Lượt xem: 716

Hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực an sinh xã hội

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để chăm lo an sinh xã hội tốt hơn cho người dân đang là nhiệm vụ đặt ra, với mục tiêu vừa tạo thuận lợi cho người thụ hưởng chính sách, lại tiết kiệm thời gian cho người làm nhiệm vụ.

 


Phòng Người có công đang số hóa hồ sơ lưu trữ

 

    Nếu như trước đây, khâu lưu trữ hồ sơ của trên 50.000 người có công trên địa bàn tỉnh đều thủ công, mỗi khi cần đến thì vào sổ để tìm số hồ sơ, sau đó phải vào kho lưu trữ để trích lục, một hồ sơ muốn tìm rất mất thời gian; thế nhưng giờ đây, tất cả các công đoạn đó chỉ thay bằng một cái click chuột, bởi tất cả đều được quản lý trên phần mềm. Hồ sơ dạng giấy đã được số hóa, đảm bảo đầy đủ thông tin, đáp ứng nhu cầu khi cần tra cứu. Dữ liệu được phân quyền khai thác và sử dụng đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và cấp xã; hướng đến dữ liệu dùng chung, tạo thuận lợi trong tìm kiếm hồ sơ.

    Chị Ung Thị Thu Thủy - chuyên viên Phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ ngày số hóa hồ sơ, đã giúp cho tôi lấy hồ sơ dễ dàng, nhanh chóng, giúp ích trong tìm kiếm, hồ sơ lưu cũng có hệ thống hơn. Người có công chỉ cần đến và nêu thông tin là tìm được ngay trên máy. Việc chia sẻ thông tin đến các huyện, thị xã, thành phố cũng dễ dàng hơn.

    Đối với hệ thống quản lý người có công, kể từ năm 2001, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã sử dụng phần mềm này, góp phần quản lý gần 50.000 hồ sơ; tuy nhiên, chỉ dừng lại ở việc nhập liệu, còn phần scan hình ảnh thì chưa được sử dụng. Đến năm 2018, khâu nhập liệu và scan hình ảnh mới được tích hợp, kinh phí do Bộ hỗ trợ, đã giúp tỉnh hoàn thành khoảng trên 30.000 hồ sơ gồm các đối tượng được quy định, như: Anh hùng lực lượng vũ trang, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, người nhiễm chất độc hóa học. Đến năm 2022, từ nguồn kinh phí của tỉnh, chương trình lưu trữ này được khởi động trở lại để số hóa lưu trữ toàn bộ hồ sơ còn lại.

    Đồng chí Lê Thị Chiến - Trưởng Phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hiện còn trên 15.000 hồ sơ người có công, phòng đã hoàn thành gần 10.000 hồ sơ và đang phấn đấu đến tháng 11 sẽ hoàn thành toàn bộ hồ sơ. Sắp tới, VNPT còn tích hợp vừa quản lý chi trả, vừa quản lý hồ sơ, giúp việc quản lý đối tượng được chặt chẽ hơn.

    Ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tập trung trên 3 lĩnh vực, gồm: Hoạt động dịch vụ việc làm, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và xử lý văn bản của đơn vị. Đối với hoạt động dịch vụ việc làm, công nghệ đã góp phần tư vấn, kết nối việc làm cho người tìm việc và nhà tuyển dụng thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm, đặc biệt là phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Ngoài ra, còn góp phần thuận lợi trong thu thập, cung cấp các thông tin thị trường lao động, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động, phục vụ cho công tác giải quyết việc làm, cũng như phân tích, dự báo thông tin thị trường lao động.

    Đồng chí Trần Hữu Trí - chuyên viên Phòng Tư vấn việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết việc làm hiện nay mang lại hiệu quả rất lớn. Trước đây, công nghệ thông tin chưa được triển khai và đẩy mạnh như hiện nay, thì đa số người lao động muốn tìm việc làm và doanh nghiệp muốn tìm người lao động đều phải đến Trung tâm, Trung tâm lưu trữ bằng ghi chép tay, còn hiện nay công nghệ thông tin đều vi tính hóa nên rất thuận lợi và nhanh chóng.

    Đối với giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, vào tháng 7 năm nay, Trung tâm chính thức tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Người lao động không nhất thiết phải đến Trung tâm để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, mà có thể nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đó, tạo thuận lợi để người lao động tiếp cận và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

    Đồng chí Hoàng Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong năm 2022, Trung tâm có một điểm mới là đang thụ hưởng nguồn đầu tư từ Tiểu dự án 3 về phát triển việc làm bền vững thuộc Dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025. Các nguồn lực tập trung nâng cao hoạt động của Trung tâm liên quan đến hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin, để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động và thành lập sàn giao dịch trực tuyến; xây dựng cơ sở dữ liệu về người tìm việc, việc tìm người cũng như hỗ trợ giao dịch việc làm. Hy vọng giai đoạn 2022-2025 khi triển khai nguồn vốn này, sẽ góp phần để Trung tâm chuyển đổi số một cách toàn diện.

    Tuy còn gặp không ít khó khăn trong quá trình chuyển đổi số trên lĩnh vực an sinh xã hội, như trang thiết bị còn thiếu, cơ sở dữ liệu rời rạc, một số phần mềm còn lạc hậu và kết quả mang lại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thế nhưng, phải công nhận rằng chuyển đổi số đã và đang góp phần rất lớn trong công tác lĩnh vực người có công, lao động việc làm nói riêng và trên lĩnh vực an sinh xã hội nói chung, theo hướng đơn giản, nhanh chóng tiện lợi và hiệu quả.

Kim Sang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 93
  • Hôm nay: 6289
  • Trong tuần: 88,148
  • Tất cả: 11,506,270