
Để sản phẩm đạt sao OCOP phải trải qua Hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Thúy Liễu
Là chủ thể có nhiều năm sản xuất món ăn truyền thống lâu đời của người dân xứ biển Vĩnh Châu, ông Trương Ngọc Ẩn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại sản xuất nông thủy sản Phúc Hào chia sẻ: Nhận thấy món sá pấu (củ cải trắng) là món ăn thông dụng, quen thuộc của người dân địa phương, nên tôi đã làm món sá pấu ngọt dùng vào việc làm bổi dồn phía trong phần bụng của vịt quay bán tại các cửa hàng vịt quay của gia đình. Khi thưởng thức món sá pấu ngọt ăn kèm vịt quay, người tiêu dùng đánh giá rất cao nên tôi quyết định sản xuất số lượng sá pấu ngọt nhiều hơn bằng cách đầu tư máy sấy lạnh, máy in ấn date để đóng hộp sản phẩm cung cấp ra thị trường. Với món ăn này đã làm cho nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm sá pấu ngọt của Vĩnh Châu hơn. Tuy nhiên, với mong muốn mở rộng thị trường và quảng bá món ăn truyền thống của địa phương đến nhiều khách hàng hơn, tôi đã đưa sản phẩm sá pấu ngọt tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sao OCOP và sản phẩm đã đạt sao 3 sao OCOP năm 2024.
Cũng theo lời ông Ẩn, sau khi sản phẩm đạt sao OCOP, số lượng đơn hàng bán ra tăng từ 50 - 60% so với khi chưa đạt sao OCOP. Vì vậy, để nâng chất lượng, số lượng sá pấu ngọt cung ứng đến tay người tiêu dùng, ông Ẩn đã đầu tư thêm trang thiết bị như máy bào sợi, máy hút chân không và được ngành chuyên môn hỗ trợ thêm máy sấy lạnh trở bề năng lượng mặt trời. Nhờ đó, sản lượng sản phẩm chế biến nhiều hơn gấp nhiều lần, so với trước kia và hầu như tất cả các công đoạn sản xuất sá pấu đều thực hiện bằng máy móc. Hiện tại, sản lượng sá pấu ngọt sản xuất bình quân trên 250kg/ngày và số lượng có thể sản xuất nhiều hơn nếu khách hàng yêu cầu số lượng lớn. Ngoài sá pấu ngọt, ông Ẩn còn sản xuất sá pấu chua ngọt, sá pấu muối với sản lượng vài tấn đến hàng chục tấn/tháng. Dự kiến trong quý I năm nay, ông Ẩn sẽ đưa sản phẩm sá pấu chua ngọt và sá pấu mặn tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm 3 sao OCOP và trong đợt 1/2025 sẽ tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm 4 sao OCOP đối với sản phẩm sá pấu ngọt, bởi sá bấu ngọt đã đạt hầu hết các tiêu chuẩn 4 sao OCOP theo quy định.
Cũng là doanh nghiệp có tiếng trong chế biến thực phẩm của huyện Châu Thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm Nấm xuất khẩu Tư Thao Sóc Trăng có nhiều sản phẩm đạt 4 sao OCOP, như dứa đóng hộp, nấm rơm đóng hộp, bắp non đóng hộp, hạt sen đường phèn. Ông Nguyễn Quang Trung - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm Nấm xuất khẩu Tư Thao cho biết, từ khi sản phẩm của đơn vị đạt sao OCOP, đơn vị đã có thêm nhiều kênh bán hàng hơn trước và có nhiều khách hàng tìm đến mua sản phẩm hơn, theo đó số lượng sản phẩm bán ra thị trường tăng hơn 30% so với trước. Bên cạnh cung ứng thị trường trong nước, các sản phẩm đạt sao OCOP đã và đang xuất khẩu sang một số nước trên thế giới. Nhờ đạt được sao OCOP, đơn vị đã được địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ về cải tiến bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại góp phần cho sản phẩm đẹp mắt hơn và được người tiêu dùng trong nước biết đến sản phẩm nhiều hơn. Từ đó, đơn vị đã không ngừng cải tiến các trang thiết bị phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nếu như ông Ẩn, ông Trung có sản phẩm nông sản địa phương, dùng chế biến các sản phẩm đạt sao OCOP, thì ông Trần Quốc Thanh, chủ thể Yến sào Quốc Tín tại Phường 1, thị xã Vĩnh Châu dựa vào điều kiện thiên nhiên sẵn có “chim trời” là những con chim yến để tạo ra những tổ yến, để góp mặt vào đa dạng các sản phẩm đạt 4 sao OCOP là Yến sào chưng sẵn hương lá dứa, Yến sào chưng sẵn vị đông trùng hạ thảo, Yến sào Quốc Tín, Yến cao cấp ăn liền và 1 sản phẩm là Yến thô đạt 3 sao OCOP. Ông Quốc Thanh cho biết: “Tôi có tổng số 12 nhà nên sản lượng yến thô thu hoạch hằng tháng lớn và ổn định, tận dụng nguồn yến thô có sẵn tôi đã đa dạng hóa các sản phẩm từ yến để tham gia hội thi đánh giá xếp hạng sao OCOP. Khi sản phẩm đạt sao OCOP người tiêu dùng đã tin dùng sản phẩm nhiều hơn và lượng khách hàng tăng lên từ 30 - 40%. Từ sự ủng hộ của khách hàng, tôi đã không ngừng nghiên cứu tạo ra các sản phẩm yến chế biến phù hợp nhu cầu người tiêu dùng và để cho ra sản phẩm mới, tôi mạnh dạn đầu tư hàng loạt các trang thiết bị phục vụ chế biến yến nên hầu hết công đoạn chế biến yến tại hộ đều làm bằng máy nên sản phẩm an toàn tuyệt đối về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng khi đưa ra thị trường”.

Ông Trần Quốc Thanh (thứ 2 từ trái sang), Chủ thể Yến sào Quốc Tín, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) giới thiệu sản phẩm chế biến từ yến. Ảnh: Thúy Liễu
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng - Trần Trọng Khiêm cho biết: “Qua 6 năm triển khai Đề án Chương trình OCOP đã góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương, các sản phẩm đạt sao OCOP với chuẩn chất lượng quy định có giá bán tốt hơn, số lượng bán ra nhiều hơn đem về lợi nhuận tốt hơn cho chủ thể OCOP, góp phần cải thiện sinh kế cộng đồng, gia tăng phát triển kinh tế địa phương. Tới đây, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội thi đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP; phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ cho chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh tham gia đăng ký giới thiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản xuất OCOP; hỗ trợ trang thiết bị cần thiết phù hợp cho từng chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng…”.
Thúy Liễu