Lượt xem: 1206

Hạ tầng thương mại Sóc Trăng qua 30 năm phát triển

Xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng hạn chế, kinh tế kém phát triển nhưng với sự đoàn kết, vượt khó, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, sau 30 năm tái lập, Sóc Trăng đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, phải kể đến kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng và trao đổi hàng hóa của nhân dân, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất hàng hóa; đời sống, kinh tế - xã hội của địa phương ngày thêm phát triển.

 


Chợ Phường 2 khai thác hiệu quả sau khi được đầu tư nâng cấp. Ảnh: H.Lan

 

    Chị Hương (thành phố Sóc Trăng) bộc bạch, hôm nào muốn ăn các loại cá, tép ruộng thì chị chọn đi chợ truyền thống; còn khi cần mua các loại gia vị, đồ dùng trong nhà thì chị lại vào siêu thị, cửa hàng bách hóa để mua vì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lại thoáng mát mà còn được giao hàng tận nhà.

     Anh Nguyễn Văn Tuấn (huyện Kế Sách) cho biết, bây giờ ở Sóc Trăng mình muốn mua mặt hàng nào cũng có, từ nội tỉnh, trong nước và hàng nhập khẩu đều có mặt tại các chợ, siêu thị. Theo anh Tuấn, trước đây muốn mua máy móc, thiết bị, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp anh phải ra tới chợ trung tâm tỉnh, thậm chí ngoài tỉnh mới có, giờ ra chợ Kế Sách không thiếu mặt hàng nào từ vật tư nông nghiệp, xe máy, điện thoại… đa dạng về chủng loại, giá cả phù hợp túi tiền từng người.

    Từ đó có thể thấy qua 30 năm tái lập tỉnh, hạ tầng thương mại Sóc Trăng ngày càng phát triển, đa dạng, phong phú về hình thức bán hàng, phương thức kinh doanh thương mại, dịch vụ, đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân. Nếu so với những ngày Sóc Trăng mới tái lập, chỉ có chợ thành thị nằm tại các trung tâm của tỉnh, huyện, hoặc nơi giao thương hàng hóa của các địa phương. Thường chợ chỉ nhóm họp (bán) theo thời gian nhất định, nếu cần mua gì người dân phải đợi đến ngày hôm sau hoặc có thể lâu hơn. Sau khi tái lập, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng thương mại, chợ xuất hiện ngày càng nhiều hơn từ thành thị cho đến nông thôn.

    Theo số liệu từ ngành Công thương tỉnh, nếu năm 2008, toàn tỉnh có 119 chợ; trong đó có 1 chợ loại I, 18 chợ loại II, 100 chợ loại III; 19 chợ thành thị và 100 chợ nông thôn được phân bổ theo quy mô gồm: 62 chợ tạm, 57 chợ kiên cố và bán kiên cố thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh có 124 chợ gồm 40 chợ thành thị và 84 chợ nông thôn; trong đó 82 chợ kiên cố và bán kiên cố, 38 chợ tạm, 1 chợ nổi, 1 chợ đêm, 2 chợ hạng 3 chưa xây dựng kiên cố, bán kiên cố. Cùng với đó, hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại dần phát triển và ngày càng rầm rộ tại các địa phương trong tỉnh.

    Hiện toàn tỉnh có 16 trung tâm thương mại, siêu thị tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố; 72 cửa hàng tiện lợi (gồm 50 cửa hàng tổng hợp, 22 cửa hàng chuyên doanh) tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Chính sự xuất hiện và phát triển của chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi không chỉ người dân được hưởng lợi mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cho địa phương. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội toàn tỉnh là 15.000 tỉ đồng, tăng gần 27,5% so với cùng kỳ. Những con số biết nói, đã minh chứng cụ thể cho sự phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh trong 30 năm tái lập.

    Tuy nhiên, hạ tầng thương mại của tỉnh phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện nhiều chợ trên địa bàn tỉnh đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả nhưng chưa được hỗ trợ đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa do thiếu nguồn vốn hoặc có doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp xúc, tạo sự đồng thuận với thương nhân tại chợ nên không chuyển đổi được mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý tại các chợ này. Doanh nghiệp không mặn mà trong đầu tư chợ tại các xã vùng sâu, vùng xa vì vốn cao mà lợi nhuận và thu hồi vốn khó. Một số chợ được xây dựng mới, nâng cấp chưa đạt yêu cầu, thiếu các công trình phụ trợ bãi đậu xe, khu tập trung rác thải, hệ thống thoát nước… hoặc một số chợ chưa phát huy tối đa hiệu quả khai thác khi đưa vào hoạt động. Tình trạng chợ họp không đúng quy hoạch, tự phát, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè quanh khu vực chợ còn phổ biến gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các chợ trong quy hoạch, ảnh hưởng mỹ quan khu vực chợ, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông…


Cửa hàng bách hóa ngày càng phát triển khắp các địa phương trong tỉnh, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân. Ảnh: H.Lan

 

    Để hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển và phát triển ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian tới Sóc Trăng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư, khai thác hệ thống chợ, chợ đầu mối, trung tâm thương mại,... tại các đô thị và khu vực nông thôn theo quy hoạch; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển chợ trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh với các hình thức thanh toán linh hoạt; chú trọng phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, thực hiện các giải pháp trọng tâm về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chợ. Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng chợ. Lồng ghép việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cấp, cải tạo hạ tầng chợ nông thôn, trong đó ưu tiên khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để dần thay đổi diện mạo thương mại và rút ngắn khoảng cách với các chợ vùng trung tâm…

    Có như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh mới có thể hiện thực hiện hóa chỉ tiêu xây mới 13 chợ; cải tạo, nâng cấp 25 chợ; mở rộng 6 chợ, di dời, xây mới 5 chợ, chuyển đổi công năng 8 chợ, chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ từ ban quản lý, tổ quản lý sang doanh nghiệp, hợp tác xã 31 chợ; đặc biệt sẽ thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, xây dựng chợ đầu mối (Phường 8, thành phố Sóc Trăng) và nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

H.Lan



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 5292
  • Trong tuần: 86,832
  • Tất cả: 11,531,388