Lượt xem: 1118

Đảm bảo hài hòa giữa hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 661 loài thủy sản thuộc 319 giống và 138 họ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là thủy sản nội đồng. Để đảm bảo hài hòa giữa hoạt động khai thác và khôi phục, bảo vệ, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng nhiều địa phương đã và đang tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác thủy sản theo hình thức huỷ diệt.

 


Ngành chức năng thu giữ, tiêu hủy dụng cụ khai thác thủy sản không đúng quy định.

 

    Là khu vực thuộc địa hình vùng trũng, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú là địa phương có nguồn lợi thủy sản nội đồng rất lớn với đa dạng giống loài. Khai thác, đánh bắt thủy sản vì vậy trở thành sinh kế của nhiều hộ dân. Nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên, chính quyền địa phương phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn về Luật Thủy sản và các văn bản thi hành có liên quan để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn. Hoạt động truyên truyền được địa phương tập trung chủ yếu vào các hội, đoàn thể. Nhờ vậy, đã  phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua việc tố giác, ngăn chặn các trường hợp đánh bắt bằng ngư cụ cấm hay chất độc hại... Đồng chí Phan Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú cho biết: “Qua các buổi tuyên truyền, đối với xã cũng bắt đầu tiến hành rà soát lại những hộ còn sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản. Toàn xã hiện có khoảng 411 người sử dụng xung điện trong khai thác, đánh bắt thủy sản, có khoảng 115 người sử dụng lưới mùng để đánh bắt cá. Qua đó xã cùng thành lập Ban chỉ đạo, kết hợp với chi bộ Ban nhân dân các ấp đến tận nhà để vận động bà con giao nộp lại các phương tiện này, đồng thời vận động họ ký cam kết không tái diễn”.

    Ngoài chú trọng công tác tuyên truyền, chính quyền địa phương còn phối hợp chặt chẽ với trưởng Ban nhân dân các ấp để tiến hành rà soát, lập danh sách các hộ khai thác thủy sản trái phép nhằm tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của từng hộ, từ đó, có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề cho phù hợp. Nhờ được hỗ trợ vay vốn sản xuất và chuyển giao kỹ thuật tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, nhiều cá nhân đã chủ động chuyển đổi sang các ngành nghề khác để phát triển kinh tế gia đình. Nhiều địa phương trong tỉnh trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng khi hình thành và nhân rộng được các mô hình nuôi thủy sản theo hướng có trách nhiệm, như: Nuôi cá đăng quầng trong ruộng lúa hay mô hình cá – lúa, trồng sen nuôi cá... Nhiều hộ hiện còn trở thành tuyên truyền viên tích cực, góp sức cùng địa phương trong việc khuyến khích, vận động người dân trong khu vực không tham gia khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép. Anh Nguyễn Tuấn Kiệt - ấp Phước An B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú chia sẻ: “Lúc trước cuộc sống bấp bênh nên mỗi khi không ai thuê mướn là lại đi đánh bắt thủy sản ven kênh rạch quanh nhà, chủ yếu là sử dụng xung điện. Sau này được địa phương vận động mình cũng nhận thức rõ đây là nghề cấm nên có vay số vốn để trồng tràm, nuôi cá. Kinh tế gia đình giờ ổn định nhiều, mình cũng tham gia cùng chính quyền địa phương để vận động bà con xung quanh không nên sử dụng các phương tiện trái phép để đánh bắt”.

    Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền cũng như tăng cường tuần tra, xử lý bằng các hình thức mang tính răn đe cao, đến nay, tình trạng khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm tại nhiều địa phương đã giảm đáng kể. Nhiều trường hợp tự nguyện giao nộp các dụng cụ khai thác không đúng quy định để địa phương tiến hành tiêu hủy. Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp kết hợp nhằm phát động sâu rộng phong trào toàn dân cùng thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng chí Lê Văn Hăng - Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại các hộ còn sử dụng dụng cụ cấm trong khai thác thủy sản để vận động họ giao nộp lại. Chúng tôi cũng sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ bà con nguồn vốn để chuyển đổi sinh kế bền vững hơn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cũng như Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tích cực vận động các nhà hảo tâm, các công ty, doanh nghiệp để ủng hộ nguồn giống thả về tự nhiên nhằm góp phần tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản”.

    Có thể thấy, nguồn lợi thủy sản dù đa dạng, phong phú nhưng không phải là vô tận. Bên cạnh những nỗ lực từ ngành chức năng, ý thức của mỗi cá nhân chính là biện pháp hữu hiệu để thực hiện thành công mục tiêu khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh nhà theo hướng bền vững. Qua đó, góp phần cân bằng hệ sinh thái, tạo công ăn việc làm và mang đến nguồn thu nhập chính đáng cho người dân địa phương.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 1058
  • Trong tuần: 84,464
  • Tất cả: 11,540,257