Lượt xem: 1172

Kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam - nhớ Bác Hồ!

Cách đây 96 năm, tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số đầu tiên ra vào ngày 21-6-1925. Từ số 1 đến số 107 không đề cơ quan ngôn luận, bắt đầu từ số 108 ra ngày 28-7-1929 trở về sau mới có tiêu đề của cơ quan ngôn luận là: Cơ quan của Đảng Việt Nam Cách mạng thanh niên, điểm đặc biệt hơn nữa là ở góc trái phía trên có thêm hình vẽ ngôi sao nhỏ năm cánh và hình búa liềm thay cho ngôi sao to của các số báo từ 107 trở về trước. 

    Tuy là tờ báo, xuất bản hàng tuần, nhưng do điều kiện khó khăn nên xuất bản không đều, số trang cũng dao động từ hai đến bốn trang của mỗi số, khổ 18x24cm, in litô, tên báo được viết bằng hai thứ chữ: Việt và Hán, mỗi số được in khoảng 100 bản, khi xuất bản được gửi bí mật từ Quảng Châu - Trung Quốc về Việt Nam, số ít gửi cho các tổ chức cách mạng ở Xiêm (Thái Lan). Báo được chia thành các chuyên mục như: Xã hội, bình luận, tin tức, diễn đàn, vấn đáp, phê bình, trả lời bạn đọc,… Nội dung của báo thường đề cập đến những vấn đề: Đế quốc và thuộc địa, cách mạng và cải lương, thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng cách mạng và Đảng Cộng sản, cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin,... Những bài viết đăng trên báo thường ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Về ý nghĩa, báo Thanh niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam vào đầu năm 1930.

    Từ ngày sáng lập và ra số báo đầu tiên cho đến khi về với thế giới người hiền, vào ngày 21-6 hằng năm, Bác đã có những hoạt động mang ý nghĩa quan trọng, nhân kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, từ những tài liệu lưu trữ, tác giả bài viết này lược khảo và tổng hợp một số tư liệu có liên quan nhằm tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu.


Báo chí là kênh thông tin vô cùng quan trọng của Bác để lãnh đạo cách mạng. Nguồn TTXVN

 

    Ngày 21-6-1946, Bác có bài viết giới thiệu về Binh pháp Tôn Tử với nhan đề Vấn đề quân nhu và lương thực, ký tên là Q.Th,. đăng trên báo Cứu Quốc, số 272. Trong bài viết, Bác đã phân tích những câu nói của Tôn Tử về vấn đề cung cấp quân nhu và lương thực trong chiến tranh, từ đó, Người rút ra kết luận: “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng, có binh hùng tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực không thể thắng trận được. Nếu việc cung cấp lương thực, quần áo, thuốc men, súng ống, đạn dược cho quân đội ngoài mặt trận, không làm được đầy đủ, chu đáo, binh sĩ sẽ bị hãm vào vòng thiếu thốn, sẽ mất hết tinh thần tác chiến… Cho nên tướng giỏi phải tìm hết mưu kế để cướp lấy lương thực của quân địch”.

    Ngày 21-6-1948, Bác gửi điện tới Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ khen đồng bào xã Giới Xuân, tỉnh Gia Định về thành tích đã thanh toán xong nạn mù chữ, mong nhiều địa phương “bắt chước xã Giới Xuân” và nêu rõ: “Chúng ta cần phải đánh tan giặc dốt, cũng như đánh tan giặc ngoại xâm”.

    Ngày 21-6-1951, Bác có hai bài viết đăng trên báo Nhân Dân, số 13, lấy bút danh là C.B., Bài thứ nhất, có tên là: Liên Xô vĩ đại, nội dung bài này, ca ngợi đất nước và nhân dân Liên Xô đã chiến thắng phát xít Đức, trong cuộc chiến tranh vĩ đại. Bài thứ hai có tựa đề: Em bé Triều Tiên, viết về tấm gương hy sinh anh dũng của em bé Triều Tiên, lấy thân mình che hai hòm thuốc khỏi bị đạn bắn vào. Kết thúc bài viết, người khẳng định: “Trẻ con anh hùng chứng tỏ cả dân tộc anh hùng” và tin tưởng vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến của nhân dân Triều Tiên và nhân dân Việt Nam.

    Ngày 21-6-1952, với bút danh Đ.X., Bác đã viết bài Mỹ sợ hòa bình, đăng  trên báo Cứu Quốc, số 2104. Nội dung bài báo dẫn chứng cách tính toán của Mỹ qua các con số đăng trên báo chí về việc tư bản Mỹ thu lãi bao nhiêu trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên để lý giải vì sao Mỹ sợ hòa bình.

    Ngày 21-6-1955, bài viết Xã kiểu mẫu, được Bác lấy bút danh là C.B., đăng trên báo Nhân Dân số 475. Nội dung của bài viết, Bác biểu dương nhân dân xã Nam Thượng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã đoàn kết chặt chẽ, thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau chống lũ lụt, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng tổ đổi công. Ngoài ra, bà con trong xã còn dành dụm được hai tấn ngô, khoai, giúp đỡ xã bạn đang gặp khó khăn về lương thực.

    Ngày 21-6-1959, Bác có bài viết với tựa đề Điện Biên Phủ, lấy bút danh T.L., đăng trên báo Nhân Dân, số 1923. Bài báo đề cập đến ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, nguyên nhân thất bại của quân viễn chinh Pháp, đồng thời khẳng định: “Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi”. Cuối cùng, Người kết luận bằng bốn câu thơ: “Cũng trong một cuộc Điện Biên / Ta mừng thắng lợi Pháp phiền xấu xa / Trăm năm trong cõi người ta, / Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thù”.

Ngày 21-6-1961, với bài viết có nhan đề: Mỹ mà không đẹp, ký bút danh T.L., đăng trên báo Nhân Dân, số 2648, Bác đã dẫn tin tức của các bài báo tại Mỹ đã được đăng vào những ngày cuối tháng 5 nói về tình trạng thanh thiếu niên Mỹ hư hỏng, phạm tội giết người ngày càng nhiều do “sinh hoạt kiểu Mỹ”, do “giáo dục theo lối tư bản phát xít” và tin tức của các báo Liên Xô nói về thái độ và thành quả lao động của thanh thiếu niên Liên Xô, từ đó, Người kết luận: “Mỹ mà không đẹp”, “chế độ nào có thanh niên ấy”.

    Ngày 21-6-1963, báo Nhân Dân, số 3372, đã đăng bài viết của Bác với nhan đề: Thư gửi Đại hội Tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc. Trong bài viết, Người nêu về ý nghĩa của đại hội Tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa, những thành tích đã đạt được và một số hạn chế của phong trào. Từ đó, Bác nêu lên một vài ý kiến về Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa. Cuối cùng, Người kết luận: “Công việc tuy nhiều và khó khăn không ít, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi. Chúng ta phải thắng lợi vì đó là sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh để thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.

    Ngày 21-6-1966, Bác có bài viết Người anh hùng của nước Triều Tiên anh hùng, đăng trên báo Nhân Dân, số 3735, với bút danh Chiến Sĩ. Bài viết tóm tắt có nội dung bài báo được đăng trên báo Lao động Tân Văn (Triều Tiên), viết về tấm gương chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước của anh hùng Triều Tiên tên là Lý Minh Tích.

    Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta không nhận mình là nhà văn, nhà thơ mà chỉ tự nhận mình là “một người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Bởi trong thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và có những hoạt động gắn liền với báo chí. Những bài viết của Người đăng trên báo có giá trị sâu sắc, là cẩm nang để mọi người học tập và làm theo.

    Vì thế, ngày 05 tháng 02 năm 1985, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Chí Công đã ký Quyết định số 52-QĐ/TW về Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, trong Quyết định đã nêu: “Ngày 21-6-1925, báo Thanh niên, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra số báo đầu tiên. Từ đó báo chí cách mạng Việt Nam ra đời. Để ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập báo chí cách mạng, phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, nêu cao vai trò của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân hiện nay, Ban Bí thư đồng ý hằng năm đến ngày 21-6 thì tổ chức Ngày báo chí cách mạng. Ngày báo chí cách mạng là dịp để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, đề cao vai trò của báo chí trong xã hội, nêu cao trách nhiệm của các nhà báo, tăng cường quan hệ giữa báo chí và bạn đọc,v.v.. Thông qua “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, các nhà báo cùng toàn Đảng, toàn dân đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của báo chí, khiến cho báo chí có thể phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

    Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-6, báo giới cũng như bạn đọc và nhân dân lại càng tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta, Người đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản vô cùng quý báu cho nhân dân Việt Nam và cả nhân loại. Những di sản mà Người để lại cho chúng ta học tập và làm theo từ thế hệ này sang thế hệ khác trong đó có lĩnh vực báo chí.

Nguyễn Văn Triều - Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 26, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

2. Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (2016), từ tập 1 đến 10 tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011) từ tập 1 đến tập 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật.

4. Báo Nhân Dân, số: 13 (năm 1951), số: 475 (năm 1955), số: 1932 (năm 1959), số: 2648 (năm 1961), số: 3372 (năm 1963), số: 3736 (năm 1966).

5. Báo Cứu Quốc, số: 272 (năm 1946), số: 2104 (năm 1952).



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 147
  • Hôm nay: 8841
  • Trong tuần: 99,952
  • Tất cả: 11,215,571