Lượt xem: 274

Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ

Ngày 30/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển kinh tế sau hậu COVID-19 (Nghị quyết số 11).  Xác định được tầm quan trọng của Nghị quyết, dựa trên nhiệm vụ được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng rà soát nhu cầu của các đối tượng để người dân sớm được thụ hưởng các nguồn vốn vay từ chương trình này.

 


Ông Kim Diễn ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành mua 2 con bò sữa từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ người dân khôi phục và phát triển kinh tế hậu COVID-19 

 

    Theo Nghị quyết, NHCSXH được giao triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023) gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch…

    Nhằm triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng tập trung rà soát nhu cầu của các đối tượng. Cuối tháng 4, nguồn vốn thực hiện chương trình bắt đầu được giải ngân tại các địa phương trong tỉnh.

    Ông Kim Diễn là một trong những hộ ở ấp Kinh Mới, xã An Ninh, huyện Châu Thành được giải ngân 50 triệu đồng cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Sau khi nhận được tiền vay, ông đã mua 2 con bò sữa để tăng số lượng đàn bò của gia đình, cải thiện kinh tế gia đình sau 2 năm khó khăn do đại dịch. Ông phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn này, tôi có tiền tái đầu tư việc chăn nuôi, không bao lâu nữa, bò này cho sữa thì nguồn thu nhập mỗi ngày cũng góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Tôi rất cám ơn vì Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ kịp thời cho nông dân hậu COVID-19”.

    Cùng với giải ngân cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng cũng thực hiện giải ngân đối với các chương trình tín dụng ưu đãi khác theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

    Qua sinh hoạt nhóm, được anh em tuyên truyền về chương trình tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến, anh Trịnh Minh Trung ở ấp Hòa Long, xã An Ninh, huyện Châu Thành cũng đã làm hồ sơ và được vay 10 triệu đồng. Đến nhận tiền, anh rất vui mừng vì từ số tiền này, anh mua máy tính cho con học tập dễ dàng và thuận tiện hơn.

    Ông Diễn, anh Trung là 2 trong số rất nhiều bà con trên địa bàn toàn tỉnh Sóc Trăng đã được tiếp cận nguồn vốn vay đầy ý nghĩa này, không những tạo điều kiện cho con cái học hành tốt hơn mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giúp bà con bám đất, bám vườn để yên tâm lao động sản xuất ngay tại quê hương mình. Theo số liệu tổng hợp, nhu cầu nguồn vốn trong 2 năm đối với các chương trình tín dụng thực hiện theo Nghị quyết 11 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là 1.637 tỷ đồng ở 5 chương trình tín dụng. Đến thời điểm này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã được phân bổ nguồn vốn là 136 tỷ đồng và nguồn vốn đang được giải ngân đến bà con có nhu cầu tại các địa phương trong tỉnh.

    Đồng chí Trịnh Bích Tuyền - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Tính đến nay, Chi nhánh đã giải ngân hơn 41 tỷ đồng cho hơn 1.500 khách hàng vay vốn. Trong đó, cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với hơn 34 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị doanh số giải ngân hơn 6,7 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội đã giải ngân hơn 2,5 tỷ đồng; cho vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập là 340 triệu đồng. Riêng đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đang chờ Thông tư hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc. Sau khi có Thông tư hướng dẫn, NHCSXH Trung ương sẽ có hướng dẫn triển khai thực hiện, khi đó Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai Chương trình”.

    Để việc triển khai Nghị quyết 11 đạt kết quả cao nhất, song song với công tác tuyên truyền, trong quá trình thực hiện, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng mục đích, phát huy được hiệu quả và điều quan trọng nhất là không để các đối tượng lợi dụng để trục lợi chính sách từ Nghị quyết này.

Minh Khoa



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 102
  • Hôm nay: 6422
  • Trong tuần: 88,281
  • Tất cả: 11,506,403