Lượt xem: 1050

Công tác tuyên giáo với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại khu vực Tây Nam bộ

 

    Kỳ 2: TÍCH CỰC GÓP PHẦN BẢO VỆ VỮNG CHẮC NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG VÀ CHẾ ĐỘ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

    Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là một nội dung hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Trong nhiệm vụ quan trọng đó, với vai trò là nòng cốt, Tuyên giáo toàn quốc nói chung, Tuyên giáo tại khu vực Tây Nam Bộ nói riêng luôn đòi hỏi phải bám sát cơ sở lý luận và thực tiễn, làm tốt công tác tư tưởng, lý luận, tuyên truyền; đồng thời, nhận diện đầy đủ, chính xác âm mưu, thủ đoạn, các quan điểm sai trái, thù địch để tổ chức đấu tranh phản bác một cách hiệu quả nhất, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

    Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” tại khu vực Tây Nam Bộ hiện nay, công tác tuyên giáo tại các tỉnh, thành khu vực Tây Nam Bộ cần tập trung khẳng định, làm rõ, làm thật tốt một số nội dung cơ bản sau:

    1. Công tác tuyên giáo khu vực Tây Nam Bộ bám sát các luận cứ về lịch sử vùng đất, con người Tây Nam bộ, đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ của các thế lực thù địch

    Có thể nói, “Lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ” là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch đang ra sức chống phá quyết liệt nhất, bằng nhiều hình thức tuyên truyền xuyên tạc sự thật về lịch sử vùng đất này, gây ngộ nhận trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, lôi kéo các thế lực chống đối theo chúng. Chúng ngụy biện rằng Tây Nam bộ là vùng đất của “Nhà nước Khmer Krom” (trong đó, tổ chức “Liên đoàn Khmers Kampuchea Krom - KKK - KKF” - KKF một tổ chức do một số người lưu vong ở nước ngoài được sự hậu thuẫn của Mỹ và một số tổ chức phản động dựng lên đóng vai trò trung tâm) xa xưa, các thế lực thù địch rêu rao rằng: Việt Nam “cướp đất” của người Khmer Camphuchia, hoặc Camphuchia “bán đất” cho Việt Nam, trên cơ sở đó chúng tuyên truyền, tập hợp, kích động những phần tử xấu, thù địch, gây chia rẽ tình đoàn kết giữa Việt Nam và Camphuchia…

    Thực tiễn lịch sử cho thấy, từ lâu đời trong quá trình hình thành và phát triển, các tộc người ở Tây Nam bộ (Kinh - Khmer - Hoa - Chăm…) đoàn kết cùng chung sống, xây dựng cộng đồng thống nhất cũng như cùng với các tộc người Việt Nam đấu tranh chống ngoại bang, chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quốc gia thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay. Là vùng đất “đi trước về sau”, được mệnh danh là vùng đất “Thành đồng của Tổ quốc”; có vị trí địa chính trị, kinh tế và quân sự đặc biệt quan trọng của Việt Nam với ba mặt giáp biển, 7 tỉnh giáp biển Đông với tổng chiều dài bờ biển trên 744,7km và hàng trăm đảo lớn nhỏ; có 4 tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Camphuchia với tổng chiều dài đường biên giới trên 348 km; là cửa ngõ của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Đây là những chứng tích lịch sử không chối cãi, Tây Nam bộ là của Việt Nam.

    Ngoài vấn đề bịa đặt về lịch sử vùng đất này, các thế lực thù địch còn lợi dụng vấn đề nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để vu cáo, gây tư tưởng hoài nghi, kích động, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc tại Tây Nam bộ, nhất là việc chia rẽ đồng bào Khmer với các đồng bào dân tộc khác. Để chống lại âm mưu này, cần khẳng định vùng đất Tây Nam bộ sớm là nơi gặp gỡ, giao thoa, tiếp biến, vượt gộp của khá nhiều nền văn hóa tộc người (văn hóa Óc Eo, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Ấn độ, văn hóa Ăng Ko...) và nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo hòa quyện; là nơi thiên di và sinh tụ của nhiều tộc người trong lịch sử, họ đã chung lưng đấu cật, hòa hợp dân tộc chống lại những kẻ thù muốn ngự trị họ, chống cường hào, địa chủ, cùng nhau xây dựng nên một vùng đất mới. Trong lịch sử phát triển của mình, các tộc người Tây Nam bộ là quá trình quốc gia thống nhất, thống nhất về cương vực, thống nhất dân tộc trên cơ sở tinh thần yêu nước và ý thức tự cường dân tộc, tạo nên tinh thần đoàn kết thống nhất và sự cố kết cộng đồng mang tính quốc gia - dân tộc, mang đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam, nền chính trị Việt Nam. Những giá trị, tài sản tinh thần ấy mang cấu trúc ý thức về cương vực, lãnh thổ; ý thức về cội nguồn của nước, chủ quyền quốc gia; ý thức về dựng nước, giữ nước và mở nước; ý thức về nòi giống, cộng đồng dân cư; ý thức về văn hóa dân tộc, tộc người, về văn minh, văn hiến; ý thức về lợi ích, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích tộc người; ý thức về dân tộc và nhân loại, mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế. Tất cả được trao truyền, tiếp biến qua các thời kỳ lịch sử Tây Nam bộ để cộng hưởng với chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nền chính trị Việt Nam, đấu tranh vì chủ quyền quốc gia, vì độc lập dân tộc theo tư tưởng, đường lối chính trị Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Ngày nay, phát huy truyền thống đó, Tây Nam bộ - vùng đất “Thành đồng của Tổ quốc” trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược - đang trỗi dậy của một vùng đất đầy tiềm năng, vùng địa chính trị, kinh tế trọng điểm của quốc gia trong xu thế phát triển mới; vùng đất “chín rồng” đang khắc phục những khó khăn, hạn chế, tận dụng lợi thế đẩy nhanh cấp độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập, giao lưu quốc tế theo quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng. Trong quá trình này, cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là vấn đề lịch sử vùng đất, vấn đề dân tộc, tôn giáo, vấn đề đoàn kết các dân tộc cần được quan tâm đặc biệt.

    Như vậy, đây là một trong những nội dung cốt lõi mà công tác tuyên giáo Tây Nam bộ phải tập trung làm rõ. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng cần nắm chắc những luận cứ, sự thật lịch sử, cũng như quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước để khẳng định sự thật lịch sử Tây Nam bộ là của Việt Nam, không chối cãi, không ngụy biện, không thể chia cắt; dân tộc là hòa hợp tiếp biến không thể chia rẽ; tôn giáo là đời sống tinh thần của tộc người hòa quyện trong nền văn hóa Việt Nam. Công tác tuyên giáo cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đồng bào Tây Nam bộ, đấu tranh lật tẩy âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, lực lượng tuyên giáo Tây Nam bộ cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các hiệp định về biên giới đất liền, biên giới biển mà Nhà nước ta đã ký kết với các nước có đường biên giới chung; phổ biến nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về biên giới, lãnh thổ quốc gia đến các tầng lớp nhân dân.

    2. Công tác tuyên giáo Tây Nam bộ với việc nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng

    Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế vô cùng quan trọng của đất nước và là vùng đất mới, đa dân tộc, đa tôn giáo, các thế lực thù địch coi khu vực Tây Nam bộ là vùng “tiềm năng” để tập trung chống phá. Mặt khác, vì nhiều lý do khác nhau, kinh tế Tây Nam bộ chưa phát triển tương xứng, trình độ dân trí còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, mức độ tham gia đời sống chính trị của các tầng lớp nhân dân còn hạn chế. Điều đó cho thấy, những vấn đề khó khăn, thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Tây Nam bộ hiện nay. Vì vậy, công tác tuyên giáo tại Tây Nam bộ cần đi vào làm rõ, nhận diện đầy đủ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ở một số vấn đề sau:

    Thứ nhất, nhận diện âm mưu, thủ đoạn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch

    Các thế lực thù địch đang tập trung vào việc phê phán, đả kích đi đến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng cho rằng, “Chủ nghĩa Mác - Lênin đã hết thời”; Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng là sai lầm, không phù hợp truyền thống lịch sử Việt Nam; xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) chỉ là ảo tưởng, lừa mị. Chúng cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin là của châu Âu, chỉ phù hợp phần nào đó, trong giai đoạn lịch sử nhất định ở châu Âu. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ thì chủ nghĩa Mác - Lênin đã hết thời, không còn đất “dụng võ” và các nguyên lý, lý luận chủ nghĩa Mác là không tưởng. Trong khi Việt Nam vẫn theo đuổi, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động là không có cơ sở để lãnh đạo đất nước, không phù hợp với thực tế khách quan; phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là phi thực tế. Chúng đánh đồng, ngộ nhận kinh tế thị trường là kinh tế thị trường tư bản chứ không có định hướng XHCN. Mặt khác, chúng “lý luận mù mờ” về CNXH của học thuyết Mác, cho rằng CNXH chỉ là “mơ ước”, không thực tiễn, chủ nghĩa Mác chỉ được nảy sinh trên sự tồn và phát triển của chủ nghĩa tư bản. Từ đó, chúng đi đến xóa nhòa giai cấp, đấu tranh giai cấp, nhất là trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản thích nghi như ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ.

    Đối với miền Nam nói chung, Tây Nam bộ nói riêng, với luận điệu “mù mờ” các thế lực thù địch cho rằng sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc thì Cộng sản không nên đưa miền Nam đi theo một đường lối thống nhất toàn quốc mà nên đi theo chủ nghĩa tư bản, theo chế độ đã có sẵn thì Tây Nam bộ không còn khó khăn như ngày nay…

    Đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, bên cạnh việc kẻ thù xuyên tạc cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng còn phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là “hiếu chiến”; du nhập chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam là sai lầm, không phù hợp với đất nước thuộc địa nửa phong kiến. Cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, không mang nội dung chủ nghĩa quốc tế trong sáng; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là xây dựng đảng độc quyền và tư tưởng về CNXH chỉ là hoài nghi.

    Thứ hai, nhận diện âm mưu chống phá Đảng và đường lối, chủ trương của Đảng

    Các thế lực thù địch cho rằng, chế độ “độc đảng” là không dân chủ, chỉ là “độc đoán, đảng trị”; Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không đúng với nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, không đúng với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Mặt khác, chúng cổ súy chế độ “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”, thực hiện cái gọi là “phi chính trị hóa” vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với lực lượng vũ trang, đặc biệt hơn là chúng đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Gần đây nhất, chúng tập trung chống phá Đại hội XIII của Đảng, tán phát nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với luận điệu rằng chế độ “độc đảng” là trở ngại duy nhất cản trở sự phát triển của đất nước và dân tộc. Lợi dụng việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và công tác nhân sự để xuyên tạc, cho rằng việc lấy ý kiến người dân cho các dự thảo văn kiện chỉ là “hình thức”. Tán phát các tài liệu dưới dạng “Thư gửi Đại hội Đảng”, “Ý kiến về dự thảo Báo cáo chính trị”, “Quan điểm về Đại hội Đảng”… để xuyên tạc, phủ nhận vai trò, ý nghĩa, nội dung các văn kiện Đại hội XIII. Lợi dụng những vấn đề yếu kém, sai phạm trong điều hành, quản lý nhà nước ta một cách phiến diện để thổi phồng, bịa đặt, gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương và các địa phương.

    Với mục đích nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước, chúng kích động, “ngụy biện” đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; phủ nhận thành quả cách mạng, công cuộc đổi mới, con đường đi lên CNXH của nước ta; bôi nhọ hình ảnh lãnh tụ, dựng chuyện chia rẽ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước. Về con đường đi lên CNXH bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng cho rằng đây là những chủ trương trái quy luật vì không có chủ nghĩa tư bản thì làm sao có CNXH; kinh tế thị trường là đúng quy luật thị trường, kinh tế thị trường định hướng XHCN là trái quy luật làm cho nền kinh tế chậm phát triển, không tự do, thiếu cạnh tranh. Về đối ngoại, chúng cho rằng Việt Nam bây giờ không có chính kiến, ai mạnh thì theo, chính sách đối ngoại không nhất quán. Ngoài ra, họ còn tấn công vào đời sống văn hóa tinh thần mang màu sắc “xâm lăng văn hóa”, khuyến khích lối sống tư bản, lối sống “hưởng thụ”, đồi trụy; tấn công vào thuần phong mỹ tục, giá trị văn hóa lâu đời của Việt Nam. Đối với chính sách dân tộc, tôn giáo, chúng rêu rao chính sách của Đảng, Nhà nước ta là phân biệt giữa dân tộc Kinh và các dân tộc “ít người” khác; lợi dụng các vấn đề tụ tập đông người chúng kích động, chống đối chính quyền rồi vu khống nói ta đàn áp tôn giáo, phân biệt dân tộc… Càng nguy hiểm hơn, những âm mưu, thủ đoạn đó lại được cấu kết với chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để thực hiện mưu đồ của chúng.

    Đó là những nguy cơ, thách thức vô cùng nguy hiểm đối với sự phát triển của đất nước, sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, việc nhận thức, nhận diện đầy đủ, rõ ràng âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch là một trong những vũ khí quyết địch chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững trận địa an ninh tư tưởng - văn hóa, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Thứ ba, nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các sự kiện chính trị của đất nước, các vấn đề có tính nhạy cảm trong xã hội để kích động, chống phá

    Thực tế diễn ra, mỗi khi đất nước có những sự kiện chính trị quan trọng thì các thế lực thù địch lại ra sức chống phá. Những ngày lễ kỷ niệm thành lập Đảng, họ chống phá Đảng, kỷ niệm thành lập nước, kỷ niệm các cuộc chiến thắng của dân tộc…, họ tìm cách phủ nhận thành quả mà nhân dân ta đã giành được; phê phán, xuyên tạc chủ trương, đường lối, bôi nhọ lãnh tụ, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn kết nội bộ; trước, trong và sau Đại hội XIII của Đảng, một Đại hội thành công rực rỡ, thế nhưng các thế lực thù địch vẫn phủ nhận quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng, đổi trắng thay đen, phủ nhận lịch sử cách mạng của dân tộc ta, phản bác, xuyên tạc đường lối đổi mới của Đảng ta…; lợi dụng vấn đề biên giới, lãnh thổ, tình hình biển đảo để nói xấu, tuyên truyền xuyên tạc, gây hoài nghi đối với chủ trương nhất quán của Nhà nước ta về vấn đề biên giới, biển đảo, chia rẽ các vùng miền.

    Trong quá trình đổi mới, phát triển, có tích cực, còn tiêu cực là khách quan, có những mặt đất nước chưa đủ nguồn lực để phát triển, giải quyết một cách căn cơ, bài bản; những vấn đề xã hội khác như bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng…, hay do tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gây nên. Đơn cử như trong phòng, chống COVID-19 đang hoành hành nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Việt Nam là đất nước thực hiện hiệu quả nhất trong phòng, chống dịch và đặc biệt thể hiện rõ giá trị “tình nhân dân, nghĩa đồng bào”, được thế giới đánh giá cao, nhiều quốc gia lấy Việt Nam làm hình mẫu trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy vậy, các thế lực thù địch vẫn ngang nhiên bôi nhọ Việt Nam, cho rằng kết quả đó chỉ là thức thời, chưa bài bản, chưa thật sự chăm lo phòng, chống dịch bệnh trong nhân dân…

    Thứ tư, nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá trên báo chí, truyền thông, trên không gian mạng

    Thực tế hiện nay, trong không gian sống và môi trường sống của con người giờ đây được bao hàm cả không gian mạng internet, môi trường này tác động, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, nhận thức, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên sự “lệch lạc về nhận thức, tư tưởng” là rất khó lường. Thực tế hằng ngày, hằng giờ kẻ thù luôn lợi dụng nền tảng internet, mạng xã hội để chống phá ta. Chúng phát động các chiến dịch “chiến tranh thông tin” một cách bài bản, có tổ chức chặt chẽ; tăng cường sử dụng các tài khoản, trang mạng xã hội, chủ yếu là trên nền tảng facebook và youtube để đăng tải bài viết, video xuyên tạc, hướng lái dư luận, kêu gọi tuần hành, kích động biểu tình. Điểm đặc biệt lưu ý là khi facebook và youtube ngày càng được kiểm soát thông tin tốt hơn tại Việt Nam, thì đối tượng chống phá có xu hướng hoạt động chuyển sang mạng xã hội Twitter và tiktok, khai thác một số loại hình chống phá mới như sách in và điện tử, truyện tranh trực tuyến, game online tiếp cận nhanh chóng, đa dạng hơn, tác động hướng đến giới trẻ chưa có quan điểm, lập trường vững vàng.

    Chúng triệt để khai thác thông tin sơ hở trên báo chí, truyền thông, cắt ghép phát biểu, phát ngôn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số đại biểu Quốc hội; khai thác khoảng trống thông tin, thông tin nhạy cảm về đời tư của cán bộ, đảng viên để tuyên truyền xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo; tận dụng không gian mạng và sự đa dạng của các loại hình dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, ra sức tuyên truyền xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ... với thủ đoạn lồng ghép, pha trộn thông tin “thật - giả”, tạo thông tin mập mờ, cắt ghép hình ảnh, video về các đồng chí lãnh đạo cấp cao để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu; trích dẫn các bài phỏng vấn, ý kiến của các nhân vật nổi tiếng, có tư tưởng bất mãn, cơ hội chính trị để dẫn dụ, thu hút dư luận.

    Bên cạnh các nội dung chống phá trên, các thế lực thù địch còn lợi dụng các vấn đề an ninh phi truyền thống như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, nghèo đói, di dân,… đặc biệt đó là vấn đề an ninh mạng, thực hiện “xâm lăng văn hóa” để công kích, chống phá vấn đề an ninh quốc gia như: An ninh chính trị - An ninh kinh tế - An ninh văn hóa - An ninh quốc phòng. Đây là bốn trụ cột của quốc gia và cũng là bốn trụ cột trong quan hệ quốc tế phải đấu tranh không khoan nhượng, phải được bảo vệ vững chắc, bất khả xâm phạm.

    Tóm lại, nhận diện đầy đủ, đúng bản chất 4 nội dung và các vấn đề nêu trên trong âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ở khu vực Tây Nam bộ là nhiệm vụ thường trực, cốt lõi đảm bảo thắng lợi cho công tác tuyên giáo tại Tây Nam bộ hiện nay. Công tác tuyên giáo của mỗi địa phương, tỉnh, thành phố, mỗi cán bộ tuyên giáo cần phải thật sự chủ động, sáng suốt, linh hoạt dựa trên luận cứ khoa học và thực tiễn, thế giới quan, nhân sinh quan của chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng và sự thật lịch sử vùng đất Nam bộ, Tây Nam bộ để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

    3. Công tác tuyên giáo cần bám sát cơ sở lý luận và thực tiễn của đất nước, của thế giới để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả trong giai đoạn mới

    Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ Nam cho hành động. Điều này là bất di bất dịch, thể hiện nguyên tắc, định hướng đường lối của Đảng trong 92 năm qua. Những chiến thắng vẻ vang, những thành tựu của 35 năm đổi mới đất nước đã chứng minh lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, hợp quy luật, ngày càng được xác định rõ hơn và từng bước hiện thực hóa “đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Điều đó đã được khẳng định trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. 92 năm qua, Đảng ta luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để Đảng, Nhà nước, dân tộc phát triển như ngày nay. Minh chứng điều này, kết thúc bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.

    Thực tiễn sự đổ vỡ của XHCN ở Đông Âu và Liên Xô trong cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX cho thấy, một khi trong nội bộ đảng khủng hoảng về đường lối chính trị, không giữ vững được nền tảng tư tưởng và nội bộ Đảng chia rẽ, mất đoàn kết, thiếu thống nhất là mảnh đất tốt cho các thế lực thù địch công kích, bôi nhọ lý tưởng, gây tâm lý hoài nghi về con đường đi lên CNXH… Thực tế đó được Đảng ta xem xét, nhận định là bài học vô giá đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, với cách mạng Việt Nam. Muốn đất nước phát triển, muốn Đảng vững mạnh, hệ thống chính trị vững vàng cần phải đổi mới toàn diện trên cơ sở nhất quán quan điểm, đường lối chính trị; kiên định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ Nam cho mọi hành động, kiên định con đường đi lên CNXH. Đó chính là gốc rễ, là cội nguồn của mọi thắng lợi, dù cho các thế lực thù địch có ra sức chống phá, Đảng ta vẫn đứng vững, nhân dân ta vẫn tin tưởng, đất nước vẫn phát triển. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

    Một đất nước trải qua các cuộc kháng chiến khốc liệt, mất mát, hy sinh vô cùng lớn thì còn khó khăn, thách thức là lẽ đương nhiên. Nhìn lại lịch sử dân tộc, gần 100 năm thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam được gì?! Có phải chỉ được một nền kinh tế kiệt quệ, “giặc đói” hoành hành, “giặc dốt” ngự trị - đất nước chia cắt làm hai miền đó sao! 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, “nồi da nấu thịt” - miền Bắc Việt Nam bị đánh phá tàn khốc, gần như hủy diệt đó sao! Tất cả điều đó là sự thật lịch sử của một dân tộc do giặc ngoại xâm gây ra. Song, với ý chí khát vọng độc lập, tự do, phồn vinh, hạnh phúc của một dân tộc, với nền tảng lý luận tiên phong, tư tưởng tiên tiến của nhân loại được Hồ Chủ tịch bôn ba tìm kiếm, truyền bá vào cách mạng Việt Nam và được Đảng ta lãnh đạo, vận dụng, phát triển sáng tạo đã đưa dân tộc Việt Nam được như ngày nay. Đó là điều không ai có thể phủ nhận, không ai có thể xuyên tạc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta đã khẳng định điều đó: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử là kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Qua bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu chính trị trong và ngoài nước, các học giả phương Tây đi vào phân tích, bình luận, chia sẻ. Ông Jean-Pierre Archambault - Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt - Pháp tâm đắc với ba nội dung mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra cho con đường phát triển của Việt Nam là “độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “không lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa” và “phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Theo ông, đó là những lựa chọn đúng đắn, được quyết định từ rất sớm và được duy trì liên tục trong suốt thế kỷ XX cho đến nay”.

    4. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy với các lực lượng chức năng tham gia đấu tranh trong khu vực Tây Nam bộ

    Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy cần phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, tình hình hoạt động và công tác đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc; việc xử lý các tổ chức, cá nhân đăng tải, tán phát thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Ban Chỉ đạo 35 các tỉnh ủy, thành ủy tạo mối liên kết trong hành động trên không gian mạng; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hình thức đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các thông tin xấu độc.

    Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 Quân khu 9 nắm và thông tin tình hình, âm mưu, thủ đoạn, hình thức chống phá của các thế lực thù địch tại khu vực, tại mỗi tỉnh; kết quả đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động sử dụng không gian mạng tán phát thông tin xấu độc trên địa bàn.  

    Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, trường chính trị các tỉnh trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị Khu vực IV thường xuyên cung cấp thông tin, những lý luận mới, quan điểm mới của Đảng đến cán bộ, đảng viên; phổ biến những vấn đề lý luận được bổ sung, phát triển trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; đặc biệt, những vấn đề lý luận mới mang tính định hướng lớn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, phối hợp nghiên cứu, nhận diện những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động, chống phá mới của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, nhất là những vấn đề liên quan đến khu vực Tây Nam bộ; xây dựng luận cứ, viết bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đăng tải, lan tỏa, chia sẻ trên báo chí, Internet, mạng xã hội.

    Thực hiện Nghị quyết 35, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, với vai trò “đi trước - mở đường, đi cùng - phát triển, đi sau - tổng kết” đối với tiến trình cách mạng của Đảng và dân tộc ta hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành tuyên giáo rất vinh dự, tự hào khi được Đảng ta đặt trọn niềm tin thực hiện sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Ngành tuyên giáo Đảng cả nước nói chung, tuyên giáo tại khu vực Tây Nam bộ nói riêng cần bám sát cơ lý luận và thực tiễn của đất nước, nhất là quá trình hình thành vùng đất, con người Tây Nam bộ, quá trình đồng hành cùng cả nước chống giặc ngoại xâm, đi lên chủ nghĩa xã hội làm căn cứ để thực hiện hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến đến các đối tượng, quần chúng nhân dân nhằm giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng trong mọi tình huống, trong mỗi giai đoạn phát triển; tập trung nhận diện một cách đầy đủ, chính xác âm mưu, các quan điểm sai trái, thù địch để tổ chức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách hiệu quả nhất.

Xuân Định



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 94
  • Hôm nay: 6724
  • Trong tuần: 88,583
  • Tất cả: 11,506,705