Lượt xem: 4345

Chủ động khắc phục tình trạng ngập úng, đổ ngã trên cây trồng trong mùa mưa bão

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ngoài đối mặt với các loại sâu, bệnh hại tấn công thì tình trạng ngập úng, đổ ngã trên cây trồng, nhất là trong mùa mưa bão cũng gây ra không ít trở ngại làm ảnh hưởng đến thành quả sản xuất của người dân. Từ thực trạng này, ngành chuyên môn cũng đã liên tục đưa ra những khuyến cáo để người nông dân có sự chủ động hơn trong công tác phòng, chống hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro về lợi nhuận kinh tế.

    Tính đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống dứt điểm 141.154 hecta lúa Hè Thu năm 2021, vượt 0,2% kế hoạch, với các giống lúa được gieo trồng chủ lực là: OM18, Đài thơm 8, OM5451, ST24. Diện tích lúa thơm, lúa đặc sản chiếm 45,1%; trà lúa hiện đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến trổ chín. Mặc dù là một trong những vụ lúa chính của năm, nhưng vụ Hè Thu thường khiến không ít bà con nông dân thấp thỏm khi phần lớn diện tích phải thu hoạch vào đúng thời điểm mưa bão xuất hiện nhiều, vào khoảng từ tháng 7 đến cuối tháng 8 (âm lịch).


Tình trạng ngập úng, đổ ngã thường xuyên xảy ra trên trà lúa Hè Thu trong mùa mưa bão, đặc biệt là ở các địa phương thuộc khu vực vùng trũng.

 

    Lúa bị ngập úng làm cho khả năng quang hợp giảm, quá trình tạo hạt bị đình trệ do việc vận chuyển tinh bột vào hạt kém nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng lúa. Đối với khu vực thuộc vùng trũng, lúa bị ngâm lâu trong nước thiệt hại còn cao hơn. Khi lúa ngập sẽ gây khó khăn cho thu hoạch bằng cơ giới kể cả việc thu hoạch bằng tay, vì vậy chi phí sản xuất tăng lên. Mặt khác, lúa ngập trong nước thúc đẩy hạt nẩy mầm, hoặc hư thối do nấm bệnh tấn công và giảm chất lượng gạo, tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch cũng tăng lên do máy không thể cắt hết lúa và lúa bị rụng hạt nhiều. Đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ khi gặp thời tiết mưa nhiều, ngập úng lâu ngày sẽ làm bộ rễ lúa yếu không hấp thu dinh dưỡng được, cây khó hoặc không đẻ nhánh; giai đoạn đòng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đòng, dễ đổ ngã,.. Thêm vào đó còn tạo điều kiện để các loại sâu, bệnh hại tấn công nhất là sâu phao, bệnh đốm vằn, vàng lá vi khuẩn… Ông Nguyễn Thanh Minh ở ấp Tân Long, thị xã Ngã Năm cho biết: “Như trong vụ Hè Thu của năm 2020, lúa còn khoảng một tuần là thu hoạch nhưng bị mưa liên tục nhiều ngày nên bị đổ ngã, thiệt hại năng suất gần 50% nên bán ra từ huề vốn đến lỗ chứ không có lời, nhiều khu vực là lúa ngập sâu trong nước đến nảy mầm”.

    Bên cạnh hiện tượng ngập úng thì tình trạng đổ ngã cũng làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng hạt gạo. Trong vụ Hè Thu, do thời tiết thường âm u mưa nhiều, thiếu ánh sáng nên cây lúa có khuynh hướng tăng trưởng theo chiều cao. Lúa ở giai đoạn chín sữa trở đi khi gặp mưa to và gió lớn, đôi khi có cả lốc xoáy sẽ dễ bị đổ ngã do mất cân đối trọng lượng giữa phần gốc và phần ngọn. Ngoài ra ở những vùng đất chân ruộng thấp, nước ngập sâu liên tục, đất quá mềm nhão hay có tầng canh tác mỏng cũng làm bộ rễ lúa không có nơi để bám vào nâng đỡ thân cây, từ đó cũng dẫn đến tình trạng đổ ngã trên lúa.  Mặt khác, việc làm đất, chọn giống, bón phân không hợp lý cũng là những nguyên nhân gây đổ ngã. Theo đó, thân cây lúa càng cao thì càng dễ đổ ngã. Yếu tố này có thể xuất phát bởi đặc tính vốn có giống lúa, do đó bà con nông dân nên chọn giống lúa ít hoặc không bị đổ ngã, chiều cao cây thấp hoặc trung bình, các lóng thân sát mặt đất ngắn, cứng chắc, thân rạ lớn và lóng thân dày, bẹ lá ôm chặt lóng, lá đứng, bộ rễ khỏe, ăn sâu vào đất để canh tác trong vụ Hè Thu hoặc Thu Đông. Thạc sĩ Vương Bích Vân – Trưởng Phòng Trồng trọt thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo thêm: “Để chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc lúa vụ Hè Thu 2021 trong mùa mưa bão. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương quan tâm thực hiện một số nội dung chủ yếu như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tình hình thời tiết, thủy văn kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao. Nếu xuất hiện các trận mưa lớn gây ngập úng, lốc xoáy gây đổ ngã cho lúa, huy động các phương tiện bơm thoát nhanh chóng và tranh thủ thu hoạch kịp thời trên diện tích lúa đã chín; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ: Rút nước giữa vụ để rễ lúa ăn sâu và cuối vụ để tránh đổ ngã và dễ thu hoạch, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây lúa nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất vì hiện nay giá phân bón tăng cao, bổ sung thêm phân có chứa canxi và silic giúp cứng cây hạn chế đổ ngã; thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự báo kịp thời tình hình phát sinh dịch hại quan trọng để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Một số đối tượng dịch hại cần lưu ý trong vụ Hè Thu: Đạo ôn lá, cổ bông; các bệnh do vi khuẩn như: Cháy bìa lá, lép vàng, thối thân,...; rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn… Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tăng cường bón vôi hoặc xịt phân có vôi để hạn chế bệnh do vi khuẩn, tuân thủ nguyên tắc 4 đúng trong phòng trừ dịch hại”.

    Bên cạnh cây lúa, thì cây ăn trái là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao và chiếm diện tích khá lớn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng với gần 28.000 hecta cây ăn trái các loại. Vào những tháng cuối năm, mưa bão kết hợp triều cường cũng đã đe dọa đến sự sinh trưởng của nhiều vùng cây ăn trái thuộc những địa bàn vùng trũng. Theo khuyến cáo từ ngành chuyên môn, để tránh hiện tượng ngập úng hay đổ ngã cho vườn cây ăn trái, vào đầu mùa mưa, nhà vườn cần thực hiện cắt tỉa để cây được thông thoáng, cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ. Đối với cây đang mang trái nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm khi có những cảnh báo của cơ quan khí tượng, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái. Ở những vườn có hệ thống đê bao và mương tốt bà con nên thực hiện khống chế mực nước trong mương dưới mặt liếp dưới 40cm; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ. Riêng những vườn đang trong giai đoạn xử lý khô hạn để tạo mầm hoa nên sử dụng màng nilon không thấm nước làm mái che trên mặt liếp, đồng thời chuẩn bị tốt khâu thoát nước trong vườn nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa bão đến hiệu quả xử lý ra hoa.

    Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay cho tới hết năm 2021, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới  trên khu vực biển Đông còn có khả năng xuất hiện nhiều; trong đó, có khoảng 04-05 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tần suất xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão sẽ tăng lên và dồn dập nhất là khoảng tháng 9, 10, 11, nửa đầu tháng 12. Thiệt hại do tình hình thời tiết là rất khó lường nên ngoài các giải pháp đã được ngành chức năng khuyến cáo, bà con nông dân cần thường xuyên quan tâm theo dõi dự báo tình hình thời tiết, thủy văn để có sự chủ động hơn trong công tác gia cố, bồi trúc đê bao nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cây trồng bị ngập úng, đổ ngã gây thất thoát về năng suất cũng như lợi nhuận kinh tế.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 107
  • Hôm nay: 7868
  • Trong tuần: 89,472
  • Tất cả: 11,474,924