Lượt xem: 84

Khi thanh niên mang tri thức số về với cộng đồng

Giữa thời đại công nghệ bùng nổ, khi chuyển đổi số không còn là khái niệm xa vời mà đã len lỏi vào từng ngóc ngách cuộc sống, nhưng vẫn còn đó những “khoảng trống” số nơi vùng sâu, vùng xa, nơi người dân, đặc biệt là người lớn tuổi chưa thể bắt kịp nhịp phát triển của xã hội. Chính từ nhu cầu đó, đoàn viên, thanh niên huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã ra mắt đội hình “Bình dân học vụ số”, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng số thiết yếu cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người ít tiếp xúc với công nghệ.

    BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ

    Không có bục giảng, không có bảng, “lớp học” của các đội hình tình nguyện được tổ chức trên những chiếc ghế nhựa, bàn cà phê. Mỗi “học viên” cầm trên tay chiếc điện thoại, ngồi đối diện một tình nguyện viên trẻ. Từng bước chậm rãi, tỉ mỉ, các tình nguyện viên trẻ kiên nhẫn giúp “học viên” biết sử dụng các ứng dụng số.


Đoàn viên, thanh niên xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành hỗ trợ cài ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Thạch Pích

 

    Đang mân mê chiếc điện thoại thông minh cũ, bà Thạch Thị Hồng Nga, ngụ ấp Sà Bâu, xã Thuận Hòa bộc bạch: “Trước đây, chiếc điện thoại đối với bà là để nghe, bởi không biết cách mở trang mạng xã hội, đọc tin nhắn hay tra cứu thông tin. Nay nhờ được các cháu đoàn viên, thanh niên của xã nhiệt tình đến hướng dẫn cài đặt một số ứng dụng cần thiết để thanh toán tiền điện, tiền nước qua điện thoại, đặc biệt là gọi zalo video cho con cháu được nữa. Bà mừng quá, như mở mắt ra thấy ánh sáng mới vậy đó”.

    Chị Lê Thị Yến Nhi, hộ kinh doanh đồ ăn, nước uống thuộc ấp Trà Canh A2, xã Thuận Hòa cũng phấn khởi cho biết: “Được các em đoàn viên, thanh niên đến cài đặt và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, tạo mã QR thanh toán trực tuyến không cần dùng tiền mặt, tôi thấy rất tiện lợi”.

    Điều khiến đội hình “Bình dân học vụ số” trở nên đặc biệt, chính là tính cộng đồng sâu sắc. Họ không đứng trên bục giảng, mà ngồi xuống bên cạnh người dân, nói ngôn ngữ giản dị, ví von dễ hiểu và tận tình hướng dẫn cách sử dụng các ứng dụng sau khi cài đặt thành công.

    Anh Sơn Minh Hoàng - Bí thư Xã đoàn Thuận Hòa, Đội trưởng đội “Bình dân học vụ số” cho hay: “Chúng tôi nhận thấy nhiều người dân, đặc biệt là người lớn tuổi rất khó khăn khi tiếp cận công nghệ. Họ có điện thoại thông minh nhưng không biết dùng, hoặc không dám dùng vì sợ bị lừa đảo. Vì vậy, mô hình “Bình dân học vụ số” ra đời như một cách để hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ một cách an toàn và hiệu quả. Khi chúng tôi hỗ trợ cài đặt các ứng dụng như VNeID, EVNSPC, các ứng dụng thanh toán trực tuyến không cần dùng tiền mặt, nhận thông báo chuyển khoản tiền điện từ ngân hàng…, các thành viên trong đội thường ghi mật khẩu cá nhân cho người dân để cất giữ thẩn trọng để khi cần sử dụng thuận lợi”.

    LAN TỎA TRI THỨC SỐ

    Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, từ giữa tháng 3 năm nay, Huyện đoàn Châu Thành đã nhanh chóng triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn huyện. Đến nay, đã ra mắt được 8 đội hình, mỗi đội có từ 8 - 10 thành viên nòng cốt là cán bộ hội, hội viên, thanh niên trẻ có kiến thức tốt về công nghệ thông tin. Họ chính là những “đại sứ số”, mang tri thức số đến từng hộ gia đình, từng người dân, giúp họ tiếp cận và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

    Sau khi ra mắt hoạt động, các đội hình “Bình dân học vụ số” đã giúp hàng trăm người dân trên địa bàn huyện tiếp cận và sử dụng thành thạo các kỹ năng công nghệ số cơ bản. Đặc biệt, nhiều người sau khi được hỗ trợ đã trở thành “hạt nhân truyền cảm hứng”, chủ động hướng dẫn lại cho người thân trong gia đình, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi.

    Bí thư Huyện đoàn Châu Thành - Lê Minh Trung, cho biết: “Phong trào Bình dân học vụ số không chỉ là cơ hội để người dân tiếp cận công nghệ, mà còn là dịp để thanh niên Châu Thành thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện trong công cuộc chuyển đổi số. Họ không ngại khó khăn, sẵn sàng đến từng ngõ ngách, từng hộ gia đình để hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Sự nhiệt huyết, tận tâm của họ đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng. Đến nay, những đội hình này đã tổ chức ra quân với nhiều hoạt động thiết thực, như hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, truy cập internet, đăng ký và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, bảo mật thông tin cá nhân và phòng tránh các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Đặc biệt, họ còn hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận với thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

    Từ ánh mắt bỡ ngỡ ban đầu đến những cái chạm màn hình đầy tự tin, hành trình của các đội hình “Bình dân học vụ số” ở huyện Châu Thành là minh chứng sinh động cho sức mạnh của tuổi trẻ trong việc dẫn dắt cộng đồng bước vào kỷ nguyên số. Với sự chung tay của toàn thể cộng đồng, tin rằng Châu Thành sẽ ngày càng phát triển, bắt kịp với xu thế công nghệ, góp phần xây dựng một Việt Nam số thịnh vượng và bền vững.

Thạch Pích



Phim tư liệu
  • Trailer Cuộc thi Lịch sử Đảng bộ
  • Sóc Trăng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
  • Chương trình giao lưu "Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn" lần thứ hai
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 83
  • Hôm nay: 4619
  • Trong tuần: 76,223
  • Tất cả: 16,381,021