Lượt xem: 676

Nghị lực phấn đấu làm giàu của cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn

Xuất thân trong gia đình nghèo khó, tuổi trẻ tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương, đến khi xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường, gia tài của người lính chỉ có đôi bàn tay trắng. Thế nhưng, với ý chí vươn lên, năng động trong sản xuất, kinh doanh, cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn ở ấp Mỹ Hương, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng có cuộc sống ngày càng sung túc.

    Những ngày đầu tháng 4, theo chân cán bộ Hội Cựu chiến binh xã Long Bình, thị xã Ngã Năm đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn, chúng tôi càng thêm khâm phục nghị lực và ý chí vươn lên của người cựu chiến binh này.


Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Toàn trước dàn máy xay sát lúa gạo. Ảnh: Mạnh Điệp

 

    Cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn sinh ra và lớn lên ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Tháng 7-1984, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn Bộ binh 37, Quân đoàn 14 chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến tháng 10-1985 ông vinh dự được đúng vào hàng ngũ của Đảng. Sau 3 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông trở về địa phương với quân hàm Thượng sỹ. Tại đây, ông xây dựng gia đình và ra ở riêng với tài sản duy nhất là hơn 3 sào ruộng. Thời gian đầu ông vay mượn bạn bè và gia đình đầu tư mua máy phát điện để cung cấp điện sinh hoạt cho người dân trong khu vực, kết hợp với làm đậu hũ. Tuy thu nhập không cao, nhưng cuộc sống của gia đình cũng tạm ổn. Tuy nhiên, vài năm sau đó, do thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào nghề làm đậu hũ nên cuộc sống gia đình ông trở lên khó khăn, nhất là khi các con đến tuổi ăn học. Vì vậy, cuối năm 1999 vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn quyết định gửi hai con khi đó mới 11 tuổi và 9 tuổi cho ông bà nội trông nom, nuôi dạy rồi cùng nhau khăn gói vào Nam tìm cách lập nghiệp.

    Ngày đầu khi tới ấp Mỹ Hương, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, số tiền còn lại của vợ chồng ông chỉ còn vẻn vẹn 2 triệu đồng. Thời gian đầu, do không có vốn làm ăn nên vợ chồng ông phải làm thuê vừa để mưu sinh và cũng vừa tìm hiểu cách làm ăn nơi miền đất mới. Qua tìm hiểu thấy nghề làm máy chà lúa phù hợp với khả năng của mình, vì trước đây ông đã từng có nhiều năm kinh nghiệm vận hành máy phát điện, vì vậy vợ chồng ông và quyết định về quê bán nhà và 3 sào ruộng để lấy vốn đầu tư mua máy chà gạo (máy xay xát mi ni). Và với 39 triệu đồng từ việc ban nhà và ruộng, vợ chồng ông lại xa các con lên đường lập nghiệp. Vào tới nơi ông đầu tư mua máy chà gạo và một số vật dụng cần thiết phục vụ sản xuất và dựng tạm căn lán trại trên phần đất thuê.

    Năm 2000 là thời điểm nhu cầu chà lúa rất cao, hơn nữa với bản chất thật thà, cẩn thận, chất lượng chà lúa tốt, ít hao hụt nên ông được người dân và bạn hàng tín nhiệm, bình quân mỗi ngày ông chà từ 1 - 1,5 tấn lúa, có ngày lên đến 2 tấn. Ngoài tiền công, ông còn có thêm thu nhập khá cao nhờ thu mua các phụ phẩm như trấu, cám, tấm của bạn hàng. Chỉ sau 3 năm khởi nghiệp từ máy chà gạo mimi, vợ chồng ông đã tích lũy được trên 2 tỷ đồng. Để mở rộng quy mô sản xuất, ông quyết định đầu tư mua máy chà công suất lớn để phục vụ bạn hàng, chủ yếu các công ty xuất khẩu gạo và bạn hàng có số lượng lớn. Khi nguồn thu nhập ổn định, ông quyết định đầu tư mua hẳn 1,5 công đất mướn trước đây để mở rộng quy mô sản xuất và 1,6 tỷ đồng để chuyển đổi sang máy chà phù hợp hơn để vừa phục vụ nhu cầu của người dân địa phương và những khách hàng lớn trước đây quen thuộc.

    Khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, nắm bắt nhu cầu thị trường ông quyết định đầu tư mua sắm hệ thống sản xuất đậu hũ và đây cũng là cơ hội để vợ chồng ông giữ lại nghề truyền thống. Để giải quyết phế phẩm từ bả đậu hũ và tăng thu nhập, ông đầu tư trên 150 triệu đồng xây chuồng trại nuôi heo, đến nay quy mô trại heo của ông gần 120 con và 200 con gà thả đồng. Chia sẻ với chúng tôi ông cho biết, với mô hình tổng hợp khép kín này, gồm chà lúa, sản xuất đậu hũ, bán gà thịt, bán 3 lứa heo thì mỗi năm lợi nhuận mang lại khiêm tốn cũng trên 1 tỷ đồng.

    Không chỉ là tấm gương điển hình, nhạy bén trong phát triển kinh tế, Chi hội trưởng Cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn còn nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động Hội Cựu chiến binh, thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên và nhân dân ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn sản xuất... giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, Chi hội trưởng Nguyễn Đình Toàn thường xuyên cùng Chi hội Cựu chiến binh ấp Mỹ Hương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương. Mặc dù hiện nay do sức khỏe và công việc gia đình nên ông xin thôi làm Chi Hội trưởng, nhưng ông và gia đình vẫn là tấm gương sáng trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, luôn phát huy bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Mỗi năm gia đình ông đều tích cực đóng góp ủng hộ các loại quỹ ở địa phương, giúp các hộ nghèo vượt khó, trẻ em nghèo đến trường, người già neo đơn, bệnh tật hàng chục triệu đồng.


Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Toàn (thứ 2 từ phải sang), giới thiệu khu chế biến đậu hũ. Ảnh: Mạnh Điệp

 

    Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Long Bình Lê Văn Nhỏ, cho biết: Cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn không chỉ là người đảng viên, hội viên Cựu chiến binh gương mẫu hết lòng vì công tác Hội, mà còn là gương điển hình tiêu biểu trong Phong trào “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi” ở địa phương, được cán bộ, hội viên học tập và làm theo. Đồng chí luôn phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, không cam chịu đói nghèo mà luôn quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng; là hội viên gương mẫu trong các phong trào thi đua của Hội và là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, nhạy bén trong phát triển kinh tế, được Hội Cựu chiến binh xã đánh giá rất cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, đồng chí còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều hội viên khác, giúp nhiều hội viên thoát nghèo nhờ mô hình này. Ngoài ra, bản thân và gia đình đồng chí còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động tại địa phương, nhất là các phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, tích cực đóng góp ủng hộ các loại quỹ ở địa phương. Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh xã Long Bình sẽ tổ chức cho hội viên tham quan học hỏi kinh nghiệm, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để đồng chí Toàn tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình”.

    Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, đến nay cựu chiến binh Nguyễn Đình Toàn đã sở hữu một cơ sở kinh tế tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sự thành công của mô hình này không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu chính đáng, mà còn điển hình tiên tiến và là động lực tích cực để cán bộ, hội viên Cựu chiến binh học tập và noi theo.

Mạnh Điệp



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 123
  • Hôm nay: 8453
  • Trong tuần: 93,045
  • Tất cả: 12,559,699