Máy tái chế nhựa thải được hai học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai thực hiện, thuộc về giải pháp Thiết kế và chế tạo hệ thống máy tái chế nhựa thải in 3D hoặc nhựa PET quy mô nhỏ cho hoạt động giáo dục STEM. Giải pháp được các em nung nấu ý tưởng và triển khai thực hiện suốt gần 5 tháng qua.
.jpg)
Mô hình máy tái chế nhựa thải của học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai
Em Nguyễn Quốc An, lớp 12A3, Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng nói về mục tiêu hướng đến khi thực hiện giải pháp này: “Bên trong nhà trường chúng em có một lượng lớn rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nghiêm trọng với môi trường, đặc biệt là nhựa PET và nhựa thải từ máy in 3D. Bên cạnh đó, trong hoạt động giáo dục STEM cũng thiếu vắng những giải pháp về môi trường hoặc kinh tế bền vững. Chúng em mong muốn giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong nhà trường, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm về vấn đề môi trường trong giáo viên và học sinh”.
Từ số rác thải nhựa thu gom sau quá trình in 3D và các loại nhựa PET trong sinh hoạt, qua thiết bị, nhựa được nghiền mịn, nung chảy và ép thành khuôn theo hình dạng mong muốn, trở thành các sản phẩm tái chế, có thể tái sử dụng trong đời sống.
Thiết bị tái chế nhựa không hoàn toàn mới mẻ, bởi trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm này. Tuy nhiên, giải pháp mà các em học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai thực hiện với quy mô nhỏ, chi phí thấp, dễ lắp đặt, bảo dưỡng, tạo ra mô hình giáo dục bền vững, khuyến khích tái sử dụng tài nguyên trong môi trường học tập.
Em Đặng Trang Nhật Vy, lớp 10A8, Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng bày tỏ: “Chúng em mong muốn dự án của chúng em trong thời gian tới sẽ phát triển rộng hơn, được nhiều người biết tới hơn, có thể kết hợp được nhiều công nghệ để phát triển hệ thống, có thể cho ra nhiều sản phẩm đa dạng hơn, tính thẩm mỹ cao hơn cũng như có thể mở rộng quy mô đến các trường học và các cơ sở giáo dục STEM khác”.
Đây không phải là ý tưởng đầu tiên được học sinh nhà trường thực hiện. Những năm qua, đã có nhiều ý tưởng được phát triển. Từ những ý tưởng phục vụ kinh doanh, như giải pháp Xây dựng hệ thống phân tích hành vi người dùng trong cửa hàng, đến những ý tưởng mang ý nghĩa nhân sinh như Hệ thống báo cáo và dò tìm người mắc kẹt trong các vụ cháy chung cư.
Thầy Nguyễn Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Khi các em tham gia các cuộc thi về khoa học kỹ thuật thì nhà trường hỗ trợ các em về cơ sở vật chất, tìm các nguồn kinh phí để hỗ trợ các em thực hiện dự án. Trường cũng thông tin đến phụ huynh về tiến độ thực hiện các dự án của học sinh, từ đó phụ huynh có sự đồng thuận, khuyến khích các em tham gia. Thầy cô giáo cũng tạo điều kiện về mặt thời gian để các em khi tham gia thực hiện các dự án sẽ không bị ảnh hưởng các hoạt động học tập.Các thầy cô hướng dẫn thì luôn theo sát tiến độ thực hiện dự án của các em, động viên, khích lệ các em, hỗ trợ các em khi cần thiết”.
.jpg)
Sản phẩm nhựa sau tái chế
Liên tiếp hai năm 2023 và 2024, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai đều giành được giải thưởng cao nhất của Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII và XIII. Điều này cho thấy sự quan tâm đầu tư của nhà trường dành cho các hoạt động sáng tạo của học sinh đã phát huy hiệu quả.
Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới. Việc khơi nguồn, thúc đẩy sáng tạo ngay từ ghế nhà trường góp phần quan trọng, bởi thế hệ trẻ chính là tương lai của đất nước, xây dựng một thế hệ giàu ý tưởng sáng tạo là tiền đề để đưa đất nước tiến lên.
Hà Phương