Lượt xem: 917

Sản phẩm OCOP, động lực thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Thời gian qua, bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ từ trung ương đến địa phương, mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác tại tỉnh Sóc Trăng có bước phát triển lớn mạnh. Không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng để mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều hợp tác xã còn gia tăng lợi nhuận kinh tế cho các thành viên thông qua việc hình thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ nguồn nguyên liệu sẵn có, phát triển nhiều sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

 


Gạo sạch Thanh Cường của Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Tân, sản phẩm OCOP tiềm năng.

 

    Tính đến nay, toàn tỉnh có 199 hợp tác xã, 1.215 tổ hợp tác. Nhìn chung, nội dung hoạt động của các hợp tác xã ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hỗ trợ cho thành viên tham gia như: sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn, áp dụng 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, ASC… Qua thực tiễn hoạt động cũng cho thấy, thành viên hợp tác xã đã nhận thức và hiểu được quy định Luật Hợp tác xã 2012, nghị định và thông tư hướng dẫn, tranh thủ được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, hoạt động có hiệu quả, xã viên, thành viên tham gia tích cực từ thấp đến cao. Nếu như trước đây, hầu hết các xã viên trong hợp tác xã tìm đầu ra cho sản phâm thông qua thương lái, chủ yếu là các sản phẩm tươi sống chưa qua sơ chế và chưa xây dựng được thương hiệu riêng; thì giờ đây, sau quá trình tìm hiểu Chương trình OCOP mà tỉnh triển khai, các hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn để hình thành các sản phẩm riêng biệt, đặc trưng cho hợp tác xã nhằm tăng giá trị lợi nhuận cho bà con xã viên cũng như tạo sự thuận lợi hơn về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

    Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Tân thuộc xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị có tổng số 30 thành viên với 300 ha đất canh tác lúa. Nhiều năm nay, bên cạnh chuyển đổi từ giống lúa phẩm cấp thấp sang giống lúa chất lượng cao như các dòng ST, RVT, Hợp tác xã còn định hướng các thành viên thay đổi từ tập quán canh tác truyền thống sang quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón vi sinh để nâng cao giá trị hạt gạo, vừa cải thiện lợi nhuận kinh tế cho nông dân, vừa cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo an toàn. Đầu năm 2021, Hợp tác xã được cấp chứng nhận VietGAP trên lúa với 84,6 ha.

    Để đáp ứng đầy đủ các điều kiện tham gia chương trình OCOP của tỉnh, ngoài sản lượng lúa hiện có, Hợp tác xã còn đứng ra thu mua diện tích lúa thu hoạch từ các hộ lân cận trong khu vực nếu đảm bảo quy trình canh tác sạch, an toàn, thực hiện chọn lọc kỹ trong suốt quá trình xay xát để phân loại chất lượng gạo. Bên cạnh các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất mà địa phương hỗ trợ, Hợp tác xã còn đầu tư công nghệ tiên tiến trong xay xát để tạo ra sản phẩm “gạo sạch Thanh Cường” đủ tiêu chuẩn đăng ký tham gia đánh giá, xếp hạng chương trình OCOP. Hợp tác xã còn đầu tư trong khâu đóng gói, thiết kế bao bì, mẫu mã để sản phẩm tạo ra bắt mắt và bảo quản được lâu hơn. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Tân - Lý Thanh Cường cho biết: “Chúng tôi đăng ký sản phẩm gạo sạch Thanh Cường tham gia chương trình OCOP với mong muốn sản phẩm sẽ có thị trường tiêu thụ mạnh hơn, từng bước hướng đến xuất khẩu chứ không chỉ tiêu thụ nội địa. Bên cạnh quy trình canh tác lúa theo chuẩn VietGAP, Hợp tác xã còn đang định hướng bà con phát triển cao hơn lên quy trình canh tác hữu cơ để hạt gạo được trồng sẽ đạt chất lượng và giá bán cao hơn. Hầu hết thành viên đều rất đồng tình trong việc đưa sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh”.

    Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát ở ấp An Thường, xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung có tổng số 20 thành viên với 21 ha đất sản xuất, trong đó có trên 60% diện tích trồng ổi nữ hoàng, còn lại là xoài Đài Loan. Nhận thấy ổi là sản phẩm cây ăn trái quen thuộc trên thị trường với diện tích canh tác toàn tỉnh là khá lớn, khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế nên từ năm 2020, Hợp tác xã đã đồng nhất canh tác 12,9 ha đất trồng ổi theo quy trình VietGAP, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà thực hiện bón phân vi sinh ngay từ khi cây mới ra bông; tiến hành cắt tỉa cành, tạo tán để cây được thông thoáng, đạt hiệu quả đậu trái cao hơn nhằm xây dựng thương hiệu riêng cho trái ổi nữ hoàng của Hợp tác xã nói riêng và huyện nhà nói chung. Bên cạnh đó, thành viên Hợp tác xã còn được hướng dẫn kỹ thuật bao bọc trái ngay khi còn nhỏ để hạn chế sâu bệnh phát sinh. Nhờ vậy cây cho chất lượng trái ngon, ngọt, mẫu mã đẹp. Sản phẩm ổi nữ hoàng của Hợp tác xã An Phát hiện đã hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2021 và được Hội đồng đánh giá, xếp hạng OCOP cấp huyện trình tỉnh đánh giá, xếp hạng trong tháng 11 năm nay. Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Phát, xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung - Lê Thanh Triều cho biết thêm: “Trong thời gian qua, Hợp tác xã cũng có tìm hiểu về Chương trình OCOP do tỉnh phát động, thấy chương trình này mang đến lợi ích thiết thực cho nông dân, quan trọng là góp phần giải quyết được đầu ra cho nông sản nên nhìn chung bà con đều có ý thức cao trong quá trình canh tác để sản phẩm đủ chuẩn đăng ký đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Thời gian tới, nếu sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP, chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng ổi nữ hoàng hiện có để tất cả nông dân tham gia Hợp tác xã đều có cơ hội đạt được những lợi ích mà Chương trình OCOP mang lại”.


Chương trình OCOP hướng thành viên hợp tác xã nâng cao nhận thức về quy trình canh tác sạch, an toàn.

 

    Hơn 2 năm triển khai chương trình, toàn tỉnh đã phát triển được 23 sản phẩm OCOP đến từ 15 hợp tác xã. Có thể thấy, ngoài nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi hiện có, việc đưa sản phẩm tham gia Chương trình OCOP còn được xem là giải pháp giải quyết tốt vấn đề thị trường đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản sau thu hoạch. Từ lợi ích thiết thực của Chương trình OCOP, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để hình thành thêm sản phẩm OCOP từ các hợp tác xã, tổ hợp tác hiện có tại địa phương. Đồng chí Trần Hoàng Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thông tin thêm: “Thời gian tới, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ các hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu thông qua việc hỗ trợ thiết kế, in ấn các bao bì, kết nối sản phẩm OCOP của các hợp tác xã vào hệ thống thương mại điện tử. Trong tương lai, Chi cục cũng tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh và Hội đồng nhân dân Nghị quyết về hỗ trợ chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, chủ yếu tập trung hỗ trợ hợp tác xã xây dựng trụ sở, chuyển đổi số, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia các lớp tập huấn liên quan đến Chương trình OCOP để có kế hoạch đầu tư cho các sản phẩm tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP”.

    Phát triển kinh tế tập thể thông qua mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng xác định là đòn bẩy để phát triền bền vững nông nghiệp, nông thôn. Thông qua Chương trình OCOP, với những tiêu chuẩn gắt gao về chất lượng sẽ là động lực để các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh có sự đầu tư hơn về trang thiết bị, thay đổi ý thức canh tác phù hợp theo nhu cầu thị trường, nâng cao hơn nữa giá trị lợi nhuận, đầu tư về “chất” thay vì “lượng”, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng bền vững, hiện đại.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 72
  • Hôm nay: 5559
  • Trong tuần: 86,604
  • Tất cả: 11,461,352