Lượt xem: 571

Gần 82% người lao động nhận chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở Sóc Trăng thông qua tài khoản ngân hàng

Được đẩy mạnh triển khai thực hiện từ năm 2019, việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thông qua các phương thức không dùng tiền mặt đang ngày càng phát huy được những hiệu quả vượt trội, được người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ủng hộ và lựa chọn thực hiện, chiếm gần 82% tỷ lệ người hưởng các chế độ trong năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh hạn chế tiếp xúc đông người để phòng, chống COVID-19, hình thức thanh toán này giúp các hoạt động thanh toán diễn ra liên tục, không bị gián đoạn, tránh tập trung đông người, gây mất an toàn phòng dịch.

 


Chi trả chế độ BHXH tại Bưu điện huyện Mỹ Xuyên.

 

    Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội; Kế hoạch số 1764/KH- BHXH ngày 23/5/2019 của BHXH Việt Nam về thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Công văn số 539/BHXH-TCKT ngày 05/3/2021 của BHXH Việt Nam về việc giao chỉ tiêu vận động khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp, qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với bưu điện, các ngân hàng thương mại, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp… nhận tiền qua tài khoản cá nhân. Theo đó, tính đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh có 100%  người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 98,5% người hưởng chế độ BHXH một lần và 46,78% người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng lựa chọn phương thức nhận tiền chế độ thông qua tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ trung bình người hưởng chế độ nhận tiền thông qua các phương thức không dùng tiền mặt chiếm 81,76% trên tổng số người hưởng, vượt 4,82% chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử và chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn thông qua các phương thức không dùng tiền mặt đối với người hưởng thời gian qua cũng được BHXH tỉnh Sóc Trăng quan tâm và thực hiện với 100% số tiền chi trả được chuyển đến tay người hưởng thông qua hình thức chuyển khoản.

    Có thể nói việc áp dụng phương thức chi trả các chế độ về BHXH, BHTN không dùng tiền mặt theo chủ trương của Nhà nước rõ ràng đã và đang ngày càng chiếm ưu thế với ưu điểm như: Độ an toàn cao, tiện lợi, nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm chi phí đi lại cho người hưởng, hạn chế lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường... Đặc biệt, trong giai đoạn COVID-19 hoành hành như hiện nay, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt có thể được xem là một phương thức an toàn xét ở khía cạnh bảo vệ sức khỏe, tránh việc tiếp xúc, tập trung đông người gây mất an toàn do dịch bệnh.

    Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được cũng như những ưu điểm của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh thời gian qua thì cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định mà ngành BHXH tỉnh Sóc Trăng ghi nhận như: Số lượng máy rút tiền ATM tại một số huyện, thị xã còn hạn chế, chủ yếu được lắp đặt ở khu vực thị trấn, thị tứ, người dùng phải di chuyển khá xa mới rút được tiền, thường gặp lỗi khi giao dịch, chưa có ưu đãi về mức phí rút tiền cho người thụ hưởng chính sách, từ đó công tác tuyên truyền, vận động, chưa thực sự thuyết phục; người thụ hưởng, đặc biệt là cán bộ hưu trí, do tuổi cao và thói quen sử dụng tiền mặt, khả năng tiếp cận với các dịch vụ mang tính hiện đại còn hạn chế; công tác phối hợp với bưu điện còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chủ yếu là do nhân viên bưu điện được phân công kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên bị chi phối, chưa tập trung quan tâm đến công tác vận động, thuyết phục người thụ hưởng chuyển đổi hình thức nhận từ tiền mặt sang tài khoản cá nhân…. 

    Ngoài việc tăng cường quán triệt và chỉ đạo thực hiện từ tỉnh đến huyện, để thực hiện thành công mục tiêu vận động người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian tới, ngành BHXH rất cần sự chung tay, vào cuộc của các ngành, các cấp, sự phối hợp của các đơn vị có liên quan, các hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn tỉnh cùng tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, người lao động được tiếp cận các phương thức thanh toán tiên tiến, hiện đại, an toàn. Quan tâm nhiều hơn nữa việc nâng cấp, lắp đặt mới hệ thống các máy rút tiền tự động, đặc biệt là khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí đi lại cho người dùng…

 

Phòng Truyền thông & Phát triển đối tượng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 50
  • Hôm nay: 1368
  • Trong tuần: 92,479
  • Tất cả: 11,208,098