Lượt xem: 3920

Giải pháp xây dựng con người Sóc Trăng đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới

Ngày nay, khi đề cập nguồn lực quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, người ta thường chỉ ra đó là vốn con người, là nguồn nhân lực, chứ không phải là tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất hay tài chính... Với tinh thần đó “phát huy nhân tố con người”, “chăm lo nguồn lực con người” bằng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, chắc chắn rằng mục tiêu phát triển bền vững đất nước, tiến trình hiện đại hóa đất nước, mục tiêu của cách mạng, khát vọng của dân tộc sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.

    Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn xác định: Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; một tư tưởng nổi bật của đường lối đổi mới, của thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH là xây dựng và phát huy nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội. Một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[1].

    Chiến lược phát kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 đề ra quan điểm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự lực, tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị, văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh, quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững”[2].


Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

    Đề cập tới việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ ra: “Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại…”.

    Với những lý luận và chỉ dẫn của Đảng về con người Việt Nam, phát triển con người Việt Nam nêu trên là những định hướng, chủ trương, nhưng cũng là những vấn đề thách thức về xây dựng và phát triển con người đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, phát triển bền vững ở mỗi địa phương, trong đó có Sóc Trăng.

    Sóc Trăng là tỉnh ven biển thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trong khu vực Tây Nam bộ; dân số năm 2020 là trên 1,19 triệu người; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 89,95%; tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên có chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp đạt 1,41%, tăng 0,41% so năm 2015; trình độ cao đẳng đạt 1,24%, tăng 0,24% so năm 2015; trình độ đại học trở lên đạt 4,3%, tăng 1,8% so năm 2015; cán bộ, công chức, viên chức có trình độ đào tạo sau đại học tăng từ 1,34% vào năm 2012 lên 19,3% vào năm 2020. Lực lượng lao động có sức khỏe tốt, có truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo và có ý thức cầu tiến.

    Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người năm 2021 là 47,8 triệu đồng/người/năm. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đầu người năm 2020 là 9,38%; năm 2021 là 1,18% (do ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19).  Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh còn 1,95%.

    Giáo dục, y tế và chất lượng giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên các cấp học đạt chuẩn theo quy định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám, điều trị được quan tâm đầu tư; chất lượng công tác khám, chữa bệnh tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

    Đạt được các thành tựu trên do kinh tế - chính trị đất nước ổn định đã tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn kết, thống nhất, vận dụng kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động, linh hoạt trong huy động sức dân; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; xác định khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.

    Tuy nhiên, Sóc Trăng vẫn thuộc tỉnh nghèo so với các tỉnh trong khu vực; văn hóa, xã hội còn nhiều bất cập; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, các mô hình sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn nhiều vấn đề quan tâm, thiếu lao động có chuyên môn, thừa những lao động có bằng cấp nhưng không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Chất lượng giáo dục và đào tạo vẫn còn thấp so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trình độ, năng lực của cán bộ y tế cơ sở ở một số nơi còn hạn chế. Công tác đào tạo nghề từng lúc chưa gắn với nhu cầu sử dụng lao động; số lượng lao động có tay nghề, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao chiếm tỷ trọng thấp.

    Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả… tác động xấu đến nền kinh tế; xuất phát điểm về kinh tế, xã hội thấp; mặt bằng dân trí không đồng đều; tích lũy nền kinh tế hạn hẹp dẫn đến đầu tư cho nguồn lực con người còn hạn chế.

    Một số cấp ủy, chính quyền, địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị từng lúc chưa chặt chẽ, đồng bộ; tinh thần tự giác học tập, rèn luyện trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa cao; nhận thức về vai trò của học nghề, có nghề trong một bộ phận lực lượng lao động chưa có chuyển biến sâu sắc; công tác tư vấn đào tạo nghề cho người lao động và việc quản lý nhà nước về đào tạo nghề chưa được chú ý, đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội còn hạn chế; chính sách đào tạo, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực của tỉnh còn thiếu đồng bộ.

    Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về con người, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; khơi dậy ý chí tự cường, khát vọng phát triển của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, phát huy tinh thần đoàn kết, giá trị văn hóa, con người các dân tộc, hình thành nguồn lực nội sinh để phát triển; phát triển kinh tế gắn với tăng cường chăm lo nguồn lực con người Sóc Trăng về mọi phương diện, hướng con người đến chân - thiện - mỹ là mục tiêu mà tỉnh Sóc Trăng hướng đến.

    Để hiện thực hóa các phương hướng trên cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

    Một là, nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với việc phát triển con người toàn diện.

    Các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về con người, quyền con người, quyền công dân. Nâng cao nhận thức về cách tiếp cận quyền con người, quyền công dân; trên cơ sở đó thực hiện đồng bộ các giải pháp về phát triển, phát huy nguồn lực con người, các dân tộc trong tỉnh.

    Các cấp chính quyền cụ thể hóa nghị quyết thành kế hoạch, quy hoạch, phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực của tỉnh với các nhiệm vụ liên quan đến con người. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lực con người phải được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định thực hiện hiện đại hóa, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Phát triển toàn diện con người về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật trong hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, từng bước tiếp cận cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư một cách hiệu quả nhất.

    Phát triển toàn diện con người “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển” của tỉnh. Tạo mọi điều kiện, môi trường để phát huy vai trò của con người trong phát triển kinh tế, xã hội. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân; tạo các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, thực hiện công bằng xã hội.

    Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến đoàn viên, hội viên và mỗi người dân về những chủ trương, chính sách phát triển nguồn lực con người.

    Hai là, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định việc làm cho người lao động, nhất là lao động trong nông nghiệp.

    Thực tế cho thấy nhiều năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, người lao động thông quan chính sách đất đai, giải quyết việc làm, tạo việc làm... Tuy nhiên, dưới sự tác động nhiều mặt của nền kinh tế, xã hội, cơ chế thị trường mà những chính sách được thực thi tại địa phương chưa thật sự bền vững, ổn định; nhu cầu việc làm, thu nhập vẫn là vấn đề căn cơ của đại bộ phận người dân, nhất là nguồn lực lao động trẻ mà nguồn lực của tỉnh chưa đáp ứng được đầy đủ, dẫn đến lao động biến động, di cư lớn. Thực tiễn, trong bối cảnh COVID-19, di cư tìm việc làm đã cho chúng ta thấy đây là hệ quả của việc thiếu việc làm, nhu cầu việc làm, ổn định đời sống cho người lao động đang gây không ít khó khăn cho tỉnh trong phòng, chống dịch và những vấn đề sau dịch bệnh. Như vậy, có thể thấy, việc làm, thu nhập, ổn định đời sống của người lao động tại mỗi địa phương là điều kiện căn cơ nhất để người lao động “ly nông, nhưng không ly hương” của mỗi địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung.

    Ba là, phát triển nguồn nhân lực, 1 trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh.

    Tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cập nhật, bổ sung quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, chuyển đổi số, hội nhập khu vực, quốc tế và các quy định hiện hành; gắn đào tạo với sử dụng vị trí việc làm và quy hoạch cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, chất lượng công tác đào tạo; chú trọng hợp tác đào tạo khu vực và trong nước theo nhiều hình thức; khuyến khích tinh thần tự học, tự rèn của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, phát động khởi nghiệp của tuổi trẻ; đồng thời, bảo đảm chính sách tài chính, đa dạng hóa nguồn kinh phí để thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

    Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục; từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề ở từng lĩnh vực gắn kết chặt chẽ phát triển NNL với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo môi trường thuận lợi, dân chủ cho nguồn nhân lực chất lượng cao ra sức cống hiến. Coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp, với việc kiện toàn, phát triển hệ thống đào tạo nghề theo hướng hiện đại chính là giải pháp hàng đầu trong chiến lược phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng NNL.


Sóc Trăng phấn đấu chất lượng đào tạo của một số ngành, nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực. Nguồn: laodongxahoi.net

 

    Bốn là, có những phương sách bảo vệ con người trước những tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống.

    Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang tác động rất lớn chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, con người của mỗi quốc gia ở cả những mặt tích cực và tiêu cực. Trong đó, sự tác động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự hội tụ giữa thông tin, viễn thông và tin học trên nền tảng số đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực cả tích cực và tiêu cực, nhất là xuất hiện những vấn đề an ninh phi truyền thống tác động đến môi trường sống, không gian sống của con người, “ngày nay không gian sống và môi trường sống của con người bao gồm cả không gian mạng”, trong đó có những vấn đề an ninh phi truyền thống như: Vấn đề văn hóa, an ninh tư tưởng; vấn đề tiêu cực của môi trường tự nhiên; vấn đề an ninh lương thực; an ninh nguồn nước; vấn đề quản lý, bảo vệ biên giới, lãnh thổ, biển đảo; vấn đề an ninh mạng, dịch bệnh… không chỉ đặt ra thách thức cho mỗi quốc gia dân tộc mà cũng là thách thức rất lớn đối với mỗi tỉnh, thành phố trong việc chăm lo đến nguồn lực con người, nhất là các tỉnh còn nghèo, kinh tế kém phát triển như Sóc Trăng. Vì vậy, thực hiện, áp dụng các giải pháp tốt để giải quyết hiệu quả nhất đối với những vấn đề an ninh phi truyền thống là điều kiện tốt nhất để ứng phó với vấn đề an ninh phi truyền thống, cũng là đẩy mạnh bảo vệ, xây dựng, phát huy nguồn lực con người, các tộc người ở Sóc Trăng trong xu thế phát triển mới, xây dựng con người phát triển toàn diện.

    Năm là, tập trung cho việc nâng cao chất lượng dân số.

    Thực tiễn cho thấy, mấy chục năm qua, chúng ta đã đi sâu vào công tác ổn định dân số, “Dân số ổn định, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”. Hiện dân số chúng ta đã ổn định, thậm chí tỷ lệ dân số đang giảm dưới mức ổn định ở một số thành thị, địa phương. Mặt khác, thực tiễn hiện nay đang xảy ra tốc độ già hóa dân số rất nhanh, mặc dù chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng (hàng năm, Việt Nam tăng khoảng 1,4 triệu người trên 60 tuổi) thực sự là thách thức lớn cho đất nước cả về kinh tế, xã hội. Vì vậy, chuyển từ “ổn định dân số, sang nâng cao chất lượng dân số” là sự phát triển bền vững nhất. Và để nâng cao chất lượng dân số phải được bắt đầu từ việc chăm lo đến sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ trẻ em, hạn chế chênh lệch giới tính khi sinh.

    Đối với Sóc Trăng, không ngoài quy luật này, Sóc Trăng đã bước vào ổn định dân số, tuy nhiên việc chênh lệch giới tính cũng đang trở thành thách thức đối với Sóc Trăng. Nhận thức về vấn đề chất lượng dân số, về chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ, trẻ em của các cấp, các ngành còn có mặt chưa thống nhất, chính sách về vấn đề này còn chưa được thật sự chú ý; bộ phận lớn nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề dân số và sức khỏe sinh sản. Điều này cần phải được khắc phục trong những năm tới để hướng đến việc nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngay trong việc đề ra các chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu về trí lực, thể lực của con người Sóc Trăng, nâng cao chất lượng nguồn lực con người trong từng giai đoạn phát triển của tỉnh.

    Tóm lại, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực quyết định phát triển của đất nước, của mỗi địa phương. Bằng nhiều chính sách thiết thực liên quan đến phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt quyền công dân, quyền con người, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội… theo điều kiện của tỉnh trong những năm qua. Trong thời kỳ phát triển mới, việc xây dựng nguồn lực con người tỉnh Sóc Trăng cần phải thật sự chú ý đến thực hiện đồng thời các giải pháp cơ bản nêu trên. Đây sẽ là cơ sở, tiền đề vững chắc để phát triển con người tỉnh Sóc Trăng toàn diện, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.

Xuân Định



1, 2 ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, HN.2021, t.1, tr.115,116. (tr.215, 216)

 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 111
  • Hôm nay: 5157
  • Trong tuần: 84,784
  • Tất cả: 11,517,583