Lượt xem: 878

Sóc Trăng kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong chăn nuôi

Lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản chiếm tỉ trọng khá cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp và đóng góp không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế của tỉnh Sóc Trăng. Với sự phát triển mạnh về tổng đàn và diện tích nuôi; hằng năm, các hộ nuôi trên địa bàn phải sử dụng một lượng lớn các loại thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh,... Để đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm từ thịt động vật; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để cơ sở kinh doanh thuốc thú y cũng như hộ nuôi tuyệt đối không kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm.

    Hiện nay trên thị trường có hơn 6.000 loại thuốc thú y của trên 90 nhà sản xuất có trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Mặc dù đã có những văn bản xử phạt cụ thể, nhưng vì lợi ích kinh tế, việc sử dụng hóa chất, kháng sinh không rõ nguồn gốc trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản vẫn cứ tiếp diễn và khó kiểm soát. Từ đó đã để lại tồn dư các hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, làm mất uy tín của cơ sở kinh doanh và gây ra những hệ lụy kéo dài cho hộ nuôi, cơ sở nuôi. Bên cạnh đó, việc sử dụng một cách lâu dài còn có tác hại xấu đến môi trường và gây ảnh hưởng nặng nề cho kinh tế nước nhà.


Lấy mẫu kiểm tra thức ăn, thuốc thú y tại cơ sở kinh doanh.

 

    Hiện nay, tổng số cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thú y thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 668 cơ sở; trong đó, 228 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, 440 cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản; phân bố đều ở các huyện, thị trong tỉnh. Để tăng cường quản lý, kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đều xây dựng các kế hoạch kiểm tra, lấy mẫu thức ăn chăn nuôi kiểm tra sự hiện diện của chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục đã tổ chức 03 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra 42 cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, thức ăn chăn nuôi tại các huyện, thị xã, thành phố; lấy 38 mẫu thuốc và thức ăn chăn nuôi gửi Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc thú y Trung ương 2 phân tích, kiểm định. Đồng chí Nguyễn Mạnh Khương - Trưởng Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Để tăng cường quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, hằng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và đã thực hiện lấy 150 mẫu nước tiểu heo chờ giết mổ, các sản phẩm động vật và thức ăn chăn nuôi để kiểm tra tồn dư kháng sinh cấm và chất cấm salbutamol trong chăn nuôi. Đồng thời, phối hợp chính quyền các địa phương trong việc phổ biến, tuyên truyền về tính nguy hại của chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe của con người và triển khai ký cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng chất cấm cho các chủ trang trại, hộ chăn nuôi. Nhờ thực hiện các biện pháp trên, nên trong nhiều năm liên tục trên địa bàn tỉnh không phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng”.

    Bên cạnh đó, thực hiện theo Thông tư 12/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 26/2012/TT-BKHCN chi cục thường xuyên tổ chức kiểm tra thủ tục hành nghề kinh doanh thuốc thú y, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc thú y, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y; kiểm tra điều kiện lưu hành các sản phẩm thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; trang thiết bị, dụng cụ trưng bày, kho lưu trữ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa.. Hầu hết các chủ đại lý, cửa hàng, kinh doanh mua bán sử dụng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi đều có ý thức hơn trong việc ghi chép xuất xứ, kiểm tra thành phần chất cấm trong từng mặt hàng. Anh Bùi Long Toàn - Chủ cửa hàng thuốc thú y Toàn Ngân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Mình kinh doanh có chọn lọc, nhập hàng tại các công ty lớn, có uy tín; hàng hóa trước khi nhập là kiểm tra xem nó có được lưu hành trong danh mục cho phép hay không, có bao bì, nhãn mác rõ ràng thì mới tiến hành nhập hàng. Ngoài ra mỗi sản phẩm khi bán ra thị trường đều được ghi chép lại cụ thể trong sổ sách hoặc máy vi tính”.

    Ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại các cửa hàng kinh doanh thì công tác kiểm tra, quản lý tại nơi sản xuất là các trang trại, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh càng được thắt chặt. Chi cục thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra tại cơ sở nuôi về tình hình sử dụng thuốc, thức ăn chăn nuôi tại trang trại, kiểm tra nhãn mác, xuất xứ hàng hóa sử dụng, lấy mẫu nước tiểu heo thực hiện phương pháp Test nhanh kiểm tra Salbutamol. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra nên nhiều năm qua chưa phát hiện trường hợp sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Chi cục đã tổ chức tuyên truyền đến các cơ sở chăn nuôi và người dân trên địa bàn tỉnh về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và vận động 683 hộ bao gồm các hộ chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn, không sử dụng, kinh doanh chất cấm.


Kiểm tra việc bảo quản thuốc thú y, chất kháng sinh tại hộ chăn nuôi

 

    Anh Nguyễn Toàn Trung - hộ chăn nuôi heo ở xã Song Phụng, huyện Long Phú cho biết: “Tôi chăn nuôi heo cũng được năm rồi, gia đình thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, có tủ riêng để bảo quản kháng sinh dùng trong chăn nuôi; các loại thức ăn và thuốc thú y cũng mua tại những cơ sở có uy tín, có thông tin rõ truy xuất nguồn gốc; mình chăn nuôi an toàn thì sản phẩm bán ra có uy tín hơn nên phải tuân thủ tốt theo khuyến cáo”.

    Bên cạnh những tác hại khó lường về môi trường hay sức khỏe; việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ khiến nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu sẽ bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cảnh báo tồn dư hóa chất và bị trả về nặng hơn có thể cấm xuất khẩu, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước ta, đặc biệt đối với lĩnh vực thủy sản. Do vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người nuôi cần thực hiện nghiêm túc 3 không: Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist, cysteamine, vàng ô và các chất khác quy định tại Phụ lục V Thông tư số 21/2019/TT-BNNPTNT); không sử dụng thuốc thú y, thủy sản ngoài danh mục được phép lưu hành; không sử dụng thuốc thú y, thủy sản không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 4 đúng: Đúng loại: “bệnh nào thuốc nấy” xác định đúng bệnh để dùng đúng thuốc; đúng lúc: Thuốc để trị bệnh chỉ đạt hiệu quả cao khi sử dụng đúng thời điểm; đúng liều lượng: Theo liều lượng sử dụng thuốc ghi trên nhãn hoặc hướng dẫn của cán bộ chuyên môn; đúng cách: Sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.

    Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục tuyên truyền để chủ cơ sở, hộ nuôi, cơ sơ sở nuôi hiểu rõ hơn những tác hại mà việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm gây ra; đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; góp phần phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 92
  • Hôm nay: 2949
  • Trong tuần: 94,060
  • Tất cả: 11,209,679