Lượt xem: 1010

Trần Đề đẩy mạnh chuyển đổi số

Huyện Trần Đề là địa phương được Thường trực Tỉnh ủy lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số theo Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 27/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cấp huyện đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan lựa chọn và  triển khai thí điểm các mô hình chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. 

 


Tuyên truyền hình thức thanh toàn không dùng tiền mặt cho tiểu thương chợ thị trấn Lịch Hội Thượng.

 

    Không mang theo tiền mặt, người dân vẫn có thể dễ dàng mua hàng khi đến chợ với nhiều mức giá khác nhau thông qua việc thanh toán bằng mã QR từ phần mềm Viettel money. Đây là cách thức thanh toán được áp dụng rộng rãi tại chợ trung tâm thị trấn Lịch Hội Thượng từ hơn một tháng nay. Mặc dù hình thức thanh toán này không mới, khi đã được triển khai tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, nhưng Trần Đề là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình này. Từ 5 ki-ốt được triển khai thí điểm, sau hơn 1 tháng, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt đã phát triển tại 10 ki-ốt và các điểm bán cà phê, căn tin... trên địa bàn thị trấn Lịch Hội Thượng. Mô hình nhận được sự tham gia, hưởng ứng từ người dân và các tiểu thương. Dự kiến sẽ tiếp tục được nhân rộng tại nhiều xã, thị trấn trên địa bàn nhằm hình thành những “khu chợ 4.0”. Ông Khưu Thạnh, ấp Châu Thành, thị trấn Lịch Hội Thượng cho biết: “Tôi đi chợ thấy hướng dẫn sử dụng mã QR, mình để điện thoại vào quét thì thanh toán rất nhanh gọn và thuận lợi. Có khi mình đi gấp quên mang tiền theo, nhưng cũng có thể mua đồ được nếu mang theo điện thoại. Thấy hình thức này rất hay, cần được nhân rộng hơn, sau này đi chợ cũng không cần phải mang theo nhiều tiền mặt”.

    Xác định chuyển đổi số là nội dung quan trọng trong công tác điều hành, chỉ đạo, quản lý tại địa phương, đặc biệt là trong công tác điều hành, phát triển kinh tế xã hội, bên cạnh việc nhân rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống trên địa bàn huyện hay ứng dụng thông tin trong điều hành, quản lý, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Trần Đề đã đặt ra các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc chuyển đổi số ở từng lĩnh vực, như: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...  Hiện nay, các hoạt động hội nghị, các cuộc họp trực tuyến cũng được huyện Trần Đề triển khai ổn định từ tỉnh đến các xã, thị trấn trong huyện. Mục tiêu phòng họp không giấy tờ cũng cơ bản đạt được khi phần lớn các tài liệu truyền tải qua hệ thống quản lý văn bản và được gởi trước các cuộc hội nghị; hoạt động trao đổi, đóng góp văn bản cũng thông qua thệ thống, từ đó các văn bản được nhận-gởi, theo dõi, quản lý chặt chẽ hơn. Đến nay, 100% bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho giải quyết thủ tục hành chính; 100% văn bản đi/đến được chuyển trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện; 100% lãnh đạo cấp phòng trở lên và lãnh đạo các xã, thị trấn được cấp và sử dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành.

    Việc được Tỉnh uỷ chọn làm đơn vị điểm thực hiện chuyển đổi số cũng đã giúp cho huyện nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp khoa học công nghệ, từ đó được định hướng các nội dung cụ thể, phù hợp trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên địa bàn. Thời gian tới, hoạt động chuyển đổi số sẽ được Ban Chỉ đạo huyện Trần Đề triển khai quyết liệt, sâu rộng hơn, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của huyện để chuyển đổi số thật sự là hướng phát triển mang đến lợi ích thiết thực cho người dân, từng bước đưa Trần Đề trở thành địa phương phát triển toàn diện, hiện đại trong xu thế hội nhập. Đồng chí Nguyễn Thành Duy – Phó Bí thư Huyện ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Trần Đề thông tin thêm: “Chúng tôi xác định sẽ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Bởi đây là lĩnh vực gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như là sinh kế chủ yếu của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện. Nếu ứng dụng chuyển đổi số thành công trên lĩnh vực nông nghiệp, sẽ mang đến nhiều lợi nhuận hơn cho bà con, sẽ là nền tảng phát triển cho các trụ cột khác. Ngoài ra, khi cán bộ công chức và người lao động có một kiến thức nhất định trong chuyển đổi số cũng góp phần xây dựng môi trường đầu tư thật sự hiệu quả, thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương. Song song đó, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Trần Đề cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn huyện, với những nội dung mà doanh nghiệp cảm thấy phù hợp với ngành mình, lĩnh vực mình. Cụ thể chúng tôi sẽ ưu tiên triển khai các mô hình, lĩnh vực thuộc thế mạnh của doanh nghiệp để hoạt động chuyển đổi số của huyện đạt được đúng như mục tiêu đã đặt ra. Về lâu dài, dựa trên nền tảng số, chúng tôi sẽ đầu tư thêm các trang thiết bị, đồng thời đổi mới tư duy và cách làm phù hợp theo đúng nhu cầu và xu hướng tất yếu trong thời gian tới”.

    Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Trần Đề cũng sẽ tiếp tục phối hợp cùng lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, lãnh đạo các xã, thị trấn và các đơn vị đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về chuyển đổi số bằng nhiều hình thức khác nhau. Triển khai thí điểm tại từng địa phương để có đánh giá toàn diện trước khi nhân rộng. Hướng đến mục tiêu đưa chuyển đổi số phát triển thực chất, hiệu quả, tuyệt đối không chạy theo hình thức.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 113
  • Hôm nay: 8362
  • Trong tuần: 89,966
  • Tất cả: 11,475,418