Lượt xem: 2938

Bảo hiểm xã hội tự nguyện - lợi ích khi về già

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2008, qua hơn 10 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thật sự là một chính sách có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, có thu nhập thấp và không ổn định, giúp người tham gia được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro, nhất là khi về già.

 


Tham gia BHXH tự nguyện – lợi ích khi về già.

 

    Làm việc tại UBND thị trấn Long Phú 18 năm, khi nghỉ việc, ông Mai Khenl ở thị trấn Long Phú chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định. Thay vì nhận tiền BHXH 1 lần, ông Khenl quyết định tham gia BHXH tự nguyện, đóng nối vào thời gian tham gia bảo hiểm trước đó thêm 3 năm nữa cho đủ số năm theo quy định là 20 năm. Ông Khenl chia sẻ: “Nhờ chính sách BHXH tự nguyện, hiện nay, đều đặn mỗi tháng, tôi được hưởng mức lương hưu gần 2 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn nhưng ổn định, giúp tôi trang trải cuộc sống, chủ động về kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, tôi còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí nên yên tâm mỗi khi đau ốm".

    Có thu nhập ổn định từ công việc buôn bán, tuy nhiên, chị Phạm Thị Lan ở xã Long Đức, huyện Long Phú sớm nhận thức được những rủi ro bản thân có thể gặp phải khi về già, không còn khả năng lao động. Được sự tư vấn của nhân viên BHXH tỉnh, chị đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai. Chị Lan cho biết: “Được tư vấn tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Theo tôi, cuộc sống nhiều biến cố không thể biết trước được điều gì, đâu ai muốn đến lúc về già phải phụ thuộc vào con cháu, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Tham gia BHXH tự nguyện, sau này về già sẽ có lương hưu, có thẻ BHYT là tôi yên tâm phần nào rồi…”.

    Được triển khai thực hiện từ năm 2008, BHXH tự nguyện là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực. Nếu như trước đây, chỉ có cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc người lao động có hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mới được tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu, thì nhờ có chính sách BHXH tự nguyện, tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Đặc biệt, BHXH tự nguyện có phương thức đóng góp rất linh hoạt, mức phí phù hợp với khả năng đóng góp và nguyện vọng thụ hưởng sau này. Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình và có thể thay đổi mức đóng từ thấp lên mức cao hơn. Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập thì người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó.

    Đồng thời, sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cho phép người lao động trước đây tham gia BHXH bắt buộc, vì lý do nào đó phải nghỉ việc, nếu sau đó chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện, hoặc đối với trường hợp chuyển từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc thì được bảo lưu thời gian đã đóng để làm cơ sở tính hưởng chế độ BHXH. Ngoài chế độ hưu trí, người tham gia còn được cấp thẻ BHYT miễn phí cho đến khi qua đời; người thân của người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ tử tuất như với người tham gia BHXH bắt buộc.

    Theo ông Nguyễn Văn Khải – Phó Giám đốc BHXH tỉnh, công tác phát triển BHXH tự nguyện thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khả quan. 6 tháng đầu năm 2021, số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 14.631, bằng 297% so với cùng kỳ năm 2020. Để có được kết quả này, ngành BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các đoàn thể. Từ đó cho thấy việc nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi và chính sách khi tham gia BHXH tự nguyện được nâng lên rõ rệt. Thời gian tới, BHXH tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh trong công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện; tăng cường kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện cho hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý thu và mỗi cán bộ, viên chức, người lao động ngành BHXH.

    Chính sách BHXH tự nguyện là chính sách có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, có thu nhập thấp và không ổn định, giúp người tham gia được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro, nhất là khi người lao động lớn tuổi về sau này có được thu nhập nhất định để trang trải sinh hoạt hàng ngày, không phải phụ thuộc đến con cháu về sau. Quỹ Bảo hiểm xã hội được nhà nước bảo trợ, chính sách này cũng thể hiện tính nhân văn, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội.

Phương Anh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 137
  • Hôm nay: 12576
  • Trong tuần: 103,687
  • Tất cả: 11,219,306