Lượt xem: 372

Sóc Trăng khẩn trương hoàn thiện các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, đê biển

Mặc dù chỉ mới bước vào đầu mùa mưa, nhưng trong những tuần qua, tại tỉnh Sóc Trăng đã ghi nhận nhiều điểm sạt lở bờ sông ở các địa phương nằm ven sông Hậu. Nhận định từ ngành chuyên môn cho thấy, loại hình thiên tai này khả năng sẽ còn xảy ra nhiều hơn vào cao điểm mùa mưa bão sắp tới. Bên cạnh khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở đã xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hiện vẫn đang tiếp tục rà soát các khu vực có nguy cơ cao, đồng thời đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình để có sự chủ động hơn trong công tác ứng phó, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ thiệt hại.

 


Công trình thi công kè Rạch Vọp (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách)

 

    Kè Rạch Vọp thuộc địa phận xã Trinh Phú, huyện Kế Sách là một trong những công trình quy mô thuộc Dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có tổng kinh phí đầu tư là 70 tỷ đồng. Với tổng chiều dài toàn tuyến là 556m, công trình khi hoàn thành không chỉ góp phần bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của người dân ven khu vực, mà còn tạo cảnh quang môi trường khi dọc tuyến kè sẽ có thêm phần đường rộng 3m dành cho người đi bộ. Công trình hiện đạt khoảng 50% tiến độ, dự kiến hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với thời gian đã cam kết trong hợp đồng. Để đảm bảo khai thác và vận hành tốt nhất, chất lượng từng hạng mục thuộc công trình luôn được đơn vị thi công chú trọng. Đồng chí Kiều Văn Công - Phó Giám đốc Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Việc quản lý chất lượng công trình là một nhiệm vụ hết sức quan trọng được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Về phía Ban cũng thường xuyên theo dõi, giám sát từng phần việc, từ nghiệm thu vật liệu đầu vào đến quá trình thi công từng hạng mục. Ngoài ra Ban cũng thành lập các tổ quản lý chất lượng để tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất hạng mục công trình theo chức trách. Định kỳ hàng tháng thì lãnh đạo Ban cũng nhắc nhở đơn vị thi công và nhà thầu kịp thời khắc phục, sửa chữa những tồn tại, thiếu sót phát sinh tại công trình”.

    Tại huyện Long Phú, tính từ đầu năm đến nay cũng đã ghi nhận 5 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài 222 m, tình trạng sạt lở xảy ra chủ yếu tại tuyến bờ sông Rạch Mọp và bờ sông Saintard. Để khắc phục hoàn toàn sự cố sạt lở tại những khu vực trên, cần nguồn kinh phí rất lớn để triển khai thực hiện một số công trình. Vì vậy, giải pháp tạm thời được huyện chỉ đạo là vận động người dân tại các khu vực nguy cơ di dời đến nơi an toàn, tiến hành đắp bờ tạm và xây dựng kè sinh thái nhằm giảm thiểu áp lực dòng chảy tác động trực tiếp vào hai bên bờ sông. Đồng chí Huỳnh Quốc Lâm – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Phú thông tin: “Huyện cũng yêu cầu người dân sống ven sông nên hạ đốn hoặc mé nhánh đối với những cây có tán to, khuyến khích người dân nên trồng những loại cây có thể giữ được đất như là cây bần hoặc dừa nước. Về giải pháp lâu dài, huyện cũng đề nghị trung ương tiếp tục đầu tư để thực hiện kè kiên cố nhằm chống sạt lở đối với sông Rạch Mọp, đồng thời đề nghị tỉnh kiến nghị với trung ương triển khai đầu tư xây dựng âu thuyền Đại Ngãi để khắc phục sạt lở đối với tuyến sông Saintard...”.

    Bên cạnh sạt lở bờ sông, tình trạng sạt lở, xói mòn các đoạn đê xung yếu thuộc khu vực đê biển Vĩnh Châu cũng là vấn đề rất đáng lo ngại vào mỗi mùa mưa bão. Từ đầu năm nay, ảnh hưởng của triều cường dâng cao kèm theo gió mạnh, sóng lớn đã làm sạt lở nhiều đoạn đê biển với tổng chiều dài trên 200 m tại địa bàn xã Lai Hòa và xã Vĩnh Hải. Hiện nay, công trình xây dựng kè ngầm chắn sóng từ cống số 2 đến cống số 4 với tổng chiều dài 792,85m hoàn thành đã cơ bản khắc phục được nguy cơ sạt lở trên địa bàn xã Lai Hòa. Riêng công trình gia cố sạt lở bờ biển đoạn từ K39 đến K45 thuộc địa bàn xã Vĩnh Hải hiện đã đạt tiến độ khoảng 40%. Đơn vị thi công đã và đang xây dựng các phương án khác nhau để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng ngay trong mùa mưa bão năm nay. Chỉ huy trưởng, Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông thủy lợi Hà Nội - Chi nhánh Sóc Trăng Lê Văn Tài cho biết thêm: “Việc đầu tư kết cấu kè như thế này sẽ rất hiệu quả trong việc bảo vệ tuyến đê biển tại địa phương, làm tăng quá trình bồi lắng, tạo bãi bồi để có thể trồng cây, trồng rừng phát triển du lịch về sau. Đối với đơn vị thi công cũng cố gắng tập trung các thiết bị, nhân lực, nhân sự để cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo đạt đúng thời gian như đã cam kết với chủ đầu tư”.


Công trình gia cố sạt lở bờ biển đoạn từ K39 đến K45 (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu)

 

    Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ có khoảng 5 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có từ 1 đến 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế tăng dần... Đây là những nguyên nhân chính gây nguy cơ ngập úng, triều cường, sạt lở bờ sông, đê biển... Trước dự báo về các tình huống thiên tai có thể xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó với từng cấp độ rủi ro khác nhau nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố xảy ra. Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm|: “Mùa mưa bão năm nay có khả năng xảy ra mưa trên diện rộng và ngập úng. Hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đang tiến hành rà soát, kiểm tra lại các công trình thủy lợi, nhất là vùng trũng ở vùng Ba Rinh - Tà Lim, vùng quản lộ Phụng Hiệp. Từ đầu mùa mưa đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, đê biển trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, về phía Ban cũng phối hợp với các đơn vị Trung ương xây dựng chương trình khắc phục những khu vực đã xảy ra sạt lở. Riêng đối với các công trình phòng, chống sạt lở đang triển khai thì hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các công trình được thi công khẩn trương, thuận lợi nhất, cố gắng hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay”.

    Những công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, đê biển đang được khẩn trương hoàn thiện, các văn bản, công văn chỉ đạo từ tỉnh liên tục được ban hành... Điều này cho thấy sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống thiên tai, đảm bảo đời sống và hoạt động sinh kế của người dân tỉnh nhà sẽ không còn phải phục thuộc nhiều vào sự “may rủi” từ diễn biến thời tiết cực đoan. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh Sóc Trăng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sớm bắt nhịp cùng đà tăng trưởng chung của nhiều tỉnh, thành trong khu vực.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 5064
  • Trong tuần: 87,380
  • Tất cả: 11,449,620