu cơ... Bởi giờ đây, việc trồng lúa không chỉ là cái nghề, là sinh kế mà còn là một sự đóng góp cho hành trình khẳng định thương hiệu hạt gạo của tỉnh Sóc Trăng”.


Công tác nghiên cứu lai tạo giống lúa được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thực hiện thường xuyên.

 

    Giá trị hạt gạo được nâng cao không chỉ mang đến nguồn thu nhập ổn định sau chế biến cho các cơ sở, các hợp tác xã, các doanh nghiệp mà cả người sản xuất ra hạt lúa cũng có lợi nhuận cao hơn. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi của Đề án cơ cấu lại nông nghiệp nông thôn. Với những thành công đạt được từ Đề án, trong thời gian tới, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, mở rộng mạng lưới sản xuất giống với những hoạt động cụ thể như sản xuất giống lúa thơm nguyên chủng phục vụ sản xuất; xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất lúa đặc sản ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh hoạt động liên kết tiêu thụ. Đặc biệt, triển khai các hoạt động hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với gạo ST24, ST25 và các giống lúa chất lượng cao của tỉnh để hạt gạo Sóc Trăng ngày càng vươn xa. Tiến sĩ Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm: “Đến nay việc sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao ngày càng được người nông dân tại tỉnh quan tâm vì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, thu hút được sự liên kết hợp tác từ các công ty, doanh nghiệp. Qua 5 năm triển khai Dự án, diện tích lúa thơm, lúa đặc sản tại tỉnh Sóc Trăng đã đạt được thành tích rất đáng trân trọng với 179.076 hecta, vượt 27,4% kế hoạch. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Đề án sản xuất và phát triển lúa đặc sản tại Sóc Trăng sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm phát huy hiệu quả những thành quả đã đạt được trong giai đọan trước, tập trung phát triển thương hiệu, nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là trên các giống lúa ST24, ST25; nhân rộng hơn nữa diện tích trồng lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ để đủ khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Bằng rất nhiều giải pháp, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ sát cánh để người nông dân yên tâm làm giàu trên chính thửa ruộng của mình”.

    Việc phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng không chỉ khẳng định hướng đi đúng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hạt gạo Việt trước áp lực kinh tế thị trường thời hội nhập. Cây lúa, hạt gạo quê hương đã và đang khẳng định giá trị của mình “từ đồng ruộng đến bàn ăn”. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, doanh nghiệp Sóc Trăng và cả người nông dân Sóc Trăng sẽ không ngừng duy trì  và mở rộng diện tích canh tác các giống lúa đặc sản để tạo tiền đề phát triển nông nghiệp bền vững cho mai sau, cho những mùa lúa vàng bội thu…. Để rất nhiều năm về sau, Sóc Trăng vẫn tự hào xứng danh là vùng lúa đặc sản lớn nhất nhì Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 6050
  • Trong tuần: 87,654
  • Tất cả: 11,473,106