Lượt xem: 1056

Một số kết quả sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về khoa học và công nghệ

Nhận thức tầm quan trọng về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động số 26-CTr/TU, ngày 01/02/2013 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW. Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, tạo sự thống nhất trong nhận thức về quan điểm của Đảng trong phát triển, ứng dụng KH&CN; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về KH&CN vào nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp qua từng nhiệm kỳ. Qua đó, hoạt động KH&CN  bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 


Công bố chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng. Nguồn soctrang.org.vn

 

    Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền luôn nỗ lực tạo bước chuyển biến cơ bản về năng lực, trình độ nghiên cứu ứng dụng KH&CN của địa phương; đầu tư, khai thác có hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn phát triển KH&CN; đẩy mạnh các phong trào, sáng kiến, sáng tạo khoa học và kỹ thuật; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN được đổi mới theo hướng coi trọng chất lượng, hiệu quả, bám sát các yêu cầu và giải quyết được các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Nhiều thành tựu KH&CN mới và kết quả nghiên cứu của địa phương được áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tỉnh tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống cây trồng, vật nuôi; thực hiện các giải pháp kỹ thuật trong khâu thu hoạch, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường; xây dựng và bảo hộ các nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Hành tím Vĩnh Châu, artemia Vĩnh Châu, gạo tài nguyên Thạnh Trị. Cùng với đó, duy trì mô hình liên kết sản xuất lúa đặc sản an toàn và hiệu quả trên vùng tôm - lúa, mô hình lúa thơm - tôm sạch, chuyển dần theo hướng sản xuất an toàn sinh học, lúa hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhiều mô hình nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất như xây nhà lưới, đầu tư hệ thống tưới phun tự động, tưới nhỏ giọt, trồng màu phủ bạt... tạo sản phẩm sạch và an toàn cung cấp cho thị trường. Một số mô hình nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, như: Công nghệ lọc tuần hoàn, sử dụng men vi sinh, lót bạt đáy, che lưới lan, bê tông hóa ao nuôi, công nghệ nuôi tôm hai giai đoạn; có 26 cơ sở áp dụng thực hành sản xuất tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP với diện tích 1.100 ha; có 106 nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP; 20,95 ha rau an toàn; hơn 14 ha hành tím được cấp giấy chứng nhận VietGAP; có 265,8 ha sản xuất theo mô hình VietGAP trên các loại cây trồng như: Cam sành, cam soàn, nhãn tiêu da bò, mãng cầu gai, xoài cát chu, bưởi da xanh; vú sữa...; có đến 145 sản phẩm OCOP tiềm năng.

    Riêng đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tập trung vào nghiên cứu các giải pháp để bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian; các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử,.. góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh.

    Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa luôn được tỉnh quan tâm. Hằng năm, tỉnh đầu tư trên 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh cho công tác đào tạo nhân lực; đồng thời, cấp kinh phí về cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh để chi cho công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu theo theo kế hoạch đề ra. Tính đến nay, cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.757 người, trong đó có 23 tiến sĩ; 431 thạc sĩ; 35 bác sĩ chuyên khoa II; 400 bác sĩ chuyên khoa I; 6.940 đại học; 1.073 cao đẳng và 1.855 người thuộc trình độ khác.

    Công tác quản lý, tổ chức hoạt động KH&CN thực hiện đúng quy định, phù hợp với điều kiện của địa phương; kịp thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý KH&CN, từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả theo hướng gắn kết với sản xuất và đời sống. Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai có hiệu quả 08 đề tài, dự án thuộc các chương trình KH&CN quốc gia với tổng kinh phí trên 65 tỷ đồng; 89 đề tài, dự án cấp tỉnh với tổng kinh phí trên 72 tỷ đồng, trong đó có 74 đề tài, dự án đã nghiệm thu và 15 đề tài, dự án đang triển khai; 996 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở với tổng kinh phí trên 193 tỷ đồng; có 28 đề tài, dự án có kết quả nổi bật trong ứng dụng và phát triển KH&CN; 02 sáng chế và 01 giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Các sở, ngành đã từng bước tổ chức triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào công tác chuyên môn, hoạt động sản xuất của địa phương. Tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN giai đoạn 2012-2021 là 157 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã biên soạn và phát hành kỷ yếu 31 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2015, kỷ yếu 47 đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016-2020.

    Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 tổ chức KH&CN (14 tổ chức KH&CN công lập, 02 tổ chức KH&CN ngoài công lập) và 04 doanh nghiệp KH&CN với tổng số nhân lực hoạt động KH&CN trong các tổ chức KH&CN là 1.338 người, trong đó có 35 tiến sĩ/bác sĩ chuyên khoa II, 241 thạc sĩ/bác sĩ chuyên khoa I, 972 đại học, cao đẳng và 90 người thuộc trình độ khác. Tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp, chuyển giao công nghệ, cải tiến các quy trình kỹ thuật, trang thiết bị để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như: Hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng kế hoạch phát triển công nghệ kết hợp với chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến, thay thế dần các công nghệ sản xuất lạc hậu; thúc đẩy và tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (mức đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011-2014 của tỉnh là 30,61%, đến giai đoạn 2016-2020 tăng lên 31,72%). Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh, trong đó tích cực xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 10/01/2022 của Chính phủ; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư của Trung ương nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Ngoài ra, tăng cường mở rộng liên kết, quan hệ hợp tác KH&CN với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tranh thủ thu hút các nguồn lực để phát triển KH&CN, tiếp thu công nghệ mới, công nghệ cao và các thành tựu KH&CN tiên tiến, những kinh nghiệm hữu ích; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cán bộ KH&CN tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, tham gia nghiên cứu khoa học; phối hợp triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu, chia sẻ thông tin KH&CN.


Mô hình nhà lưới và hệ thống nước phun tưới tự động là những phát minh của KHCN áp dụng hiệu quả vào sản xuất rau màu. Nguồn soctrang.org.vn

 

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển KH&CN của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu là trong việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến do cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư phát triển KH&CN còn hạn chế; thiếu đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia giỏi, tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là trong giai đoạn 4.0.

    Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh tập trung vào 05 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KH&CN. Lựa chọn, xác định trọng tâm của nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn tới là phát triển theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, giải quyết các nhu cầu cấp thiết của tỉnh; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu KH&CN, đặc biệt là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng địa phương. Phát triển mô hình doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo và sản xuất thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tập trung một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh để qua đó thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng, các nhà khoa học có trình độ cao. Tăng cường mối liên kết với các viện, trường trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN.

K.H



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 5760
  • Trong tuần: 87,300
  • Tất cả: 11,531,856