Lượt xem: 196

Bí thư Tỉnh ủy dự Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách

Trước bối cảnh tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, việc giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg kéo dài tại khu vực trọng điểm phía Nam đã tác động rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản. Để kịp thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đề ra các giải pháp thúc đẩy phục hồi sản xuất, xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2021, sáng ngày 17-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại khu vực phía Nam. 

 


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.

 

    Dự tại điểm cầu trung tâm, có đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Dự tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT.

    Theo báo cáo, tình hình xuất khẩu thủy sản tháng 8-2021 giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 31% so với tháng 7. Lũy kế 8 tháng năm 2021 xuất khẩu đạt gần 5,6 tỷ USD. Còn giữ mức tăng khoảng 7%, nhờ xuất khẩu những tháng đầu năm tăng cao. Tuy nhiên, xuất khẩu các sản phẩm chính đều giảm từ 20-33%, xuất khẩu sang các thị trường giảm 16-50% so với cùng kỳ. Tháng 8 -2021, kim ngạch xuất khẩu rau, củ, quả của cả nước là 230 triệu USD, giảm 13,2% so với tháng 7 và giảm 16,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng của năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2.497 tỷ USD. So với cùng kỳ, kim ngạch vẫn tăng 11,8%.

    Tại cuộc họp, các hiệp hội và các doanh nghiệp cũng đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, xuất khẩu. Trong đó, trọng tâm là về nguyên liệu, khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhất là trong khâu bảo quản, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Nhiều quy trình, thủ tục phát sinh lãng phí thời gian do chờ đợi. Với những cơ sở, doanh nghiệp áp dụng mô hình “3 tại chỗ” thì gặp khó khăn do gánh nặng chi phí tăng. Qua đó, đề xuất Bộ NN&PTNT cần có giải pháp về cơ chế, chính sách để tháo gỡ. Trọng tâm, là cần kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng nghị quyết, chính sách riêng hỗ trợ ngành NN&PTNT phục hồi sản xuất. Phối hợp các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn phát sinh, điều chỉnh những quy định trong thủ tục nhằm tạo điều kiện trong vận chuyển nông sản, vật tư, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Nhất là ưu tiên tiêm vaccine cho lao động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần đàm phán tháo gỡ rào cản, thúc đẩy thị trường xuất khẩu thời gian tới.

    Phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đã thông tin về tình hình thu hoạch lúa Hè Thu đến nay đã đạt hơn 85%. Nhất là tình hình xuất khẩu gạo trong 9 tháng của năm 2021 đạt 170 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu thủy sản, nhất là tôm nước lợ, đạt 740 triệu USD, chiếm 78% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 24% so với cùng kỳ. Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian đầu thực hiện giãn cách, tình hình tiêu thụ nông sản còn nhiều khó khăn, lúng túng. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là sự hỗ trợ của Tổ công tác của Bộ Y tế, tình hình tiêu thụ nông sản, thủy sản từng bước được tháo gỡ. Đặc biệt, từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 2093 phân vùng mức độ nguy cơ dịch bệnh tại các xã, phường, thị trấn thì tình hình lưu thông, vận chuyển đã có nhiều thuận lợi hơn. Tỉnh cũng đề xuất Bộ NN&PTNT có ý kiến kiến nghị Chính phủ có những chính sách riêng để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người nông dân trong tái đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành Trung ương có sự hỗ trợ trong xuất khẩu nông sản, thủy sản để tránh tồn đọng hàng nông sản tại các hộ dân”.

    Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Minh Hoan ghi nhận những ý kiến của các hiệp hội và các tỉnh phía Nam. Đồng thời, gợi mở nhiều vấn đề. Chủ yếu là các địa phương cần thay đổi cách làm, tư duy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, tập trung chia sẻ, cùng ngồi lại với doanh nghiệp để kiến tạo không gian vừa an toàn phòng, chống dịch vừa sản xuất kinh doanh. Những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách sẽ do Bộ, Chính phủ tháo gỡ. Đồng chí Bộ trưởng Bộ  NN&PTNT đề nghị:“Các tỉnh phía Nam cần tổ chức lại sản xuất, đưa bà con vào hợp tác xã, sắp xếp lại vùng trồng, vùng nuôi, đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản xuất. Bộ NN&PTNT cũng thống nhất cần có nghị quyết riêng về hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản. Nhưng trước hết cần phải làm kế hoạch. Lấy ý kiến của các hiệp hội ngành hàng và của các địa phương. Sẽ trình Chính phủ ban hành nghị quyết trong thời gian sớm nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất và xuất khẩu trong bối cảnh trở về trạng thái “bình thường mới” hiện nay”.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 78
  • Hôm nay: 9230
  • Trong tuần: 90,834
  • Tất cả: 11,476,286