Sự “khác biệt” trong điệu múa, lời ca
Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân luôn là “cánh chim đầu đàn” của Quân chủng Hải quân trong hoạt động văn hóa - văn nghệ ở đơn vị cơ sở, bởi luôn tạo sự “khác biệt” trong điệu múa, lời ca. Sự “khác biệt ấy” không chỉ đem “hơi thở đại ngàn Tây nguyên” vào chương trình biểu diễn mỗi lần đơn vị tham gia liên hoan nghệ thuật quần chúng, mà còn “tạo ra nét mới rất Tây nguyên” trong sinh hoạt văn hóa thường ngày của cán bộ, chiến sĩ.

Tiết mục múa “Âm thanh đại ngàn trong lòng lính thủy” của đội văn nghệ Chi đội Kiểm ngư 2 - Vùng 2 Hải quân trong Liên hoan nghệ thuật quần chúng
Tôi đem thắc mắc “tại sao lính thủy thích biểu diễn văn nghệ mang hơi thở đại ngàn?” hỏi Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Ngọc - một trong nhiều biên đạo múa cơ sở ở tàu săn ngầm 13 thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân. Thiếu tá Ngọc giãi bày: Sở dĩ lính thủy thích luyện tập và biểu diễn văn nghệ đậm chất Tây nguyên là vì những bài hát, điệu múa mang hơi thở đại ngàn bao giờ cũng “mạnh về nhịp điệu, nhanh về tiết tấu, khỏe về động tác thể hiện, thoáng về trang phục”. Trong mỗi chương trình biểu diễn, chỉ cần có 1-2 tiết mục múa hoặc hát có “chất Tây nguyên” ắt hẳn chương trình ấy được đánh giá cao “có sự đầu tư, dàn dựng công phu”, không bị bó hẹp trong khuôn khổ; vừa mới lạ, hấp dẫn, thu hút người xem, vừa tạo ra không gian văn hóa đặc sắc đậm đà bản sắc dân tộc. “Nhiều năm kinh nghiệm trong biên đạo dàn dựng chương trình biểu diễn văn nghệ cho lính biển, bao giờ tôi cũng dựng một đến hai tiết mục Tây nguyên, trong đó có một tiết mục múa độc lập đậm chất đại ngàn. Chính tiết mục này đã tạo nên cảm hứng cho diễn viên trong quá trình luyện tập, và nó cũng trở thành tiết mục “chủ đạo” trong chương trình biểu diễn” - biên đạo Ngọc cho biết.
Cũng theo biên đạo Phạm Văn Ngọc, những bài hát anh thường luyện tập cho bộ đội là “Đi tìm lời ru mặt trời” (sáng tác Y Phôn K'sor), “Ngọn lửa cao nguyên” (sáng tác Trần Tiến), “Nỗi nhớ cao nguyên” (sáng tác Tuấn Anh), “Đôi chân trần” (sáng tác Y Phôn K'sor), “Tình ca Tây nguyên” (sáng tác Hoàng Vân)... Còn những điệu múa anh dựng cho lính biển như: “Ngày hội mùa”, “Ngọn lửa đại ngàn”, “Vũ điệu Tây nguyên”, “Hơi thở đại ngàn”… “Lính thủy hát múa về lính thủy, bộ đội hải quân hát múa về bộ đội hải quân điều đó là hiển nhiên như sự “mặc định”. Nhưng lính thủy biết hát, múa về đại ngàn Tây nguyên mới là độc, lạ. Tôi muốn bộ đội hải quân không chỉ biết hát, múa về hải quân, mà còn biết hát, múa về đại ngàn Tây nguyên. Chính những bài hát, điệu múa đậm chất Tây nguyên đã truyền cảm hứng cho diễn viên khi tập và lôi cuốn người xem. Nói đến múa Tây nguyên thì ai cũng thích, ai cũng muốn xem, vừa mới lạ, hấp dẫn ở trang phục, vừa rộn ràng thúc giục ở âm nhạc” - anh Ngọc chia sẻ.
Cũng lấy “hơi thở đại ngàn” làm “điểm nhấn” trong mỗi chương trình thi biểu diễn nghệ thuật quần chúng của Vùng 2 Hải quân, Trung tá Phạm Văn Hùng - Phó Chính ủy luôn đi tìm “những cái mới trong những ca khúc cũ”, trong đó múa, hát Tây nguyên là những tiết mục không thể bỏ qua. “Những bài ca, điệu múa đậm chất Tây nguyên bao giờ cũng đầu tư dàn dựng công phu. Sau những giờ huấn luyện trên thao trường đầm đẫm mồ hôi, các chiến sĩ lại hóa thân trong “chàng trai, cô gái Tây nguyên” rộn ràng trong tiếng cồng, chiêng. Cả đơn vị vui như ngày hội. Khi “ngọn lửa Tây nguyên đã “thấm” vào người, tất cả tay bám vai thành một vòng tròn vừa đi vừa hát. Sinh hoạt văn nghệ tập thể, bên cạnh những bài hát ngợi ca về biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, những điệu múa, lời ca đậm chất Tây nguyên luôn tạo cho bộ đội sự thích thú” - Trung tá Hùng cho hay.
Chất “đại ngàn” quyện hòa biển, đảo
Với bộ đội Hải quân Vùng 2, biển, đảo vẫn là đề tài chủ đạo được khai thác nhiều nhất trong hoạt động văn hóa - văn nghệ thường ngày và hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Song, trong nhiều thể loại văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, thì văn hóa Tây nguyên được cán bộ, chiến sĩ “ưu tiên” lựa chọn hàng đầu. Bởi thế nên trong tất cả chương trình biểu diễn của các đơn vị cơ sở trực thuộc Vùng, mỗi lần thi liên hoan văn nghệ, có đến 80% các chương trình biểu diễn có tiết mục múa, hát Tây nguyên. “Sở dĩ chất Tây nguyên được khai thác nhiều trong hoạt động nghệ thuật biểu biễn của bộ đội Hải quân Vùng 2 do nó luôn tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn. Với sắc mầu huyền bí, âm nhạc mạnh mẽ, phong cách thể hiện nhanh, mạnh, những tiết mục hát, múa Tây nguyên đã thực sự lôi cuốn người xem. Bộ đội hải quân là những người “ăn sóng nói gió” khi hát, múa Tây nguyên tạo nên sự hòa quyện. Chất đại ngàn quyện hòa vào chất biển đảo, tạo nên “bản sắc độc đáo” của lính biển mỗi khi biểu diễn nghệ thuật” - biên đạo múa Phạm Văn Ngọc chia sẻ.
Tháng ba lại về, cùng với toàn quân, bộ đội Hải quân Vùng 2 từ đất liền đến hải đảo xa xôi, từ nhà giàn DK1 đến những con tàu lênh đênh ngoài biển đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), 70 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955 - 7/5/2025). Song song với những hoạt động quân sự, phong trào văn hóa - văn nghệ và hoạt động “biểu diễn nghệ thuật quần chúng” đang được các đơn vị cơ sở ráo riết thực hiện. Bên cạnh những điệu múa, bài ca chuyên biệt ngợi ca về biển, đảo của Tổ quốc thì “âm thanh đại ngàn” là một phần không thể thiếu trong mỗi chương trình biểu diễn. Bởi nó không chỉ làm cho chương trình mới, lạ, hấp dẫn, truyền cảm hứng cho diễn viên, lôi cuốn người xem, mà còn góp phần lan tỏa sức sống của văn hóa các dân tộc Tây nguyên trong lòng lính thủy.
Mai Thắng