Lượt xem: 3503

“Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới”

Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị các tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong khâu thực hiện, thể chế hóa nghị quyết của Đảng thường gặp phải ở các nhiệm kỳ Đại hội trước.

    Ngày 16/6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 40 điểm cầu trên cả nước.

    Hội thảo nhằm góp phần phổ biến, tuyên truyền, quán triệt đầy đủ và sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; đề xuất những giải pháp khẩn trương xây dựng, triển khai chương trình, kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, văn kiện Đại hội XIII là sự kết tinh trí tuệ, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện tư duy lý luận và thực tiễn mang tầm nhìn chiến lược về sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hệ thống các văn kiện thể hiện nhiều điểm mới toàn diện, nổi bật trên nhiều mặt: từ trong cách làm và quá trình chuẩn bị các dự thảo, trong cách tiếp cận xây dựng văn kiện, trong chủ đề đại hội, trong xác định các bài học kinh nghiệm, đề ra hệ quan điểm chỉ đạo, xác định bối cảnh phát triển của đất nước, trong nội dung và cách xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược phát triển đất nước giai đoạn tới.


Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo

 

    GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu dự hội thảo đánh giá đúng thực trạng, định vị đúng đất nước trong sự phát triển của thế giới và khu vực, từ đó thảo luận, khẳng định sự đúng đắn, tính khả thi của khát vọng, tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội XIII đã đề ra; luận giải kỹ, nhất là phân tích các bước triển khai cụ thể, đồng bộ, nhất quán từ định hướng chiến lược đến nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá được đề cập đến trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII; phân tích, làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của phương hướng, mục tiêu, lộ trình xây dựng và kết hợp sức mạnh của nền quốc phòng, an ninh và đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới.

    Quán triệt văn kiện Đại hội XIII và những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian qua, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu dự hội thảo phân tích, nêu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, bổ sung, hoàn chỉnh lý luận về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, góp phần bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn mới.

    Để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu phân tích sâu sắc tầm quan trọng của “ý Đảng, lòng Dân” và trách nhiệm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, xứng tầm nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp phát triển đất nước mà nhân dân giao phó. Các tổ chức đảng, các cán bộ, đảng viên, nhất là các cấp lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu nêu cao ý thức trách nhiệm, chủ động, tự giác, phát huy tinh thần sáng tạo, tránh giáo điều, dập khuôn, máy móc, khắc phục bằng được sự yếu kém, chậm trễ trong khâu thực hiện, thể chế hóa nghị quyết của Đảng thường gặp phải ở các nhiệm kỳ Đại hội trước.


Các đại biểu tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

    Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, nhận thức mới của Đại hội XIII chứa đựng cả tầm vóc tư tưởng lý luận, năng lực định hướng chính sách và chỉ đạo thực tiễn, từ đó nâng cao tính thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, giữa định hướng và định hình giá trị của chủ nghĩa xã hội, giữa lãnh đạo và cầm quyền. Ở tầm tư tưởng lý luận, đó chính là tầm nhìn, mục tiêu, hệ quan điểm, các mối quan hệ lớn có tính quy luật của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, các bài học, những đánh giá tổng kết 35 năm đổi mới.

    Trong văn kiện Đại hội XIII, nhiều khái niệm mới lần đầu tiên được xuất hiện không chỉ phản ánh về mặt nội dung mà chứa đựng cả phương thức phát triển mới như các khái niệm về quốc gia phát triển, quản trị quốc gia, chỉ số hạnh phúc, kinh tế tập đoàn…Văn kiện cũng có nội dung đề cập đến việc cơ cấu lại mối quan hệ giữa an ninh và phát triển, giữa khu vực nhà nước với khu vực ngoài nhà nước, giữa yếu tố trong nước với yếu tố quốc tế, giữa quản trị quốc gia với quản trị vùng và địa phương, giữa đô thị và nông thôn, giữa động lực vật chất và động lực tinh thần…

    Trong tham luận của mình, GS.TS Lê Hữu Nghĩa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề cập, văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đưa ra một số quan điểm chỉ đạo song chưa thành hệ thống thì một điểm mới nổi bật là văn kiện Đại hội XIII đã trình bày hệ thống quan điểm chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Hệ quan điểm chỉ đạo này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, chứa đựng những nội dung mới về nhận thức lý luận, đòi hỏi trong giai đoạn tới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Các quan điểm này có quan hệ biện chứng với nhau tạo thành một chỉnh thể phản ánh lý luận về công cuộc đổi mới của nước ta. Đó là quan điểm về kiên định và sáng tạo; quan điểm về chiến lược phát triển tổng thể của đất nước; quan điểm về khơi dậy, phát huy mạnh mẽ các động lực phát triển; quan điểm về phát huy các nguồn lực để phát triển; quan điểm về xây dựng Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị, với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cấp chiến lược.


Quang cảnh Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới”

 

    GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích, trên cơ sở Mục tiêu tổng quát, Mục tiêu cụ thể, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 (dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam). Định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới kế tục nhất quán những quan điểm, chủ trương cốt lõi trong 12 định hướng tổng quát về các lĩnh vực của đời sống xã hội đã xác định trong Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng nhưng có nhiều nhận thức mới về cách tiếp cận, mục đích và nội dung.

    Báo cáo chính trị của Đại hội XIII cũng yêu cầu “hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” như Báo cáo chính trị của Đại hội XII, nhưng với nội dung và mục đích mới. Nếu ở Đại hội XII, việc hoàn thiện thể chế nhằm “nâng cao hiệu lực” quản lý kinh tế và quản lý nhà nước về kinh tế, thì Đại hội XIII nhấn mạnh mục đích “tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”.

    Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, yêu cầu mới đặt ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài”. Việc nhấn mạnh yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới giáo dục và đào tạo, lĩnh vực quốc sách hàng đầu của đất nước xuất phát từ thực tế tình hình thực tế của lĩnh vực này trong nhiệm kỳ vừa qua…

    Các tham luận tại hội thảo đã nêu bật, làm rõ những nhận thức lý luận mới của Đại hội XIII để nâng cao khả năng đi vào thực tiễn, từ đó đóng góp vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn tới./.

Minh Châu

 

Nguồn dangcongsan.vn



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 71
  • Hôm nay: 6352
  • Trong tuần: 88,668
  • Tất cả: 11,450,908